Để không còn hiện tượng "văn hóa" chép lại

Thứ Tư, 01/07/2015, 08:00
Gần đây trên diễn đàn Quốc hội cũng như trên phương tiện truyền thông thường đề cập đến hiện tượng sao chép lại. Đó là những văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện pháp luật. Cấp trên hướng dẫn ra sao thì cấp dưới sao chép lại nội dung hướng dẫn như thế. Nhất là ở cấp huyện. Từ đó nhiều ý kiến đặt ra là liệu nên hay không nên để cấp huyện được quyền ra văn bản hướng dẫn pháp luật. Việc đó Quốc hội mới là người có thẩm quyền quyết định. 

Ở đây xin được bàn về một khía cạnh khác. Thực ra cái "văn hóa" chép lại ở ta đã có từ nhiều năm nay. Không chỉ là văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Nó là căn bệnh ăn sẵn, ỷ lại, lười suy nghĩ nhưng nhiều nơi được coi là tiện lợi nhất, nhanh nhất mà ít người  thấy nó đem lại hiệu quả thấp, mang nặng tính hình thức đối phó. Đó là điều cần phê phán. Có tình trạng trên là từ hai phía: phía cấp trên ra nhiều văn bản yêu cầu hướng dẫn quá. Xứ ta được xếp vào loại bệnh giấy tờ đang ở mức trầm kha.

Hướng dẫn chồng lên hướng dẫn, làm cho cấp dưới xoay như chong chóng. Phía cấp dưới (nhất là cấp huyện) thì nhân lực, trình độ có hạn, điều kiện mọi mặt còn thiếu, không thể đáp ứng được. Cho nên nếu cứ trách nhiều về cấp huyện quả thật cũng tội, nhiều khi "lực bất tòng tâm". Làm sao khắc phục được bệnh giấy tờ từ trên xuống để cấp dưới có điều kiện thời gian nghiên cứu hướng dẫn thì sẽ góp phần quan trọng làm giảm tình trạng sao chép lại và để cho cấp dưới hoàn thành tốt việc ra những văn bản hướng dẫn có chất lượng.

Hiện tượng chép lại cũng diễn ra ở các lĩnh vực khác, không chỉ ở cấp huyện mà còn ở các tỉnh, thành phố và các ngành, nhất là trong các báo cáo kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các nghị quyết của Đảng, trong các phát biểu. Đọc báo, xem truyền hình… thấy nhiều nơi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết ở các địa phương, các ngành nhiều chỗ lấy nguyên xi văn bản của cấp trên.  Nếu như từ những đánh giá chung ấy các nơi cụ thể hóa sát với tình hình của mình chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn.

Một hiện tượng sao chép lại các văn bản dưới hình thức khác cũng thường thấy là xào xáo lại. Hiện tượng này cũng xảy ra ở không ít nơi, vì thế mà đã có thơ dân gian truyền miệng rằng:  ''Văn bản trên đã ban hành/ Xáo đi xào lại là thành của ta/ Cũng như lời hát bài ca/ Hát đi hát lại thế mà vẫn hay''. Cái kiểu chép lại này là sắp xếp các phần, các đoạn theo ý của mình. Nhưng đọc kĩ vẫn phát hiện ra cái sự sao chép lại trong đó.

Mỗi văn bản ở mỗi cấp độ đều có ý nghĩa quan trọng của nó. Càng đi xuống cấp dưới thì ý nghĩa thực tiễn lại cần thiết hơn, vì nó liên quan đến những vấn đề cụ thể. Vì vậy ra được một văn bản hướng dẫn là điều rất khó. Cho nên phải khắc phục cho được tình trạng sao chép lại. Mà trước tiên là ý thức trách nhiệm của người được giao. Phải tham mưu giúp lãnh đạo trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng nội dung văn bản hướng dẫn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đi ngay được vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu của trên và góp phần tạo ra hiệu quả đáp ứng sự mong đợi của nhân dân. 

Phạm Văn Thạch
.
.