Bác Hồ và nữ trinh sát đầu tiên của lực lượng Công an Việt Nam

Thứ Sáu, 19/08/2005, 07:44

Chị là nữ chiến sĩ công an nhân dân đầu tiên được Bác Hồ giới thiệu cho đồng chí Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ sử dụng từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới thành công. Có thể trong lực lượng Công an nhân dân từ khi mới ra đời cho đến các thế hệ hôm nay, còn nhiều người chưa biết về chị.

Tên khai sinh của chị là Nguyễn Thị Tích. Tích sinh năm 1916, con ông Nguyễn Trọng Quyến và mẹ là Nguyễn Thị Miên cùng quê xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vừa tròn ba tháng tuổi, thì mẹ đẻ Tích lâm bệnh hiểm nghèo và qua đời.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho giáo, ông Quyến đã từng tham gia phong trào Văn thân và được giác ngộ cách mạng rất sớm. Chính gia đình ông là địa điểm liên lạc bí mật của cách mạng, nhiều cán bộ cách mạng đã được gia đình ông cưu mang những lúc hiểm nghèo. Tích lớn lên trong tình thương yêu của bố nhiều hơn là của mẹ kế. Thấy con cực khổ, lại không được học hành, ông Quyến nói với đoàn thể cho Tích được sớm thoát ly để thoát cảnh dì ghẻ con chồng.

Hiểu tâm trạng của ông Tích, đồng chí Cố Khôn, người của đoàn thể (Đảng) đã đón Nguyễn Thị Tích với cái tên mới là Hoàng Lệ Minh sang Lào, rồi qua Xiêm (Thái Lan) để học chữ tại Trường Hoa anh học hiệu ở Băng Cốc. Trường này do đồng chí Thầu Chín, còn có tên là Lý Thụy, lập ra để đón các cháu nhỏ từ trong nước sang học chữ, sau này trưởng thành phục vụ nhân dân được nhiều hơn.

Lớp của Hoàng Lệ Minh học đều là các bạn nhỏ chỉ hơn nhau một hai tuổi. Cả lớp có khoảng bảy tám em như Lý Tự Trọng, Lê Hồng Phong… Lớp học ấy, Thầu Chín giao cho Vũ Tùng quản lý. Học ở Trường Hoa anh học hiệu được gần hai năm thì Thầu Chín đón tất cả sang Quảng Châu (1926) tiếp tục học tại trường Trung Sơn tiểu học. Đến Quảng Châu (Trung Quốc), Hoàng Lệ Minh đã sang tuổi 13 và với cái tên mới được đồng chí Lý Thụy đặt cho là Lý Phương Thuận.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung Sơn tiểu học, Lý Phương Thuận đã bước sang tuổi 18, được kết nạp vào tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng và được Lý Thụy giới thiệu vào làm việc ở nhà máy Điện Kỳ (sản xuất pin đèn). Tại đây, Lý Phương Thuận được huấn luyện làm công tác tuyên truyền trong giai cấp công nhân. Vừa làm công nhân vừa tham gia hoạt động tuyên truyền, dán truyền đơn, khẩu hiệu kêu gọi công nhân nổi dậy đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh, đuổi thợ, v.v…

Khi phong trào công nhân của nhà máy Điện Kỳ bị đàn áp, chị bị mật thám theo dõi, phải trốn khỏi nhà máy, trở về hoạt động trong cơ quan bí mật của Đảng ta ở Quảng Châu (Trung Quốc) cùng với một số đồng chí khác như Phùng Chí Kiên, Vũ Anh... Những năm tháng làm việc ở cơ quan bí mật này, chị được giao nhiệm vụ: in ấn tài liệu, bản tin, dạy chữ và tiếng Trung Quốc cho các đồng chí mới từ trong nước sang, hoặc chuyển tài liệu bí mật, giao thông liên lạc, dẫn đường, v.v…

Ngày ấy trụ sở Tổng bộ của Thanh niên cách mạng, đồng thời cũng là trụ sở báo Thanh Niên, là trung tâm huấn luyện cán bộ do Lý Thụy sáng lập. Những lớp huấn luyện như vậy thường do Lý Thụy trực tiếp giảng bài và Hồ Tùng Mậu là người trợ giảng. Chị Lý Phương Thuận kể lại: Các anh như Trần Phú, Lê Mạnh Trinh, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi, Tôn Quang Phiệt… đều được dự lớp huấn luyện ở trung tâm này cả. Đó là số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc.

Tháng 4/1931, Lý Phương Thuận được cấp trên điều về Hồng Công nhận nhiệm vụ mới. Đến Hồng Công, chị được đưa đến làm việc tại số nhà 186 phố Tam Lung, Cửu Long, Hồng Công, nhượng địa của Anh. Tại đây chị được gặp lại Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai và Lý Thụy. Đồng chí Lý Thụy bây giờ có tên mới là Tống Văn Sơ. Đây là cơ quan bí mật của Đảng ta ở Hồng Công. Người ra vào làm việc với Tống Văn Sơ ít hơn tại địa điểm mà chị làm việc ở Quảng Châu. Khách của Tống Văn Sơ có nhiều người  châu Á. Lại có cả khách nước ngoài khác như Liên Xô (cũ), Pháp… Công việc của chị ở đây cũng giống như ở Quảng Châu: phiên dịch tài liệu, giao liên, chuyển tài liệu bí mật của Đảng.

Làm việc tại đây chưa đầy hai tháng, hôm đó là ngày 6/6/1931, khi các anh chị khác vừa ra khỏi nhà, còn lại Tống Văn Sơ và Lý Phương Thuận đang làm việc thì cảnh sát Anh ập vào, bao vây ngôi nhà và bắt cả hai người.--PageBreak--

Khi bị bắt, Lý Phương Thuận chỉ một mực khai theo nội dung lý lịch: Tên Lý Phương Thuận, biệt danh Lý Sâm, cháu họ của Tống Văn Sơ, quê quán ở Nam Kinh, quốc tịch Trung Quốc.

Tống Văn Sơ và Lý Phương Thuận bị giam giữ tại nhà tù Victoria. Đây là lần thứ hai chị bị bắt. Lần thứ nhất, khi đi dán khẩu hiệu, rải truyền đơn kêu gọi công xã Quảng Châu, chị đã bị cảnh sát Tưởng bắt. Phần vì không đủ chứng cứ, phần chị khai chưa đến tuổi vị thành niên nên được tha. Bị bắt lần này, chị cũng kiên quyết, trung thành với bản lý lịch có trong tay, khi còn làm việc ở nhà máy Điện Kỳ, nên cảnh sát Anh cũng chẳng có chứng cứ gì buộc tội chị. Tống Văn Sơ thì kháng cáo đòi thi hành luật bảo thân. Mặt khác, Người còn bí mật thông tin ra ngoài nhờ luật sư bào chữa cho mình và Lý Phương Thuận. Nhờ có sự tác động từ nhiều phía và kiên trì đấu tranh trực diện với cảnh sát Anh ở Hồng Công, tại phiên tòa xét xử lần thứ ba diễn ra ngày 15 tháng 8 năm 1931, nhà chức trách Anh ở nhượng địa Hồng Công  đã phải trả tự do cho Lý Phương Thuận và buộc chị phải rời bỏ Hồng Công  đi Hạ Môn trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Được tin này, ở trong tù, Tống Văn Sơ đã viết cho Cường Để, đang tị nạn tại Nhật Bản một bức thư và bí mật chuyển ra ngoài cho Lý Phương Thuận. Trong thư, Tống Văn Sơ còn chỉ thị cho Lý Phương Thuận tìm cách sang Nhật tạm trú chân một thời gian.

Thái tử Cường Để, tên thật là Nguyễn Phúc Đản, sinh năm 1882, cháu đích tôn của Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (con vua Gia Long), tước kỳ ngoại hầu. Cường Để có lòng yêu nước, đã tham gia phong trào Duy Tân (chống Pháp).

Lý Phương Thuận thực hiện chỉ thị của Tống Văn Sơ đến Nhật Bản, ở nhà Cường Để một thời gian rồi tìm cách trở về Hạ Môn (Trung Quốc) với hy vọng liên lạc được với đoàn thể. Nhưng khi về Hạ Môn, được biết mật thám Pháp đang lùng tìm chị ở đây, chị lại phải về Thượng Hải, xin vào làm việc ở nhà máy đóng giày. Tại đây, Lý Phương Thuận gặp lại được Đỗ Đăng Trình và được biết Thượng Hải đang có biến.  Đỗ Đăng Trình khuyên chị nên về Quế Châu.

Khoảng cuối tháng 8/1945, chị đang tìm cách liên lạc với đoàn thể ở Quế Châu, thì được tin ở trong nước đã tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Lý Phương Thuận vội vã trở về Tổ quốc.

Về đến Hà Nội, Lý Phương Thuận chưa biết ăn đâu, ở đâu, vì đã hơn 30 năm xa đất nước. Chị đang lang thang tìm quán trọ thì được một gia đình người Hoa ở phố Hàng Buồm cho ở nhờ. Vào ở gia đình này được hai hôm, chị thấy một gia đình bên cạnh  bàn thờ Tổ quốc có treo một lá cờ đỏ sao vàng, dưới là một tấm ảnh với dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhìn qua tấm ảnh, chị nhận ngay ra vị chủ tịch chính là Lý Thụy - Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc. Lòng chị xốn sang, hồi hộp. Nhưng với bản tính con người quen sống với điều kiện hoạt động bí mật, chị lặng lẽ tìm gặp lại Tống Văn Sơ.

Chị đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Bác cháu gặp lại nhau, biết Người quá bận, nên chị không dám nói lại chuyện những ngày lưu lạc. Bác thật sự cảm động khi gặp lại cô cháu gái yêu quý một thời gian khổ.

Lý Phương Thuận thấy Bác gọi điện thoại cho ai đó. Chỉ sau chốc lát có một cán bộ đến. Bác giới thiệu: “Đây là đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương”. Bác giới thiệu với đồng chí Lê Giản: “Đây là cô Lý Phương Thuận đã từng giúp việc cho Bác những ngày ở Quảng Châu và Hồng Công, có kinh nghiệm hoạt động bí mật, giỏi tiếng Trung Quốc”.

Ngay chiều hôm đó, Hoàng Lệ Minh được đồng chí Lê Giản nhận về, giao cho đồng chí Nguyễn Tạo. Theo kế hoạch, Lý Phương Thuận được bố trí vào phục vụ bàn ở phòng giải khát của khách sạn Thăng Long. Khách sạn này thực chất là nhà trọ, khi bọn Tưởng sang, chúng trưng dụng cho sĩ quan ở. Chúng tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng ở đây.

Những ngày Hoàng Lệ Minh làm việc ở khách sạn này, công tác trinh sát nắm tình hình về âm mưu địch của công an ta thực sự hiệu quả hơn. Đặc biệt đối với vụ án Ôn Như Hầu, chính chị là người trực tiếp cung cấp nhiều tin bí mật nhất, kịp thời nhất phục vụ cho công tác phá án của ta.

Lý Phương Thuận, Hoàng Lệ Minh - người nữ cán bộ trinh sát đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân khi mới ra đời được khoảng hai tuần tuổi đã đóng góp đáng kể sức lực vào sự nghiệp bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ Việt Nam. Chị là một trong những nữ chiến sĩ công an được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, được Đảng, Nhà nước và ngành Công an tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Và là người vợ hiền của nguyên Cục trưởng Trần Long.

Năm 1970, chị Hoàng Lệ Minh được ngành cho nghỉ chế độ và qua đời năm 1995, tròn 79 tuổi

Cao Bá Sánh
.
.