Đốt tiền...

Thứ Sáu, 18/09/2015, 08:05
Tôi sống gần một gia đình, ngày tuần Rằm, mồng một, hay những ngày lễ tết họ mua và đốt rất nhiều đồ vàng mã. Không chỉ đốt ở nhà, bà vợ khi đi lễ lạt ở chùa, đền, miếu phủ cũng luôn tâm niệm là phải đốt thật nhiều đồ vàng mã "dâng" lên... các Ngài mới mong cầu được, ước thấy!

Ngày nay, đồ vàng mã phục vụ cho cõi âm được người ta thiết kế giống như các loại tài sản, đồ dùng sinh hoạt của người còn sống vậy. Chính vì lẽ đó mà có món đồ mã giá lên tới cả tiền triệu, như nhà lầu, ôtô, xe máy, máy bay... Vì đốt nhiều đồ vàng mã như vậy, nên số tiền đầu tư cho việc này của gia đình ấy khá lớn. Có lần tôi hỏi thử bà vợ nhà hàng xóm trung bình một năm chi dùng hết khoảng bao nhiêu tiền cho việc cúng lễ đồ mã(?!).

Bà ta cười, nhẩm tính hồi lâu, bảo: "Mỗi tháng nhà cô đốt 2 lần là ngày Rằm và mùng Một, với mỗi lần khoảng 200 ngàn đồng thôi. Các dịp giỗ chạp cho ông bà tiên tổ, hay ngày trọng đại khác như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, Rằm Trung thu, Tết Nguyên đán... thì mỗi dịp phải là tiền triệu. Nhưng thôi, nhẩm tính làm gì cho mệt xác, mình chi dùng mua dâng cúng và đốt cho các vị thần linh, cho tiên tổ thì lo gì thiệt".

Nghe bà ta kể mà tôi hơi... giật mình, bởi như vậy thì mỗi năm nhà bà ta phải chi tới cả vài chục triệu đồng tiền thật cho việc mua đồ mã rồi mang đốt đi. Chẳng hiểu, các vị thần linh, những người thân thuộc dưới cõi âm kia có "nhận" được hay không, nhưng trước tiên là tốn kém, phí phạm, thậm chí là ô nhiễm môi trường vì tro hóa vàng!

Một gia đình đã là vậy, thử hỏi hàng ngàn, hàng vạn gia đình trên cả nước đều giữ thói quen tín ngưỡng một cách thái quá, đầy hủ tục như vậy thì số tiền phí phạm dành vào việc... đốt đồ mã sẽ là cực lớn. Thực tế, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và chùa đền mà còn lan sang các cơ quan công quyền, trở thành một nghi thức không thể thiếu của các công ty xây dựng cầu đường và các công trình thủy điện, trong các buổi lễ động thổ, khởi công các công trình do nhà nước giao phó.

Theo một con số thống kê cho biết khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã tiêu thụ mấy trăm tỉ đồng/năm cho việc đốt vàng mã... Thậm chí, ở các nước thuộc châu Âu, Mỹ..., nơi có đông người Việt cư ngụ, không có con số thống kê nhưng rất nhiều siêu thị Việt Nam và Trung Hoa đều bày bán vàng mã, chứng tỏ có một nhu cầu tiêu thụ khá lớn loại hàng hóa đặc biệt này.

Theo thông tin chúng tôi được biết thì tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trước đây, và đã du nhập và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt tâm linh ở nước ta từ lâu. Vẫn biết rằng việc thờ cúng tiên tổ, thần linh là một phong tục truyền thống thể hiện sự tự do tín ngưỡng, thế nhưng đâu nhất thiết khi dâng cúng cứ phải mua nhiều đồ vàng mã để đốt, bởi nó không chỉ gây hao hụt, tốn kém về tiền bạc vật chất cho chính người còn sống, cho xã hội, mà nó còn làm ô nhiễm môi trường sống của chúng ta...

Nguyễn Thị Hải
.
.