Tác quyền đối với tác phẩm văn học được in trong sách giáo khoa:

Đường dài lắm nỗi gian nan

Thứ Tư, 30/09/2015, 08:12
Nhiều nhà văn lạc quan cho rằng, số tiền tác quyền thu được từ sách giáo khoa là bao nhiêu không quan trọng bằng việc này sẽ tạo ra một nền nếp, thói quen văn minh và thể hiện sự tôn trọng đối với các tác giả trong việc sử dụng sản phẩm trí tuệ, sáng tạo ở Việt Nam - một việc xưa nay vẫn hay được làm... quấy quá.

Cuối tháng 8 vừa qua, thông tin NXB Giáo dục tiến hành chi trả tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm in hoặc được trích in trong sách giáo khoa các cấp thông qua Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đã khiến cho nhiều người mừng vui. Tổng số tiền tác quyền thu được từ NXB Giáo dục cho bộ sách giáo khoa in trong 12 năm (từ 2002 đến 2014) là gần 500 triệu đồng thực sự không phải là số tiền lớn, nhưng đó là một dấu mốc quan trọng trong việc chuyển đổi ý thức đối với việc thực thi quyền tác giả và Luật Sở hữu trí tuệ.

Nhiều nhà văn lạc quan cho rằng, số tiền tác quyền thu được từ sách giáo khoa là bao nhiêu không quan trọng bằng việc này sẽ tạo ra một nền nếp, thói quen văn minh và thể hiện sự tôn trọng đối với các tác giả trong việc sử dụng sản phẩm trí tuệ, sáng tạo ở Việt Nam - một việc xưa nay vẫn hay được làm... quấy quá.

Các nhà văn đều vui mừng khi nhận được tiền tác quyền từ NXB Giáo dục.

Theo tính toán của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, sách giáo khoa môn Tiếng Việt - Ngữ Văn từ lớp 1 đến lớp 12 đã sử dụng tác phẩm của trên 600 tác giả, trong đó có trên 100 tác giả đã hết thời hạn được bảo hộ quyền tác giả (đã mất trên 50 năm). Trong số đó, chỉ có 109 tác giả đã ủy quyền khai thác, quản lý và bảo vệ toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm cho trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam. Vì thế, Trung tâm chỉ thực hiện việc bảo "đòi" tác quyền cho 109 nhà văn trong danh sách này.

Như vậy là, sẽ có nhiều nhà văn có tác phẩm được sử dụng để xây dựng bộ sách giáo khoa sẽ vẫn chưa nhận được tiền tác quyền. Nếu muốn nhận được quyền lợi của mình, các tác giả sẽ phải đến liên hệ, làm thủ tục trực tiếp với XNB Giáo dục. Theo số liệu từ Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, đứng "đầu bảng" trong danh sách nhận được tiền tác quyền từ XNB Giáo dục lần này là cố nhà thơ Tố Hữu với 18 tác phẩm, trích đoạn được sử dụng có số tiền tác quyền là trên 26 triệu đồng.

Tiếp đến là nhà văn Tô Hoài với 17 tác phẩm, trích đoạn với số tiền tác quyền là trên 25 triệu đồng. Tiếp đến là một số tên tuổi như nhà thơ Trần Đăng Khoa (17 triệu đồng), Xuân Quỳnh (trên 10 triệu đồng), Lưu Quang Vũ (8 triệu đồng)... Có thể nói, đây là số tiền không lớn nhưng nó đã thể hiện phần nào sự biết ơn, tôn trọng và ghi nhận những sáng tạo của các nhà văn. Điều quan trọng hơn cả là việc làm này sẽ khiến thay đổi cách làm, nếp nghĩ của nhiều người ấy là: Cứ là sách giáo khoa là được "xài chùa" vì là nhà văn mà có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa là vinh dự cho tác giả lắm rồi!

NXB Giáo dục lâu nay vẫn được xem là một "ông lớn" trong lĩnh vực xuất bản không chỉ bởi đây là đơn vị được Nhà nước cho phép "độc quyền" trong lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa. Chính vì thế, trong khi nhiều NXB trong nước lao đao thì NXB vẫn "sống khỏe", bởi chỉ tính riêng lượng phát hành sách giáo khoa (chưa tính các loại sách tham khảo), con số sách được xuất bản hằng năm của NXB được công bố lên tới 9,5 triệu bản.

Thế nhưng, vì vốn danh nghĩa là xuất bản sách phục vụ công cuộc "trồng người" nên lâu nay, việc thực hiện trách nhiệm đối với quyền tác giả vẫn chưa được nghiêm túc, nếu không muốn nói là người ta cứ "lờ" đi. Xưa nay, người ta vẫn lý luận rằng, các tác phẩm văn học được lựa chọn để biên soạn sách giáo khoa chủ yếu là những tác phẩm đã được xuất bản và các tác giả đã được trả nhuận bút cho lần xuất bản ấy rồi, được đưa vào sách giáo khoa cho thế hệ con cháu học thì... tốt quá! Thực tế, đã nhiều năm nay, NXB Giáo dục đã thực hiện việc bán sách cho học sinh, vì thế việc thực hiện chi trả tiền tác quyền đáng ra là việc làm đương nhiên nhưng đã bị "lảng tránh", bị "lờ" đi.

Theo đại diện Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, vấn đề bản quyền sách giáo khoa đã được những người tiền nhiệm của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đề cập đến nhiều lần, song chưa có được một lộ trình và hành động cụ thể để tác động, làm thay đổi nhãn quan, hành động của những người có trách nhiệm của NXB Giáo dục về vấn đề này. Từ cuối năm 2014 đến đầu 2015, đã có 4 buổi gặp mặt, đối chất giữa đại diện Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam và NXB Giáo dục, có buổi họp kéo dài từ 14h chiều đến tận 21h tối mà vẫn không tìm được tiếng nói chung.

Đến tháng 4/2015, Ban Giám đốc trung tâm đã quyết định nhờ luật sư tư vấn để khởi kiện NXB Giáo dục lên Tòa Dân sự TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và đơn đã được gửi đi. Đến lúc này, NXB Giáo dục mới bày tỏ sự hợp tác, hai bên đã ngồi lại với nhau để cân đối, tính toán và đi đến thống nhất cho ra đời một "Biên bản đối soát" được dùng làm căn cứ pháp lý để tính toán tiền tác quyền cho các tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam có tác phẩm được in trong sách giáo khoa  từ nay về sau.

Theo ghi nhận của phóng viên, các nhà văn, nhà thơ có uy tín trong giới cầm bút như Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa... đều cho rằng, đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng đối với công cuộc thực thi việc bảo vệ bản quyền của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam. Các nhà văn đều  bày tỏ hi vọng, việc này sẽ tạo ra nền nếp, có trước có sau trong việc thực thi bản quyền ở các NXB và các đối tác có sử dụng sản phẩm trí tuệ của các tác giả.

Nhà thơ Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam:

"Đó là những tín hiệu đáng mừng"

"Từ khi thành lập đến nay đã trên 10 năm, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và việc thực thi bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản cho tác giả gặp không ít trở ngại. Thành công của việc khai thác được bản quyền cho các tác giả có tác phẩm được in hoặc trích in là một tín hiệu vô cùng đáng mừng và cũng là nguồn động viên, khích lệ đối với chúng tôi và trung tâm trong việc tiếp tục thực hiện chức trách của mình.

Tôi hi vọng, việc làm này sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra một nền nếp, một thói quen văn minh: các NXB, các đơn vị in ấn khi sử dụng tác phẩm của các nhà văn là phải xin phép và thực hiện việc trả tiền bản quyền. Bởi vì hiện nay, việc liên hệ với các tác giả sáng tác văn học nghệ thuật để thực hiện trách nhiệm này không còn khó khăn như xưa. Ở các lĩnh vực đều có các trung tâm đại diện cho các cá nhân đã ủy quyền là một điều kiện thuận lợi để các NXB, các đơn vị in ấn, làm sách thực hiện trách nhiệm của mình khi sử dụng sản phẩm trí tuệ của người khác.

Sắp tới, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện việc thương thảo bản quyền đối với kênh VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam - đơn vị sử dụng khá nhiều tác phẩm của các nhà văn nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quyền tác giả,

Hiện nay, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đã có 1.100 tác giả ủy quyền cho trung tâm được khai thác, bảo hộ bản quyền, trong đó có trên 600 tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và khoảng trên 400 tác giả không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sau thành công trong việc khai thác được tiền tác quyền từ NXB Giáo dục, đã có khoảng 50 nhà văn - tác giả đã tìm đến Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam để xin được ký "Hợp đồng ủy quyền khai thác và bảo vệ quyền tác giả". Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã thực hiện việc phát triển thêm gần 100 hội viên đăng ký ủy quyền. Bên cạnh việc bảo vệ khai thác quyền tác giả cho các tác giả đã đăng ký ủy quyền, giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam có ký một văn bản về việc hai bên hỗ trợ nhau trong việc khai thác bản quyền từ các đối tác.

Theo đó, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam có thể thực hiện việc "đòi hộ" tác quyền đối với những tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và ngược lại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có thể tiến hành việc "đòi hộ" Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam trong phạm vi có thể hoặc trong những tình huống liên quan. Vì thế mới có việc hai cố nhà thơ nổi tiếng bậc nhất là Xuân Diệu và Huy Cận tuy người thừa kế hợp pháp của họ không ký hợp đồng ủy quyền với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam nhưng lại có hợp đồng ủy quyền với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì thân nhân vẫn nhận được tiền tác quyền ở lần khai thác bản quyền tại NXB Giáo dục của chúng tôi. Có điều, chúng tôi sẽ gửi lại cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và thân nhân các gia đình có thể nhận ở đó theo đúng như cam kết".

Hà Anh
.
.