Đọc "Con hoang", tiểu thuyết của Lê Hồng Nguyên, Nxb Hội Nhà văn, 2015.

Ám ảnh phận người trong vũ điệu thời gian

Thứ Hai, 02/11/2015, 08:02
"Con hoang" là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Lê Hồng Nguyên. Rồi nhà văn sẽ còn viết tiếp nhiều cuốn tiểu thuyết khác nữa, nhưng đứa con tinh thần này dường như làm chính tác giả, tới thời điểm hiện nay, bằng lòng nhất. Với tư cách một độc giả, tôi cũng có linh cảm như vậy.

Tôi chợt nhớ tới câu tục ngữ "Canh tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn" khi đọc "Con hoang", nên thích câu chuyện được kể lại từ nhân vật người kể chuyện tự xưng: "Tôi là một đứa con hoang". Câu văn mở đầu chỉ có sáu chữ, ngắn gọn, hàm súc lòng tự tin vào nhân phẩm ở đời khi kể lại đường hoàng dưới thanh thiên bạch nhật cho nhiều người khác nghe câu chuyện của gia đình mình. Có gì đáng hổ thẹn nếu là con hoang thì cũng là một con người được sinh thành bởi một người đàn ông và một người đàn bà. Không ai chọn được bố mẹ và nơi mình sinh ra. Đó là sự sắp đặt của số phận. Đó là kiếp người trong một vũ điệu thời gian có vẻ bình thường (về vật lý) nhưng đầy những bất thường (về tâm lí): "Cuộc đời xô đẩy mẹ tôi bằng một buổi chiều như mọi buổi chiều bình thường trên thế gian này". Đã có lúc tưởng chừng như: "Thời gian đã rêu phong chuyện cũ", nhưng trái lại nó càng khắc sâu, ám ảnh tâm thế con người từng can dự vào biết bao sự kiện nhiều phần đắng cay hơn ngọt ngào.

Ấn tượng đầu tiên khi đọc "Con hoang" chính là những kiếp người bị giăng mắc trong những định kiến truyền đời đầy những phi lí, bất công, tàn nhẫn. Mẹ con chị Thắm, hai trong bốn nhân vật chính của tiểu thuyết, đã phải gồng mình lên sống, đã cố vượt lên thoát cái lưới khổng lồ vô hình và tàn nhẫn là định kiến, trong rất nhiều trường hợp là một thế lực độc ác. Định kiến vô lí và lạc hậu đến mù quáng, tàn độc không chỉ làm một đứa con bị gọi là "con hoang" đau khổ, mà nỗi đau khổ đó còn leo ngược lên đến đời mẹ, đời bà ngoại (và có lẽ còn đến cả đời cụ kỵ!?).

Bìa tiểu thuyết "Con Hoang" của nhà văn Lê Hồng Nguyên.

Một xã hội nhân văn là một xã hội khai phóng, triệt tiêu định kiến, giải phóng năng lượng của từng cá nhân. Đọc "Con hoang", thêm một ấn tượng về cái lẽ đời "tâm" và "thân" ít khi giữ được sự hài hòa. Thậm chí chúng hay đối chọi nhau quyết liệt ở mỗi thân phận. Nhân vật chị Thắm (mẹ của nhân vật xưng Tôi, tên Hoàng, người kể chuyện) luôn bị giằng xé giữa "tâm" và "thân". Thân thì bị Mã (Chủ tịch xã) chiếm đoạt, thoạt đầu là cưỡng bức, nhưng về cuối thì ít nhiều chấp nhận, thậm chí có khi bằng lòng. Nhưng "tâm" thì đeo đẳng với người đàn ông hàng xóm hơn mình vài tuổi, tên Hạnh. Mỗi lần bị Mã dụ dỗ, "thân" bị cưỡng đoạt thì trong "tâm" lại vang lên lời kêu cứu: "Hạnh ơi cứu em!". Và trong con mắt của đứa con trai thì: "Cả cuộc đời mẹ tôi yêu Hạnh".

Chẳng riêng gì Thắm mà cả mẹ Thắm, quá nửa đời người cũng khổ vì hai chữ "thân" và "tâm" không khi nào chịu hòa hợp. Bà là vợ hai, "tâm" thì yêu và tôn thờ chồng nhưng "thân" thì trơ trọi, trống vắng, khát khao bản năng để cuối cùng bĩ cực mà trao thân cho thằng ở là Mã. Chính nhân vật này đã gây ấn tượng về cái ác đầy tính bản năng, hoang dã, có sức hủy hoại đạo đức cổ truyền. Mã là sản phẩm của một "thời xa vắng" - xã hội bị o bế, tăm tối, lạc hậu, đã khi vô tình, khi cố ý tước đoạt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của những con người tốt đẹp như Thắm.

Một kết cục buồn không tránh khỏi khiến người đọc thương cảm Hạnh, thoát ra khỏi chiến tranh nhưng tàn phế về tinh thần. Anh đã chết vì di hại của chiến tranh. Mã rồi cũng chết vì tuổi già và bệnh tật theo quy luật "sinh lão bệnh tử". Cái chết của nhân vật này vớt vát lại những gì không thiện cảm trước đó bởi hành xử bất nhẫn của anh ta với đồng loại. Nhưng cũng cần thể tất vì anh ta đã mất tất cả để chỉ nhằm theo đuổi Thắm. Kể cả Mã, kể cả Thắm, kể cả Hạnh và cả Tôi (con trai mẹ Thắm, người xưng Tôi kể chuyện), tất cả đều là nạn nhân của đói nghèo, lạc hậu, giặc giã, chiến tranh và thiên tai và những định kiến đã ăn vào thâm căn cố đế trong nếp sống, cách suy nghĩ, hành xử bao đời nay ở những vùng quê nghèo. Đọc "Con hoang", tôi chợt ngẫm đến câu nói của một triết gia, đại ý, con người là một cây sậy (yếu đuối biết bao) biết suy nghĩ (kiêu hãnh biết bao)!

Thường khi đọc tiểu thuyết, số đông độc giả thường chú tâm đến "chuyện" (cũng không có gì không đúng nếu tiểu thuyết có một cốt truyện hấp dẫn), mà thường ít chú ý đến các yếu tố nghệ thuật khác của tác phẩm. Tôi nghiêng về phe quan tâm đến cùng lúc nhiều phương diện nghệ thuật tiểu thuyết. Vì thế trước hết thấy thoải mái khi cầm đọc một cuốn tiểu thuyết chỉ có 202 trang. Đây đích thực là một cuốn tiểu thuyết ngắn, nó không "ngoạm" mất nhiều thời gian quý báu của chúng ta trong cái thời mọi thứ đều "phi mã". Tiểu thuyết ngắn thường dồn nén dung lượng, giản lược cốt truyện và nhân vật và có một kết cấu theo lối khái quát hóa nghệ thuật theo chiều sâu (tính đến hiệu quả là chính).

Đọc kĩ sẽ thấy chủ đề tiểu thuyết thì mở bung ra nhưng kết cấu thì lại, theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Minh Châu, như nghệ thuật làm pháo - dồn nén tối đa để có sức nổ lớn nhất. Tiểu thuyết được phân ra thành 30 khúc, theo tôi, liên hoàn với nhau bằng một cái cấu tứ: đời người trong những cuộc bể dâu, "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Viết tiểu thuyết, quan trọng nhất là phải tạo được không khí của câu chuyện được kể. Đọc "Con hoang" của Lê Hồng Nguyên, tôi thấy "đặc sệt" cái không khí làng quê Việt Nam trong một bối cảnh lịch sử hơn hai mươi năm (từ sau hòa bình 1954, qua cải cách ruộng đất, bước vào chiến tranh chống Mỹ, đến thời hậu chiến). Một cái làng quê điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có đặc sản nhãn, có xôi ruộng mật, có phù sa bãi bồi, ruộng đồng tươi tốt. Giữa một tự nhiên phì nhiêu ấy hà cớ gì con người lại cùng quẫn và khốn khổ? Hay là vì con người tự đày ải nhau? Đọc tiểu thuyết của Lê Hồng Nguyên thấy rõ ngay rằng, ẩn chứa đằng sau câu chữ là sự thổn thức và đôi khi cả nước mắt của nhà văn về kiếp người. Nhưng sao câu chuyện được kể lại gay cấn, khốc liệt, tàn nhẫn đến như thế. Nhân vật nào cũng bị tác giả đẩy tới "con đường cùng". Để làm gì? Để dồn họ vào chân tường và để họ phải phát lộ tính cách. Nhưng dường như càng giẫy dụa, họ càng bị siết chặt lại bởi một sợi dây vô hình của cái phi lí.

Tôi thấy Lê Hồng Nguyên là nhà văn có ý thức chăm chút phần "văn" khi viết tiểu thuyết. Câu chuyện được kể có cốt, có hồn, có găm được vào trí nhớ độc giả nhiều hay ít, một phần còn nhờ vào văn phong. Văn Lê Hồng Nguyên đắm đuối (chị hay ướm mình vào các nhân vật nữ mà kể), đã đành, còn là lối văn có tốc độ. Câu văn ngắn, nhịp văn khẩn trương, kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa kể và tả, nên đã tạo được cái gọi là "nhịp điệu" (rythme) của văn xuôi. Tôi rất thích lối viết những câu văn ngắn, nhiều ấn tượng của Lê Hồng Nguyên, kiểu như: "Bác Hai phần phật chạy về phía cháu gái, tới nhà, ông sầm sập đập cửa". Đó là lối chạy nhanh như thể đua với gió của một người đàn ông có tuổi khi muốn cháu mình tránh xa những sự nhơ nhuốc xấu xa mà con trẻ không nên chứng kiến. Một câu khác: "Mẹ chạy soàn soạt quạt vào lá ngô". Đó là lối tháo chạy của Thắm, một cô gái mới lớn, băng mình qua bãi ngô để tránh một cuộc truy đuổi của một "con thú" là Mã, kẻ sau này gắn bó suốt đời với cô.

Khép lại 202 trang sách vui buồn cùng với các nhân vật, sẽ vương vấn lại trong ta cảm giác vừa khép lại một bài ca buồn, nỗi đau xé lòng, tiếng than da diết của người phụ nữ sau lũy tre làng với ham ước được sống, nhu cầu được yêu thương, quyền bình đẳng với chính mình. Mỗi số phận trong cuốn tiểu thuyết là sự giày vò với những khát vọng ấy, là ham muốn giải tỏa bản năng của mình đang bị chôn kín, bị đày ải trong bức tường vô hình mà đáng sợ của cái gọi là định kiến, là dư luận xã hội. Văn chương Lê Hồng Nguyên đẹp, buồn, nhưng chứa chan nỗi yêu thương da diết của một ngòi bút nữ. Thiên nhiên trong tiểu thuyết của chị cũng rất đẹp, sống động, và chắc chắn phải khởi thủy từ một tâm hồn lãng mạn tha thiết với cuộc đời chị mới có thể dành cho thiên nhiên những áng văn mềm mại và có sức gợi cảm như vậy. 

Tiểu thuyết của Lê Hồng nguyên không phải không có những khiếm khuyết thường tình. Để kể một câu chuyện cho thật liền mạch cần phải giữ cho bền chặt cái đường dây được gọi là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt các chương/ khúc. Đã có những "vết nứt" nhỏ nhưng nhìn kĩ sẽ thấy: chẳng hạn khúc 14, tác giả không "kể" tiếp mà "luận" về sự kiện (cái chết của ông Hiểu, bố Hạnh). Xét trong tổng thể, khúc này là không cần thiết hiện diện. Là một ngòi bút nữ duy tình nên độc giả nhận thấy trên từng trang viết cái say mê, đắm đuối và cả thống thiết nữa trên từng con chữ, nhưng giá như có lúc nào đó tỉnh táo hơn, sẽ thấy sự "bài binh bố trận" của mình là thiếu logic (chẳng hạn việc Mã giấu nhẹm những bức thư của Hạnh gửi cho Thắm, coi đó là cách thức bao vây, chiếm đoạt người phụ nữ mình say mê). Trong ba nhân vật Hạnh - Thắm - Mã, theo tôi, cần thiết để cho một người "sống mà nhớ lấy". Không nên để cả ba đều chết như phần kết đã thấy trong tiểu thuyết.

Hà Nội, tháng Mười năm 2015.

Bùi Việt Thắng
.
.