Cảnh sát kinh tế Phú Thọ: Giữ mình trước áp lực đời thường

Thứ Sáu, 26/01/2007, 10:15

Bản lĩnh của những người biết tránh những viên đạn bọc đường để giành chiến thắng, tinh thần làm việc quên mình, kiến thức chuyên môn vững, đối với các chiến sĩ CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ Công an tỉnh Phú Thọ, chỉ là những yếu tố cần nhưng chưa đủ...

Mười bốn giờ ba mươi phút, chiếc xe u-oát được lệnh xuất phát, đưa các trinh sát và điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ Công an tỉnh Phú Thọ đến thị xã Phú Thọ, thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Cao Huy Hợp, một mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp của Nguyễn Thị Ngọc Anh - vụ án gây xôn xao dư luận trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây.

Xe lao qua những tuyến đường lóc cóc ổ gà, chiếc quạt con cóc trên xe không đủ sức làm dịu đi cái nắng nóng gay gắt. Hành trình đen của những tờ hóa đơn đỏ trong vụ án Nguyễn Thị Ngọc Anh đang đi đến chặng cuối cùng khi các đối tượng cùng những hành vi phạm tội đang dần dần bị lôi ra ánh sáng. Không ai có thể ngờ được rằng, chỉ với một cửa hàng bán cuốc xẻng ở chợ Mè, Nguyễn Thị Ngọc Anh cùng đồng bọn đã thực hiện trò ảo thuật với hàng trăm tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), rút ruột của Nhà nước hàng tỉ đồng tiền hoàn thuế.

Đây là một trong những vụ án cho thấy bọn tội phạm có thể lợi dụng tối đa những khe hở trong quản lý kinh tế của Nhà nước để phạm tội. Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2002 đến năm 2004, Anh đã mua 378 tờ hóa đơn GTGT của gần 100 doanh nghiệp ma với doanh số ảo được ghi trên những tờ hóa đơn lên tới hàng trăm tỉ đồng. Lợi dụng những sơ hở trong thực hiện thuế GTGT, Anh cùng đồng bọn đã tạo ra một thị trường mà hàng hóa là những tờ hóa đơn GTGT. Hơn 7 tỉ đồng tiền khấu trừ thuế đã bị Anh và đồng bọn chiếm đoạt. Một thủ đoạn vừa tinh vi, vừa trắng trợn.

Hơn một năm trời ròng rã với không biết bao nhiêu đêm thức trắng và những tuần làm việc không nghỉ, Thiếu tá Hán Văn Phúc, người được mệnh danh là “khắc tinh của giới tội phạm cổ cồn trắng” trực tiếp tham gia thụ lý án hiểu hơn ai hết những giá trị từ mồ hôi nước mắt của mình và anh em tham gia phá án đem lại cho xã hội, cho nền kinh tế của một tỉnh miền núi nghèo như Phú Thọ.

Từ năm 2000 đến nay, trong tổng số 72 vụ án kinh tế được Công an tỉnh Phú Thọ điều tra làm rõ thì có tới 42 vụ liên quan tới hóa đơn GTGT. Ở mỗi vụ án, tính chất ranh ma trong thủ đoạn là khác nhau nhưng hậu quả có thể thấy rõ là đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng; kỷ cương xã hội bị coi thường, hàng trăm cán bộ bị xử lý, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.

Luật thuế GTGT ra đời là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều sơ hở, phát sinh tội phạm. Đã đến lúc phải giải quyết phần “gốc” của vấn đề trước cửa ngõ hội nhập kinh tế? Việc thu hồi thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước đã là một thành công, nhưng quan trọng hơn, từ thực tế khách quan, các anh thấy rằng, hành vi mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn GTGT đã thực sự là một loại tội phạm nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại to lớn về vật chất mà còn gây rối loạn trong trật tự quản lý kinh tế, Nhà nước phải có sự điều chỉnh về pháp luật trong lĩnh vực này, lập lại trật tự trong quản lý kinh tế, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do tội phạm kinh tế gây ra.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng nói vui với chúng tôi: “Bây giờ, người ta mua bán hóa đơn đỏ cũng “tự nhiên” như… vượt qua đèn đỏ vậy, đã đến lúc, Nhà nước phải có những chế tài sử phạt nghiêm minh hành động vi phạm pháp luật này, loại tội phạm này phải được quy định thành một tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự”.

Ấn tượng của bất cứ ai khi làm việc cùng những chiến sĩ cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ là sự chân tình, thẳng thắn và cởi mở, và quan trọng hơn là sự đoàn kết, thống nhất của một tập thể có đến hơn 97% là nam giới. Chính tình đoàn kết, thống nhất cao đó đã giúp cho họ vượt qua rất nhiều những thử thách thường nhật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, góp phần bảo vệ sự bình yên trên quê hương đất Tổ.

Đến nay, với bề dày thành tích 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đơn vị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhì; 10 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Từ năm 1981 đến nay, đơn vị Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ luôn đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng...

Nói đến những thành tích này, Thượng tá Nguyễn Văn Bình chỉ cười: “Cái khó nhất vẫn là vượt qua được chính mình, điều đó đối với anh em trong đơn vị còn quan trọng hơn những tấm huân chương”. Tôi hiểu những suy tư trăn trở của anh. Không phải đối mặt với cuộc chiến đấu sinh tử một mất một còn, nhưng cuộc chiến chống lại những viên đạn bọc đường cũng không kém phần cam go, quyết liệt. Không ít kẻ khi bị phát giác ra hành vi phạm tội đã không tiếc tiền bạc để mua chuộc. Ở cương vị như các anh, chỉ cần thả lỏng mình trong giây phút chỉ có “trời biết, ta biết”, hẳn nhiều anh em trong đơn vị cũng sẽ không còn phải vất vả sớm hôm, làm việc ở đơn vị mà cứ lo ngay ngáy chuyện đóng tiền học thêm cho con ở nhà. Nhưng các anh đã âm thầm vượt qua cái bản ngã tầm thường của con người để chiến đấu và chiến thắng.

Thiếu tá Hán Văn Phúc đã có hàng chục năm công tác ở thành phố nhưng hàng ngày vẫn lặn lội gần 30 cây số để về nhà. Nói chuyện về đời tư của mình, anh cười: “Cho đến tận bây giờ, dù chẳng nói ra cho vợ biết, nhưng trong lòng, tôi vẫn phải cảm ơn “bà ấy” vô cùng, chỉ riêng chuyện chẳng mấy khi “bà ấy”… thèm hỏi đến đồng lương của chồng là tôi đã mừng lắm rồi”.

Nói ra điều này, có thể nhiều người nghĩ đến sự… thiếu trách nhiệm với gia đình của anh, nhưng quả thực, công việc bộn bề nhiều khi khiến anh và các anh em khác trong đơn vị cũng bị hạn chế cả thời gian dành cho gia đình. Có lúc đang ém mình trên những nẻo đường trinh sát, các anh thèm đến nao lòng những bữa cơm sum họp gia đình có đầy đủ hơi ấm vợ chồng và tiếng cười trong trẻo của những đứa con.

Trung tá Nguyễn Khắc Hoạt -Phó trưởng phòng - xúc động kể với chúng tôi: “Có buổi sáng đến cơ quan, thấy ánh đèn ở mấy phòng vẫn sáng, anh em đang cặm cụi bên bàn làm việc, tưởng họ đến cơ quan sớm hơn thường lệ để hoàn thành nốt bản kết luận điều tra vụ án Nguyễn Thị Ngọc Anh, ai ngờ, anh em vẫn làm việc từ đêm hôm trước, chưa nghỉ”. Đó là khoảng thời gian cả đơn vị đang tập trung phá hàng loạt vụ án lớn như vụ án tham nhũng xảy ra tại chi nhánh bảo hiểm PJICO - Phú Thọ, vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham nhũng tại Công ty Khai thác và Chế biến khoáng sản … Thêm một lần, anh em trong đơn vị được “chia lửa” cho nhau.

Bản lĩnh của những người biết tránh những viên đạn bọc đường để giành chiến thắng, tinh thần làm việc quên mình, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng…, dường như đối với những chiến sĩ CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ Công an tỉnh Phú Thọ, chỉ là những yếu tố cần nhưng chưa đủ...

Phú Thọ là một tỉnh miền núi đang vươn mình đứng dậy sau một giấc ngủ dài. Những năm gần đây, kinh tế Phú Thọ đang có những bước chuyển mình vượt bậc với sự phát triển nhanh chóng của các trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch, thu hút nguồn đầu tư lớn ở trong nước cũng như nước ngoài. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hoạt động và thủ đoạn của tội phạm kinh tế cũng phát triển ngày càng phức tạp với nguy cơ xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như tội phạm môi trường, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao…

Điều đó đặt lên vai những chiến sĩ Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ - những trọng trách hết sức nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải trang bị cho mình kiến thức vững vàng để chủ động phân biệt, phát hiện những sơ hở, thiếu sót mà bọn tội phạm lợi dụng hoạt động, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế trong thời kỳ mới.

Dấu ấn trong chặng đường 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ có lẽ phải kể đến những vụ án có tiếng vang, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Những vụ án điển hình như: Vụ án Mai Hương, vụ án Trạm Cân, vụ án Nguyễn Duy Thiện, và gần đây nhất là vụ PJICO, vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng… mà các anh khám phá thành công đã minh chứng cho những nỗ lực hết mình của những chiến sĩ cảnh sát kinh tế Phú Thọ trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng khe hở trong quản lý kinh tế của Nhà nước để phạm tội, ngăn chặn sự thất thoát hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước, bảo vệ sự bình yên cho xã hội, hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Trong những chiến công thấm đẫm bao giọt mồ hôi, giữa ranh giới mong manh cái thiện và cái ác, giữa đòi hỏi và hy sinh, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa nụ cười và nước mắt… là những hy sinh thầm lặng về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc bản thân mà anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đang đối mặt và nếm trải

Lê Bích Phượng
.
.