Xô lệch và khoảng cách

Thứ Sáu, 20/05/2011, 08:30
Nhân đọc "Thế giới xô lệch" - tiểu thuyết của Bích Ngân, NXB Hội Nhà văn, 2010.

"Thế giới xô lệch" là một cuốn sách "dễ đọc" - không hàm ý "dễ dãi" - hiểu theo nghĩa có thể tiếp cận được với những độc giả khác nhau, đặc biệt nhờ việc nó có "chuyện". Dẫu đã đọc nhiều loại truyện khác nhau nhưng tôi vẫn coi việc một cuốn sách hay không có nghĩa là nó phải viết theo kiểu "Mới Mới" hay "Hậu - Hậu Hiện đại" (?), hoặc chí ít, nó có cốt truyện hay không, có khiến người ta kêu "ngạc nhiên chưa!" hay không.

Nét độc đáo của "Thế giới xô lệch" là câu chuyện được kể từ điểm nhìn hạn hẹp của một người kể chuyện mà phần xác bị dư chấn của chiến tranh phạt ngang một cách tàn nhẫn, vì thế mà phần hồn - tưởng như nguyên vẹn - đã không tránh khỏi bị tan nát. Nhân vật xưng Tôi (được mọi người trong nhà gọi là Út) vừa bị gắn chặt vào cái giường vừa có một khoảng cách khi nhìn ra thế giới bao quanh mà ngay cả những người gần gụi ruột rà nhất của anh cũng không thể có được. Và điều lạ lùng, là từ điểm nhìn hạn hẹp nhưng dị biệt ấy, thế giới lại được mở ra, với những chiều kích thời gian - không gian của biến cố, của lịch sử. Chiến tranh không chỉ đi qua đời Út, mà còn cứ ở lại đó, trong anh, hiểu theo cả nghĩa đen. Rồi những đứt gãy, xô lệch của thực tế hậu chiến, với lối sống "hai mặt" vẫn ập vào khuôn giường hẹp, qua khe rèm cửa, hoặc theo cái cách mà mỗi người xô cửa bước vào - cánh cửa của ngôi nhà đặc biệt thường cài then ở ngoài, khi Út chỉ còn một mình trên giường. Một thanh niên cường tráng, đã từng cao khoảng trên mét bảy (!) có thể làm gì để đón lấy cuộc sống: chia sẻ, bức xúc, thậm chí cả nghe lén và nhìn trộm nữa?

Có điều, những cái đó cũng đang là vấn đề bức xúc của mọi người hiện nay. Dẫu giờ đây, độc giả đã hiểu rằng văn chương không chỉ là "tấm gương phản ánh cuộc sống", nhưng tôi vẫn cứ luôn đối chiếu cuộc sống với sách vở! Cái mà Bích Ngân gọi là "xô lệch", tôi cũng từng suy ngẫm về nó qua dạng hồi ức - tản văn, và gọi nó là "khoảng cách". Với những bộ mặt biến thái khác nhau, xô lệch và khoảng cách đang hiện hữu trong mỗi gia đình Việt. Đã có những lý giải xã hội học: đặc biệt từ sau 1975, Việt Nam đang trải qua một tốc độ thay đổi quá nhanh gây sốc - và hậu quả của nó là ít nhất, khoảng cách giữa các thế hệ đã bị đẩy tới chỗ ngăn cách, nếu không phải là đứt gãy.

Thế mà với tất cả những dramaticules của nó (để dùng một từ mới, sáng tạo bởi Samuel Beckett - có thể tạm dịch là "bi kịch vặt vãnh"), tôi vẫn thấy lan tỏa một ánh sáng ấm áp từ ngôi nhà của Út, từ tâm hồn của Út. Cái gia đình thật lạ: Một ông bố đột ngột trở về, người bố ấy lại rước về cho cả nhà một ông nội đã qua thời đi hoang, những người em chỉ chung nửa dòng máu, rồi một "bà nội" ân nghĩa còn nặng hơn cả núi Thái Sơn! Không phải ngẫu nhiên mà những người trong ngôi nhà ấy, ở những phút giây tồi tệ nhất cũng vẫn là nhân vật của bi kịch - vốn có đặc trưng là những dằng xé nội tâm vượt ra khỏi kích thước của đời thường. Bi kịch có khi chỉ đến từ một cơn ho của ông từ đĩa khoai luộc, khi Út nhớ lại bàn tay ông nội… "Tay ông chỉ vào đĩa khoai luộc mà ông cẩn thận bọc vào trong một lớp ni-lông để giữ nóng" dành cho đứa cháu nhỏ. Thế mà: "Không chịu nổi cơn ho và cũng không chịu được sợi dây huyết nhục (…) trước đôi mắt rụt rè yêu thương của ông, tôi quăng mạnh củ khoai ra khỏi cửa như vứt đi thứ rác rưởi bốc mùi".

Dẫu Bích Ngân hóa thân vào một chàng trai trẻ, nhưng những chi tiết trong câu chuyện làm tôi hình dung ra người thực sự đã tạo ra Út. Chi tiết ở truyện như những hoa văn, gợi lên bàn tay người đàn bà thêu thùa. Trong "Thế giới xô lệch" một bàn tay, một ngón chân cũng trở thành một tín hiệu mở đầu cho tình yêu, hạnh phúc hoặc cho sự day dứt, ám ảnh. Ngón chân Giao Chỉ thật độc đáo, đâu phải vì nó là tín hiệu của một dòng giống cổ xưa! Nó trở đi trở lại trong những giây phút kịch tính nhất của đời Út. Không chỉ những giai điệu, nhạc Beethoven, mà một tấm lưng vạm vỡ của người anh cao 1m75 biết "ăn" nhựa đường, sỏi đá, cuối cùng cúi xuống cõng người bà nội (nuôi) hấp hối nhẹ tênh… tất cả đều là những môtip ám ảnh. Cả những chương hồi rất ngắn cũng gợi lên sự vặt vãnh, đứt gãy của bi kịch đời thường.

Quả là cho tới những trang cuối, tôi vẫn tự hỏi: Lối thoát nào đây cho những dramaticules này? Bởi bi kịch thường nhật xuất hiện không theo hình chữ "V ngược" có đỉnh điểm mà là một chuỗi những hình Sin kéo dài nho nhỏ. Đọc 4 chương cuối, khi thấy cái lối thoát cho những bi kịch, tôi lại liên tưởng một cách hài hước tới giao thông nội đô của ta hiện nay: nếu tắc đường chính, thì người và xe tỏa ra các ngõ xung quanh. Ở "Thế giới xô lệch", những cái chết, những nấm mồ vẫn có sức mạnh vời gọi cái gia đình vừa tách biệt vừa "trói chặt" vào nhau kia. Cùng nhau, họ tới đứng cúi đầu dưới ánh sáng của bầu trời "mây trắng cuồn cuộn bay"… Có thể là trong chốc lát, bởi cuộc sống vốn là vậy.

Song linh hồn dẫu thiêng liêng biết mấy, cũng không thể làm vậy nếu không có những người đang sống. Gia đình ấy không chỉ là nghi lễ, không chỉ do huyết thống, mà còn do ơn sinh tử, sự cưu mang nghĩa hiệp không thể quên… Vốn không biết gì về tác giả, ngoài những dòng chữ đọc được ở bìa sách, tôi tự hỏi: Phải chăng tất cả những tình cảm mãnh liệt, giằng xé này, và kể cả những nét cổ sơ, truyền thống này là những gì còn sót lại của vùng Đất Mũi? Cái lưu lại ở đây không phải là ngôn từ (như trường hợp Nguyễn Ngọc Tư) nhưng phải chăng âm hưởng vẫn là của một vùng đầu sóng ngọn gió, nơi con người phải coi trọng chữ nghĩa, phải đùm bọc nhau hơn bất kỳ nơi nào khác ở trên dải đất Việt Nam?

Tháng 4/2011

Đặng Anh Đào
.
.