Bác Hồ và cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Thứ Sáu, 17/03/2006, 08:35

Thành quả lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám là đã giành được chính quyền về tay nhân dân, xây dựng nên một nền cộng hòa dân chủ mới. Tuy nhiên, để chính trường quốc tế, nhất là các cường quốc lớn công nhận nền độc lập của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu việc cải tổ Chính phủ lâm thời theo hướng mở rộng với sự tham gia của các đảng phái, đoàn thể, nhân sĩ yêu nước ngoài Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh, đồng thời tiến hành chuẩn bị tổ chức cuộc Tổng tuyển cử (TTC) bầu Quốc hội, từ đó lập ra một Chính phủ chính thức và thông qua Hiến pháp.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v...”. Đây chính là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) non trẻ.

Ngày 16/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định thể lệ cuộc TTC. Tuy còn một số cán bộ tỏ ra lo lắng vì trình độ nhân dân ta còn thấp, năng lực tổ chức yếu, kinh nghiệm chưa có, hơn nữa ở miền Bắc bè lũ phản động đang hè nhau phá phách; ở miền Nam tình hình chiến sự đang lan rộng, nhưng với lòng tin tuyệt đối vào nhân dân, Bác vẫn quyết định: “Phải bầu ngay Quốc hội càng sớm, càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng thêm vào chế độ của mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận”.

Ngày 17/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51 quy định thể lệ TTC gồm 12 khoản, 70 điều và ấn định ngày TTC vào ngày 23/12/1945. Nhưng bọn Tưởng và lũ tay chân của chúng trong đảng Việt Quốc, Việt Cách (VQ, VC) hiểu rõ chúng không thể trông chờ thắng lợi trong cuộc TTC này nên càng ra sức phá hoại. Tướng Tiêu Văn, đại diện chính trị của Quốc dân đảng ở miền Bắc gửi một yêu sách mang tính chất tối hậu thư, yêu cầu ta phải cải tổ Chính phủ lâm thời trước khi TTC bằng cách triệu hồi các bộ trưởng Cộng sản và thay vào đó 80 ghế dành cho VQ, VC trong Quốc hội tương lai.

Ngày 24/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp với các thủ lĩnh của VQ, VC là Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh để cam kết thực hiện một số giao ước ủng hộ lẫn nhau trong cuộc TTC và kháng chiến, đình chỉ những hành động công kích bằng ngôn luận. Tuy báo Cứu quốc đã đăng tải điều ước này nhưng bọn phản động vẫn không thực hiện những gì đã cam kết. Chúng tung truyền đơn khắp nơi kêu gào: “Đả đảo cuộc TTC Việt Minh (VM). Các bạn hưởng ứng bỏ phiếu vô ích. Các bạn tuyên truyền vu vơ...”. Thậm chí, chúng còn ám sát, bắt cóc các ứng cử viên là người của VM. Trong hai ngày 10 và 11/12, từ 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ bàn về TTC và cách thức thương lượng với Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ).

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khoá I - Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Đến ngày 17/12/1945, tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu VNQDĐ viết rõ những đề nghị của họ và đề nghị hoãn cuộc TTC đến ngày 6/1/1946, gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27/12. Một phương án thỏa hiệp đã được chấp nhận: Chính phủ lâm thời sẽ được cải tổ thành Chính phủ liên hiệp với sự tham gia của 3 lực lượng chính trị là: VM - VC - VQ. Thủ lĩnh VC là Nguyễn Hải Thần sẽ giữ chức Phó chủ tịch nước. Thủ lĩnh VQ là Nguyễn Tường Tam giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, và họ sẽ được nhường cho 70 ghế trong Quốc hội để chia nhau hoặc bán cho người nào có tiền mua. Không phải tất cả thành viên trong Đảng Cộng sản và VM đều hiểu được thỏa hiệp này, một số người tỏ thái độ bất bình trước việc chế độ dân chủ mới có một phó chủ tịch nước là kẻ quên cả tiếng mẹ đẻ và luôn chống phá cách mạng? Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích một cách ngắn gọn: “Muốn giồng khoai, giồng lúa, người ta phải dùng phân. Muốn đi đến dân chủ mà tất cả chúng ta đều muốn, đôi khi phải làm những việc chúng ta không vui lòng lắm”.

Ngày 19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư bằng chữ Hán cho Tướng Trần Tu Hòa, đại diện của Bộ Tư lệnh Quân đội Trung Hoa dân quốc tại Việt Nam, thông báo quyết định của Chính phủ Việt Nam lùi ngày TTC hai tuần, đồng thời, Người cũng giải thích thêm một số vấn đề về tổ chức và nhân sự. Ngày 31/12/1945, Người viết bài kêu gọi trên báo Cứu quốc: “Hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên TTC tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”. Đồng bào ngoại thành Hà Nội còn ra nghị quyết về việc Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử và suy tôn Người làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam DCCH.

Danh sách ứng cử viên khu vực Hà Nội được niêm yết rộng rãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng thứ hai sau cụ Nguyễn Văn Tố. Tất cả có 74 vị ứng cử, chọn lấy 6 đại biểu. Hồi 15 giờ ngày 5/1/1946, tại khu Việt Nam học xá có cuộc gặp gỡ và ra mắt các ứng cử viên với nhân dân Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt mọi người phát biểu ý kiến: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”. Cho đến thời điểm này, sức mạnh đoàn kết, ý thức chính trị và tinh thần độc lập của nhân dân ta cùng với sự vận dụng tài giỏi đường lối của Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã làm tê liệt mưu đồ phá hoại của bọn quân phiệt Tưởng và tay sai có trong tay hơn 20 vạn quân.

Đúng 7 giờ sáng ngày 6/1/1946, ở Hà Nội pháo nổ giòn giã, đường phố rợp bóng cờ đỏ, sao vàng, các khu vực bầu cử được trang hoàng như ngày lễ lớn với bàn thờ Tổ quốc, băng khẩu hiệu. Thiếu nhi đánh trống phất cờ đi từ nhà này sang nhà khác, mời từng người đi bỏ phiếu! Trên các nẻo đường nườm nượp người đi bầu cử, nói cười vui vẻ. Các cụ già trịnh trọng, thong thả như đến nơi tôn nghiêm nhất. Ngay từ 6 giờ sáng, Hồ Chủ tịch đã xuất hành làm nhiệm vụ công dân của mình ở thùng phiếu số 10 phố Hàng Vôi. Người vui vẻ trình thẻ cử tri, nhận phiếu bầu, ra bàn ngồi ghi rồi gấp phiếu lại ngay ngắn, cẩn thận bỏ vào thùng phiếu. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu, Ô Đông Mác. Buổi trưa, Người ghé thăm các cháu thiếu nhi đang đi cổ động cho TTC ở phố Lò Đúc.

Tại nhiều vùng miền khác của nước ta, cuộc TTC diễn ra không được thuận lợi. Ở miền Nam Trung Bộ, cuộc TTC tiến hành dưới bom đạn của Pháp, chiến sĩ du kích tay súng, tay phiếu làm nghĩa vụ công dân. Ở Nam Bộ và các vùng tạm bị chiếm, cuộc TTC tiến hành bí mật: ban đêm, những thanh niên xung phong đi từ nhà này sang nhà khác, thùng phiếu giấu trong áo. 82% cử tri Sài Gòn - Chợ Lớn đã bỏ phiếu, nhưng 45 thanh niên xung phong đã bị địch bắt và bắn chết. Ở Tân An, Khánh Hòa, máy bay Pháp đã ném bom xuống các khu vực bầu cử làm nhiều người chết và bị thương... thật là một cuộc TTC rất anh hùng.

Bất chấp tình hình chính trị hết sức phức tạp, hơn 90% cử tri toàn quốc đã tham gia bỏ phiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh được 98,4% số phiếu bầu, 300 nghị sĩ được trúng cử, trong đó có 12 phụ nữ với đủ đại biểu các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân. Kết quả này là một thành công hết sức rực rỡ, một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn thể nhân dân Việt Nam.

Đúng 9 giờ sáng ngày 2/3/1946, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam DCCH. Tại kỳ họp này, Người được Quốc hội nhất trí bầu làm Chủ tịch Chính phủ kháng chiến. Sau khi cùng các thành viên Chính phủ, cố vấn đoàn và kháng chiến ủy viên hội tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời bế mạc và tuyên bố: “Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ cũng sẽ là Chính phủ thắng lợi”

Đỗ Hoàng Linh
.
.