Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước

Thứ Sáu, 11/02/2005, 08:52
Câu nói này là lời căn dặn của Bác với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp quản thủ đô vào đầu tháng 10/1954. Nó là lời di huấn thiêng liêng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc, giản đơn nhưng lại là một chân lý của các thế hệ người Việt Nam.

Theo hồi tưởng của Trung Tướng Phạm Hồng Cư, Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Bộ Quốc Phòng: Năm 1954, ông là Phó Chính uỷ trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 được cấp trên giao nhiệm vụ quân quản Điện Biên Phủ; thực thi việc trao trả thương binh rồi bàn giao lại địa bàn cho Đại đoàn 316; tiếp tục gỡ mìn giải phóng đất đai cho nhân dân địa phương sản xuất.

Thời điểm này, cuộc đàm phán ở Giơnevơ vẫn chưa kết thúc nên Bộ Tổng tham mưu chủ trương mở chiến dịch mùa hè để gây sức ép trên mặt trận ngoại giao. Sau khi tham gia một số trận đánh rất ác liệt, niềm vinh dự cho Đại đoàn 308 là được trung ương và chính phủ giao nhiệm vụ về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Nhưng vinh dự lớn hơn và cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất đối với các cán bộ chiến sĩ Đại đoàn là được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ tại Đền Hùng, nơi được coi là địa linh, cội nguồn, biểu trưng của dân tộc.

Tại Đền Hùng, nói chuyện với các cán bộ chiến sĩ đại đoàn 308, Bác nói: “Bộ đội ta đánh giặc giỏi nhưng làm sao phải chiếm được lòng dân. Không phải chiến thắng rồi về muốn làm gì thì làm. Nắm lấy dân để dân tin cậy, đó là điều quan trọng. Các chú phải lo việc tiếp quản thủ đô cho chu đáo, phải bảo vệ tài sản trong thành phố, bây giờ thuộc về nhân dân chứ không thuộc về kẻ địch mà ta phá phách. Đối với kẻ thù, khi nó phá hoại, chống đối thì ta ra tay trừng trị, còn khi nó đã hạ súng quy hàng thì ta phải đối xử với nó nhân đạo. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất ý nghĩa. "Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trước khi đưa ra lời căn dặn ấy, người còn giảng giải cho cán bộ, chiến sĩ: “Đền Hùng thờ các Vua Hùng. Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là tổ tiên của dân tộc ta”.

Làm theo lời Bác, hơn nửa thế kỷ trôi đi dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, con thuyền Cách mạng Việt Nam đã vượt qua bao thử thách cam go và giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau gần 3 thập kỷ, dân tộc ta, nhân dân ta đã đánh thắng 2 đế quốc, giành độc lập, thống nhất đất nước và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt là sau 18 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vị thế của đất nước ta ngày một nâng lên trên trường quốc tế. Bộ mặt đất nước từ miền núi đến nông thôn, thành thị, thị xã, thị trấn, đâu đâu cũng thay đổi lạ kỳ.

Từ một nước thiếu ăn, nghèo đói, chúng ta đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đặc biệt, trong trận tuyến quốc phòng và an ninh, trước dã tâm, âm mưu thâm độc và xảo quyệt của kẻ thù, trước diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, các lực lượng vũ trang ta (quân đội và công an) dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ Quốc cùng toàn dân giữ vững biên cương, an ninh – trật tự; đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đến thăm Đền Hùng hôm nay, chúng ta có thể tự hào thưa với Bác rằng thế hệ người Việt Nam hôm nay đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc lời Bác dặn. “Giữ lấy nước” là phải xây dựng một đất nước hùng cường, dân phải giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Nhớ đến công đức của tổ tiên, từ nhiều năm nay, Đảng bộ, chính quyền và các ban ngành chức năng ở Phú Thọ đã kết hợp với các ngành trung ương đã không ngừng coi trọng việc giữ gìn khu di tích Đền Hùng, coi đây là một việc làm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Do vậy, ngày nay, Đền Hùng không đơn thuần là di tích lịch sử mà còn là khu du lịch hấp dẫn.

Hàng năm, nơi đây có hàng chục vạn du khách từ mọi miền đất nước, từ nhiều nước ở các châu lục đến thăm quan du lịch. Vì thế, nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các dự án tu bổ, tôn tạo và xây dựng hạ tầng cơ sở. Trong một tương lai gần, khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ xây dựng thêm khu văn hoá, thể thao (Công viên văn hoá thanh niên Hùng Vương) và Làng văn hoá Hùng Vương. Công trình này sẽ tái tạo những sinh hoạt văn hoá thời Hùng Vương, qua đó giúp du khách đến thăm quan, nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về cội nguồn. Khu di tích Hùng Vương còn nhiều việc phải làm như hệ thống tượng đài Hai Bà Trưng, tượng Rồng vàng, nhóm tượng đài làng văn hoá thời Hùng Vương và nhiều hạng mục công trình khác nhằm tạo thành một quần thể di tích lịch sử – văn hoá Hùng Vương, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào.

Để góp phần bảo vệ an ninh ở khu di tích Đền Hùng, những năm qua, lực lượng CA Phú Thọ đã triển khai nhiều biện pháp vừa đảm bảo trật tự giao thông các tuyến đường vào khu di tích, vừa tổ chức thực hiện các phương án ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả chống các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội. Để làm trong sạch địa bàn, các chiến sĩ công an hàng năm rà soát, phân loại các đối tượng lợi dụng những ngày lễ gây ra những vụ trộm cắp, cướp giật, các hành vi thiếu văn hoá làm vẩn đục bầu không khí khu di tích. Đồng thời cùng các cán bộ Ban quản lý hướng dẫn du khách thăm quan trật tự và nền nếp. Nhờ đó, mấy năm trở lại đây, trật tự, an ninh ở khu di tích lịch sử Hùng Vương được đảm bảo.

Chưa hết, để đảm bảo mỹ quan và để khu di tích Đền Hùng mãi mãi in sâu trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, các dịch vụ hàng quán cũng được sắp xếp quy củ, không còn cảnh mạnh ai người nấy làm như trước nữa. Đền Hùng thực sự trở thành cội nguồn của nhân dân cả nước và du khách quốc tế

Ngọc Tình
.
.