Chúng tôi đã từng biểu diễn trước họng súng quân thù

Thứ Tư, 28/12/2005, 14:11

Đầu năm 1973, Đoàn Văn công Công an Nhân dân vũ trang chúng tôi được lệnh vào chiến trường Quảng Trị để biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Hôm tới Hải Lăng, đoàn chúng tôi được xác định phải tổ chức một cuộc biểu diễn thật chính quy với một chương trình phong phú, phải lắp sân khấu và lắp đèn đầy đủ để bộ đội và nhân dân được xem một buổi văn nghệ cho thật đã, bõ những ngày phải biểu diễn phân tán ở lán, ở hầm trong rừng, văn công và khán giả, người diễn người xem đều không yên lòng, thấp thỏm sợ bất trắc do địch gây ra bất cứ lúc nào.

Trước buổi biểu diễn, bộ đội công binh cũng đã cho máy ủi, xe bọc thép rà đi, soát lại để dọn phá hết bom mìn.

Tưởng chừng như vậy là yên trí rồi, nhưng sau khi ánh đèn sân khấu vừa sáng lên, buổi biểu diễn mới được một hai tiết mục thì ầm!… Ầm!… Pháo địch ở đâu bắn tới tấp. Mảnh đạn bắn lên sân khấu xé toạc cột phông màn, văng vào cột đèn kêu chát chúa.

Thế là buổi biểu diễn bất thành. Sự việc này đối với chúng tôi chẳng xa lạ lắm vì đó là chiến tranh mà. Chúng tôi chỉ ân hận một điều là không có được một buổi biểu diễn văn nghệ cho bộ đội và nhân dân vùng mới giải phóng xem  một cách thoải mái.

Tuy nhiên, trong chuyến đi biểu diễn phục vụ ấy, suốt dọc đường 14 Lao Bảo, Hướng Hóa, Khe Sanh và cuộc trao trả tù binh, chúng tôi cũng đã biểu diễn được nhiều buổi và để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. Đặc biệt là phải kể tới lần đồng chí Nguyễn Đức Tạ, Chính trị viên của đoàn và tôi dẫn một số anh chị em trong đội hát gồm các đồng chí: Bảo Chung, Hoàng Long, Ngọc Châu, Nguyễn Thịnh, Huy Quảng, Đức Minh, Bích Phượng, Lan Phương… đến vùng tranh chấp giáp ranh tại thôn Bích La Trung và lần đến chợ Sải thuộc huyện Triệu Phong để biểu diễn cho bộ đội và cả lính thủy đánh bộ của ngụy quân Sài Gòn cùng xem.

Ca sĩ Hoàng Long đang biểu diễn tại chốt Bích La Trung.

Nơi đây là một vùng quê đã bị máy bay B52 của Mỹ - ngụy ném bom rải thảm. Làng mạc cây cối gần như bị thiêu trụi chỉ còn lại vài thân cây lớn cháy dở. Hai bên chiến hào của tuyến giáp ranh là bạt ngàn những lá cờ nho nhỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và cờ ba sọc của ngụy quyền Sài Gòn xen kẽ nhau. Nơi ấy, bộ đội ta và quân ngụy chỉ cách nhau có một hàng rào dây thép gai, thậm chí là hai đầu chiến hào.

Nơi biểu diễn là một khoảng trống ở giữa hai quả đồi nhỏ và một bên là bộ đội ta, một bên là quân ngụy.

Tất nhiên là buổi biểu diễn ấy, bọn lính ngụy cũng cố tìm mọi cách để phá rối.

Dẫu được bộ đội ta đã thông báo cho bọn chúng biết từ hôm trước, nhưng khi đoàn chúng tôi chuẩn bị biểu diễn, bộ đội ta nghiêm chỉnh ngồi xem, còn phía bên kia, dưới sự chỉ huy của bọn sĩ quan tâm lý chiến, lính ngụy đứa mặc quần áo rằn ri, đứa thì ở trần. Một số đứa, mình xăm đầy những hình thù kỳ quái. Có những tên còn cố khoe vết xăm hai chữ “sát Cộng” ở trên cánh tay. Có đứa còn ăn uống nhồm nhoàm, hò hét, gõ bát đĩa xoong chảo ầm ĩ. Một số khác bật radio nghe những bài ca não nùng sướt mướt. Tôi đưa máy ảnh lên chụp nhưng chúng xua tay, gào thét: “Không được chụp ảnh!… Đả đảo!…”. Thế rồi một hồi còi vang lên. Chúng lao nhanh chạy hết xuống hầm chĩa súng sang phía sân khấu, nơi chúng tôi chuẩn bị biểu diễn. Chúng tôi nghĩ, hoặc là chúng sợ, hoặc là chúng uy hiếp tinh thần nhằm phá hoại cuộc biểu diễn của chúng tôi… Nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh và xác định đây là một cuộc chiến đấu trên mặt trận văn nghệ nên càng phải diễn hay hơn. Bộ đội ta vẫn bình thản nghiêm túc chú ý lắng nghe và vỗ tay nhiệt liệt sau mỗi bài hát.

Biết một vài hành động vô văn hóa của một thứ quân ô hợp chẳng lay chuyển nổi ý chí của chúng tôi và có lẽ do lương tâm con người được thức dậy, một số tên lính lặng lẽ chui từ dưới hầm lên ngồi xem chúng tôi biểu diễn. Và cứ sau mỗi tiết mục, chúng cũng vỗ tay tán thưởng. Từ một vị trí trên sân khấu, tôi chú ý quan sát thấy nhiều tên lính trẻ rất thích bài hát “Mỹ thua, Mỹ chạy đèn cù” và bài “Tiếng đàn Ta lư” do anh chị em trong đoàn biểu diễn.

Buổi biểu diễn xong, bộ đội ta rất hân hoan, bắt tay hẹn gặp lại đoàn trong ngày hòa bình thống nhất đất nước. Phía quân ngụy, cũng có phần bớt căng thẳng hơn. Có một viên trung úy ngụy lặng lẽ sang chỗ chúng tôi. Với giọng run run anh ta tỏ lời khen ngợi văn công giải phóng và bày tỏ ý nguyện có ngày gặp lại

Doãn Duyên
.
.