Đầu xuân, về ru đồng đội

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:00
Mỗi năm, sau Tết Nguyên đán, các liền anh, liền chị trong Hội đồng hương Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình lại áo the, khăn đóng, áo tứ thân, khăn mỏ quạ về thăm Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM (phường Long Bình, quận 9). Trong khói hương hư ảo, họ quây quần bên nhau để cùng cất lên làn quan họ quen thuộc, như lời ru quê hương yên ủi hương hồn các anh trong lòng đất mẹ. 

Với NSƯT Quý Thăng, Chủ nhiệm CLB quan họ Mười Nhớ, ông coi mình là đồng đội của những người lính nằm xuống nơi đây. Là một "anh Hai quan họ" nổi tiếng của xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nhưng nói về mình, ông vẫn tự hào là một người lính.

Tham gia Đoàn ca múa kịch Hà Bắc năm 1968, chàng thanh niên Quý Thăng lúc ấy vô cùng vinh dự và tự hào khi đem lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội ở các trận địa. Đêm đêm, những bài ca cách mạng, điệu "Gọi đò", "Qua cầu gió bay"… lại ngân lên làm vững lòng người ra trận. Không rạp, không sân khấu, chỉ bãi đất trống, các văn công đem hết tinh hoa của mình dâng lời ca đến các anh. Và đương nhiên, làn điệu quan họ bên dòng sông Cầu không thể thiếu với người văn công xứ Kinh Bắc. Lắm khi làn điệu chưa dứt, đã thấy đôi mắt người ra trận lóng lánh nước, thương cho quê hương, xứ sở mà ra đi.

NSƯT Quý Thăng và các nghệ sĩ quan họ biểu diễn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM.

Hôm nay, bên những nấm mồ tỏa ngát hương trầm, hương hoa, lời văn tế của ông nghẹn ngào: "Hỡi vong linh các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng xả thân vì Tổ quốc.

Cho hôm nay mọi miền đất nước no ấm, yên vui, hạnh phúc muôn nhà.
Mùa xuân đang về muôn nơi. 
Theo Đảng gọi ngày thêm tươi sáng.
Trên thành phố Bác Hồ yêu kính
Đồng hương ta đoàn kết một lòng
Cùng góp sức dựng xây thành phố giàu đẹp, văn minh
Vẫn nhớ ơn người dũng liệt hi sinh.
Trước tượng đài liệt sĩ anh linh
Xin chứng giám lòng biết ơn vô hạn
Tấm lòng thành mãi mãi nhớ ơn…".

Bài văn tế vừa dứt, một phút mặc niệm thiêng liêng rồi lần lượt, các nghệ sĩ trang trọng bước ra, ngân nga làn điệu mượt mà, chẳng cần tiếng nhạc, tiếng sáo: "Ăn một miếng trầu, cầm lấy. Ăn một miếng trầu, không ăn cầm lấy, không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng… Trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta".

Dứt bài  "Mời trầu", bài "Người ơi người ở đừng về",  "Mười nhớ",  "Còn duyên"… lại ngân lên. Buổi hát kéo dài suốt buổi sáng. Nằm nơi đây, không ít liệt sĩ là người con của đất Kinh Bắc. Họ nằm lại khi tuổi vừa chớm mười tám, đôi mươi. Dập dìu làn quan họ, ai nấy đều rưng rưng, tại hương nhang cay xé mắt hay vì một điều gì khác?

Hát quan họ tại nghĩa trang là hoạt động ý nghĩa do nghệ sĩ Quý Thăng khởi xướng năm 1998. Ông cho biết: "Trở về từ chiến trường, đem làn quan họ vào Nam lập nghiệp, mỗi lần viếng mộ các anh hùng liệt sĩ vào dịp đầu xuân, tôi lại nhớ da diết thời bom đạn ác liệt. Ngày đó, tôi đem lời ca tiếng hát của mình để động viên tinh thần cho đồng đội trước giờ ra trận, đánh thắng kẻ thù. Trên sân khấu tôi hát như rút ruột rút gan và cảm động thay khi những người lính chỉ trong giây phút nữa phải đối mặt với cuộc chiến ác liệt vẫn say sưa trong làn điệu quan họ quê mình.

Tôi may mắn trở về quê nhà, không thương tật nhưng bao đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Là người con xứ Kinh Bắc, nhiều năm hát quan họ cho mọi người, nhưng những gương mặt đồng đội của đêm văn nghệ năm xưa là hình ảnh tôi không bao giờ quên. Chợt nghĩ, tại sao mình không hát cho các anh, như một lời tri ân của người còn sống, như một lời tâm tình của người đồng đội cho các anh ấm lòng?". Nhưng trăn trở đó vẫn chỉ là trăn trở.

Năm 1984, nghệ sĩ Quý Thăng chuyển vào TP HCM và học ngành Thanh nhạc dân tộc tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam và Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Sân khấu điện ảnh thành phố HCM). Nghệ sĩ Quý Thăng được coi là người mở đường, truyền bá quan họ Bắc Ninh trên đất phương Nam khi thành lập CLB quan họ Mười Nhớ và Công ty Văn hóa Nghệ thuật Kinh Bắc. Kể từ đây, ông bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, sáng tác, dạy và hát quan họ phục vụ nhân dân, lực lượng vũ trang, bè bạn quốc tế. Đồng thời, Công ty còn mở lớp truyền dạy quan họ miễn phí cho những ai say mê…

Chính những hoạt động sôi nổi này đã trở thành cơ duyên cho nghệ sĩ Quý Thăng gặp người lính đằng đẵng mấy năm trời cố công tìm ông giữa phương Nam đô hội. Hình ảnh anh văn công Kinh Bắc, mượt mà với "vang, rền, nền, nảy" của năm tháng ác liệt bom Mỹ năm nào in đậm vào lòng người lính ra trận. Những lần bị thương, run rẩy với cơn sốt rét rừng, anh lính lại nghe câu "Mười nhớ" của người văn công vẳng trong tâm trí.

Thân xác bỗng dưng dịu lại, cơn đau qua dần. Chính câu quan họ làm hành trang trong suốt cuộc chiến đã khắc trong tim người lính lời thề, rằng nếu hòa bình trở về, bằng mọi giá ông phải tìm lại được người văn công nọ. Ngày hạnh ngộ, nước mắt đong đầy. Người mừng rỡ, kẻ ngạc nhiên, xúc động. Cũng từ gợi ý của người cựu binh mà nghệ sĩ Quý Thăng quyết định thực hiện trăn trở ngày nào với người nằm xuống.

Lúc đầu chỉ có nghệ sĩ Quý Thăng và những người trong Hội đồng hương Bắc Ninh tổ chức vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 và  đầu xuân (sau Tết Nguyên đán).  Sau này, nhận thấy hoạt động ý nghĩa, giàu tính nhân văn, Hội đồng hương Bắc Giang, Thái Bình cùng tham gia và quyết định tổ chức như một hoạt động thường niên do nghệ sĩ Quý Thăng phụ trách. Điều đáng mừng nhất chính là những nghệ sĩ trẻ tham gia hoạt động này càng nhiều, coi đó như hoạt động về nguồn thiết thực, đầy ý nghĩa dịp đầu năm.

Nguyễn Trang
.
.