Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập lực lượng An ninh điều tra (31-12-1951 - 31-12-2016)

Chiến công nối tiếp chiến công

Thứ Năm, 29/12/2016, 12:05
Lần giở cuốn kỷ yếu đã nhuốm màu thời gian, Thiếu tướng Lý Anh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh điều tra (ANĐT), Tổng Cục An ninh, Bộ Công an, không giấu được niềm tự hào. Những cảm xúc từ khi còn là một người lính và giờ là người chỉ huy vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu. 


65 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Cục ANĐT đã luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia.

Với những thành tích đã đạt được, đơn vị đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất... và hiện đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Thiếu tướng Lý Anh Dũng tiếp tôi trong căn phòng làm việc được bài trí ngăn nắp, ấm cúng, thể hiện sự tinh tế của chủ nhân. Đây là thời điểm hiếm hoi trong ngày anh thảnh thơi sau những giờ họp án căng thẳng.

Một buổi họp án của cán bộ chiến sĩ Cục An ninh Điều tra.

"Những năm trở lại đây, cùng với việc xử lý các vụ án liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, Cục ANĐT còn được lãnh đạo Bộ Công an, Tổng Cục An ninh tin tưởng giao điều tra một số vụ án kinh tế lớn; các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được dư luận đặc biệt quan tâm... Sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Công an, trách nhiệm với nghề là động lực giúp chúng tôi phải hoàn thành trọng trách được giao", Thiếu tướng Lý Anh Dũng bộc bạch.

Có thể kể đến những vụ án mang thương hiệu của lực lượng ANĐT Bộ Công an như vụ buôn lậu, đưa, nhận hối lộ xảy ra ở Công ty Tân Trường Sanh, Công ty Hưng Thịnh ở VCSB; vụ Mai Văn Huy và đồng bọn buôn lậu, tham ô, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở Đồng Tháp...

Hay gần đây là các vụ về tham nhũng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như vụ án xảy ra ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Vụ án đặc biệt nghiêm trọng về tính chất, mức độ và hậu quả thiệt hại rất lớn. Những sai phạm không chỉ xảy ra ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và nhiều đơn vị trực thuộc mà còn ảnh hưởng ở 33 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Vụ án xảy ra trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XI, một số đối tượng lợi dụng hoạt động yếu kém của Tập đoàn Vinashin để kích động, chống phá về đường lối kinh tế của Đảng, Chính phủ, gây mất lòng tin trong nhân dân. Với sự nỗ lực của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh, gồm Cục An ninh kinh tế Tổng hợp và Cục ANĐT, vụ án đã được điều tra, xử lý, góp phần tạo lòng tin trong Đảng và nhân dân.

Những câu chuyện chia sẻ của người đứng đầu đơn vị, trăn trở trước khối lượng lớn tài sản của Nhà nước bị thất thoát; cùng việc truy tìm và thu hồi được tài sản cho Nhà nước; các đòn cân não vào những thời điểm quyết định góp phần vào thành công của chuyên án, giúp chúng tôi hiểu thêm về công việc của những người lính an ninh thầm lặng.

Thiếu tướng Lý Anh Dũng chia sẻ: Án kinh tế không phải là mảng việc "thạo" của lực lượng an ninh điều tra. Nhưng khi được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an... tin tưởng giao trọng trách, cán bộ Cục ANĐT đã không quản khó khăn, vừa làm, vừa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ngoài yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, họ còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Đối tượng trong vụ án kinh tế đều là người có chức vụ ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ngoài việc xử lý đúng người, đúng tội còn phải đảm bảo cho hoạt động của các doanh nghiệp. Những vụ án này, sau khi được làm sáng tỏ đã giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề nội bộ.

Ngoài khó khăn trong giải quyết các vụ án, các điều tra viên còn chịu nhiều áp lực, không ít đối tượng đã tìm cách mua chuộc, dụ dỗ và lôi kéo. Khi mục đích không thành được, một số đã tung tin bịa đặt, tìm cách bôi lem lực lượng làm nhiệm vụ. 

Với án xâm phạm an ninh quốc gia, mảng việc vốn là sở trường của lực lượng ANĐT thì yêu cầu đặt ra còn khắt khe hơn nhiều. Các vụ án do Cục ANĐT thụ lý đều là án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội có tổ chức, trên địa bàn rộng.

Thời gian gần đây, hầu hết các vụ án này đều có sự can thiệp của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước; các đối tượng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, đưa ra các yêu sách vô lý đòi trả tự do vô điều kiện cho các đối tượng vi phạm...

Khi yêu cầu không được đáp ứng, chúng tuyên truyền, bóp méo hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam và lợi dụng môi trường Internet để thực hiện phạm tội. Với lực lượng ANĐT, phá án không chỉ dừng ở việc chứng minh hành vi phạm tội của các bị can mà phải tìm đến chân tướng của sự việc, xem các vướng mắc đang nằm ở đâu rồi tự mày mò tìm hiểu; không dừng lại ở đấu tranh mà phải giải quyết tư tưởng cho bị can, kéo họ về với mình, kể cả khi họ đã ra tòa.

Ngày làm không hết việc, tối đến anh em lại nghiên cứu tài liệu để đấu tranh, bác bỏ những luận điểm sai trái của đối tượng. Để có một buổi hỏi cung phải nghiên cứu tài liệu trong nhiều ngày. Có những đối tượng phải một thời gian dài mới chịu khuất phục với tâm thế "tâm phục, khẩu phục"...

Theo mạch cảm xúc, những trang lịch sử hào hùng của lực lực lượng ANĐT nói chung, Cục ANĐT nói riêng đã được Thiếu tướng Nguyễn Anh Dũng chia sẻ với chúng tôi: Tổ chức tiền thân của Cục ANĐT với tên gọi là Phòng Chấp pháp được thành lập ngày 31-12-1951 thuộc ty Bảo vệ Chính trị, Nha Công an Trung ương....

Trải qua nhiều thời kỳ và để phục vụ yêu cầu chính trị, đến tháng 6-1981, lực lượng chấp pháp đã được tách ra thành hai bộ phận ANĐT và Cảnh sát điều tra, từ đây Cục ANĐT chính thức ra đời. Sau khi được thành lập, các đơn vị chấp pháp đã phối hợp với lực lượng Bảo vệ Chính trị, điều tra, làm rõ nhiều vụ án gián điệp, phản động như vụ hoạt động gián điệp ở Ninh Bình...

Từ năm 1954 đến 1975, ngoài việc điều tra các vụ án nhen nhóm tổ chức phản động, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân còn phối hợp với các lực lượng khác đón, bắt khai thác gián điệp biệt kích.

Trong những năm đầu đổi mới giải phóng, tình hình an ninh chính trị trật tự xã hội ở các tỉnh phía Nam hết sức phức tạp... lực lượng chấp pháp đã nhanh chóng triển khai lực lượng vào miền Nam, tập trung truy quét số tàn quân, phản cách mạng; điều tra xử lý các vụ án kinh tế, buôn lậu, tham nhũng lớn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các loại tội phạm mới... đã làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng, thu hồi tài sản cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó đã phát hiện thủ đoạn mới của tội phạm và những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, góp phần làm trong sạch nội bộ, phục vụ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Từ năm 2001 đến này, đơn vị đã lập nhiều chiến công to lớn, đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước.

Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động xâm nhập, phá hoại của các tổ chức phản động còn đấu tranh với hoạt động của một số đối tượng cơ hội chính trị nổi lên là hoạt động của một số đối tượng phản động mới như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy...

Kế đó, lực lượng ANĐT đã bắt, xử lý các vụ lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, góp phần ổn định chính trị tại các vùng chiến lược, điển hình là các vụ Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), Đình Nguyên Kha...

Với những thành tích đã đạt được, Cục ANĐT đã vinh dự được Nhà nước, Bộ Công an tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba... Ban đơn vị cấp phòng thuộc Cục được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cục ANĐT nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh tổ quốc và hiện đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Xuân Mai
.
.