50 năm mới trọn vẹn hình hài

Thứ Ba, 23/08/2005, 07:51
Anh tên là Phạm Dụng Hanh. Làng cát Trung Bính của xã Trường Sa xưa (Bảo Ninh ngày nay), bên dòng sông Nhật Lệ trong xanh, vắt mình qua thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, là nơi anh sinh ra và lớn lên. Ngày anh hy  sinh mới 20 tuổi. Lịch sử anh hùng của một gia đình, một vùng quê đôi khi có sự trùng lặp lạ kỳ.

Ngày 11/9/1947, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Trường Sa Phạm Khuôn Tương, anh ruột của Phạm Dụng Hanh bị giặc chém đầu giữa sân nhà khi chúng không thể khai thác được những bí mật ở người Cộng sản kiên cường này. Hơn 15 ngày sau, Phạm Dụng Hanh bị bắt và cũng bị giặc chém rồi lấy đầu mang đi.

Hai con trai của liệt sĩ Phạm Khuôn Tương là anh Phạm Ngọc Tảo và Phạm Ngọc Thược đã bao năm thương cha, khóc chú. Mộ cha thì hài cốt nguyên lành nhưng mộ chú 50 năm, chỉ có hài cốt phần thân.

Và một niềm vui bất ngờ là sau 50 năm địa phương đã tìm thấy xương đầu của liệt sĩ Phạm Dụng Hanh. Đây là một câu chuyện có lẽ là độc nhất vô nhị ở Quảng Bình.

Ông Nguyễn Phùng Tao, cán bộ lão thành Cách mạng, nguyên Chỉ huy trưởng Thị đội Đồng Hới giai đoạn 1945 - 1954, hiện đang nghỉ hưu tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình đã kể cho tôi nghe: Vốn là một chỉ huy dân quân xã năng động tháo vát, Phạm Dụng Hanh được điều về phụ trách công tác chính trị tại Thị đội Đồng Hới. Ngày 27/3/1947, Pháp tái chiếm thị xã, các cơ quan phải sơ tán lên chiến khu Thuận Đức cách đó 20 km.

Từ chiến khu, cán bộ các ngành phải tìm cách bám dân để duy trì phong trào cách mạng, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến. Bữa ăn toàn ngô đập giập, hầm nát, chan với canh măng rừng, rau tàu bay nấu với muối nhưng Phạm Dụng Hanh luôn yêu đời, ca hát và làm thơ. Những chuyến về xuôi bám trụ, anh thường xung phong đi đầu. Có lần, cả đoàn cán bộ suýt lọt vào ổ phục kích của giặc, nhưng Phạm Dụng Hanh đã nhanh chóng phát hiện, báo tin cho đồng đội, nhờ thế tổn thất đã không xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Đạm Phương, năm nay 75 tuổi, giáo viên nghỉ hưu tại phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, nguyên là chiến sĩ trong Cơ quan Thị đội khi xưa, kể: Phạm Dụng Hanh đã để lại những kỷ niệm đẹp trong bà về một tình yêu dung dị, chân thật, trong sáng, lành mạnh. Trong khu lán trại ở chiến khu, họ phải ăn chung, ngủ chung, thậm chí giặt quần áo cho nhau nhưng không bao giờ xảy ra những điều đáng trách. Một lần, bà ở cơ sở lên muộn, Phạm Dụng Hanh đi công tác về, đã không quản đêm tối, băng rừng đón và đưa bà về chiến khu. Ngày anh hy sinh, bà không có mặt. Bà Phương đã để tang anh cho đến ngày bà đi lấy chồng.

Tôi đã tìm đến phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới để gặp Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Trọng Tể, nguyên là một chiến sĩ trong tổ chiến đấu, chứng kiến sự hy sinh của Phạm Dụng Hanh. Ông kể: Thực hiện chủ trương diệt tề, trừ gian của Tỉnh ủy Quảng Bình, để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, đơn vị ông đã tìm về làng Thuận Lý tiêu diệt tên Nguyễn Công Đạt, tức Cửu Đạt. Hắn là một tên tay sai khét tiếng tàn bạo và trung thành với giặc Pháp, đã nhiều lần chỉ điểm để bọn Pháp bắt, bắn giết chiến sĩ và đồng bào yêu nước của ta. Hắn sợ Cách mạng trừng trị nên ăn ở hẳn trong đồn Thuận Lý.

Biết tin, ngày rằm tháng bảy (năm 1947), hắn sẽ mò về nhà cúng bái tổ tiên nên anh em chiến sĩ từ chiến khu về đã mật phục. Chủ trương của ta là bắt sống hắn. Nhưng khi chạm mặt thì hắn chống đối quyết liệt. Không thể kéo dài thời gian giằng co, Phạm Dụng Hanh đã nhanh chóng trừ khử hắn bằng mấy phát súng ngắn. Ngày hôm sau, bọn lính do tên quan tư Pháp chỉ huy, từ đồn Thuận Lý kéo về trả thù. Chúng đã đốt cháy 16 nhà dân, giết chết 36 người. Có người bị chúng moi ruột, có người bị ném vào lửa, có người bị chặt đầu...

Cuộc tàn sát thảm khốc ấy đã tạo nên một không khí tang tóc bao trùm khắp thôn xóm. Các chiến sĩ từ chiến khu Thuận Đức đã lần về, vào từng nhà dân, động viên an ủi và khích lệ mọi người, nhằm giữ vững phong trào Cách mạng. Ba ngày sau vụ thảm sát, các chiến sĩ Cách mạng đã hẹn về hội ý tại nhà ông Dân ở xóm Rú, Thuận Lý (tức tiểu khu 10, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới ngày nay). Nhưng nghe động, nên tất cả đã  rút ra, núp trong lùm cây ở Cồn Trại, cách đó hơn 500m. Do sơ hở của cơ sở, địch tìm được dấu vết và bí mật bao vây chỗ họ đang ẩn nấp.

Khi thấy tên lính Pháp chỉ súng lục vào mặt, ông Nguyễn Trọng Tể ngồi ngoài cùng, đã đạp hắn ngã nhào và cùng 2 chiến sĩ khác vùng chạy thoát khỏi vòng vây. Phạm Dụng Hanh ngồi trong nên chúng níu lại được và bắt sống anh. Anh đã chống cự quyết liệt, dùng dao găm đâm bị thương mấy tên lính Pháp. Từ  xa, ông Nguyễn Trọng Tể đã nghe giọng quát nạt của lũ giặc: “Chém đầu! Chém đầu!”.

Đêm hôm sau, ông và một số đồng đội lại lần về và thấy xác Phạm Dụng Hanh còn đó, nhưng không có đầu. Họ đã nhờ nhân dân giúp đỡ chôn cất anh.

Sau ngày hòa bình lập lại (năm 1954) ít lâu, đồng đội đã đưa hài cốt của Phạm Dụng Hanh về quy tập ở Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Hới, tại phường Hải Thành ngày nay. Bao nhiêu lần tôn tạo nghĩa trang, nhìn phần mộ của liệt sĩ Phạm Dụng Hanh, gia đình và đồng đội đều cộm lên một nỗi đau, vì hài cốt của anh vẫn thiếu xương đầu.

Sau bao năm gia đình liệt sĩ Phạm Dụng Hanh đi hỏi han, tìm kiếm nhưng vẫn không có kết quả. Người dân thị xã Quảng Bình chỉ biết rằng, sau khi giết Phạm Dụng Hanh, giặc đã đưa đầu của anh cắm cọc, bêu ở chợ Thuận Lý và đe dọa: Ai chôn đầu người Cộng sản này thì kẻ đó phải thí đầu.

Nhưng sau một đêm, cái đầu của người chiến sĩ Cộng sản ấy đã biến mất. Một người dân yêu nước nào đó đã bí mật chôn cất phần đầu của anh. Năm 1960, trong không khí ngày hội chăm sóc thương binh, liệt sĩ do Nhà nước phát động, xương đầu của liệt sĩ Phạm Dụng Hanh đã được một gia đình ở Lý Ninh (Thuận Lý xưa) bốc về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ của xã. Người khắc bia mộ chí đã tự thêm chữ Nguyễn vào, do vậy anh được mang danh “Liệt sĩ Nguyễn Hanh, quê xã Trường Sa”.

Rồi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ đã diễn ra trên mảnh đất Quảng Bình từ tháng 2/1965 trở đi. Nghĩa trang an táng liệt sĩ Nguyễn Hanh cũng bị đánh phá. Nhiều người chết, nhiều người đưa gia đình đi sơ tán. Chuyện xương đầu trong ngôi mộ liệt sĩ kia tưởng như không còn.

Vào dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1997, trong khi rà soát danh sách liệt sĩ ở các nghĩa trang thị xã, cán bộ Phòng Thương binh - Xã hội Đồng Hới lúc bấy giờ đã phát hiện ngôi mộ chưa tìm ra thân nhân. Đó là mộ của liệt sĩ “Nguyễn Hanh quê ở xã Trường Sa” ở phường Bắc Lý (Lý Ninh chia đôi: Nam Lý và Bắc Lý). Người ta đoán Nguyễn Hanh và Phạm Dụng Hanh là một, vì ở xã Trường Sa (Bảo Ninh ngày nay) không có ai là liệt sĩ mang tên Nguyễn Hanh cả."

Thế là, gia đình Phạm Dụng Hanh cùng UBND, Thị đội Đồng Hới tiến hành cất bốc ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Hanh. Phút mở nắp tiểu sành, mọi người nín thở, rồi òa khóc khi thấy trong tiểu chỉ có duy nhất xương đầu. Đó chính là xương đầu liệt sĩ Phạm Dụng Hanh.

Sau sự kiện này, các cơ quan chức năng của Đồng Hới đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Phạm Dụng Hanh. Và ngày 22/12/2000, sau 53 năm ngã xuống, liệt sĩ Phạm Dụng Hanh đã vinh dự nhận được danh hiệu này. Người dân Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình vô cùng tự hào vì bên cạnh 2 nữ Anh hùng là chị Nguyễn Thị Khíu và mẹ Nguyễn Thị Suốt được Nhà nước tuyên dương Anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, vùng quê gian lao và anh dũng này đã có thêm Phạm Dụng Hanh Anh hùng thời kỳ chống Pháp xâm lược

Hồ Ngọc Diệp
.
.