Xin hãy tôn trọng tác giả và tác phẩm

Thứ Sáu, 04/11/2016, 08:03
Tình trạng hát sai nhạc sai lời ở các liên hoan, hội diễn ca nhạc ở cả hai khu vực chuyên nghiệp và quần chúng hiện nay xảy ra nhiều. Đó là tình trạng người hát thiếu cẩn trọng, hát sai lời và có khi cả nhạc của bài hát. Dẫn tới tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân: Người hát không có văn bản tác phẩm gốc của tác giả mà qua nhiều lần “tam sao thất bản”. Cũng có thể chỉ do truyền miệng. Tệ hơn là có khi quên rồi tự phịa ra. 


Dẫu với lý do gì thì đây cũng là cách làm việc không nghiêm túc. Nhạc sỹ lao tâm khổ tứ, có khi suy nghĩ nhiều ngày mới tìm được một nốt nhạc, một ca từ vừa ý. Vậy mà chỉ vì sự lười biếng, cẩu thả, người thể hiện đã vô tâm hát khác đi để trở thành nốt nhạc hoặc lời ca tầm thường, có khi chẳng có nghĩa gì.

Trước hết xin nói về việc hát sai nhạc. Trong 3 yếu tố cao độ, trường độ và tiết tấu của giai điệu thì phổ biến nhất là hát sai trường độ và tiết tấu. Cao độ ít bị hát sai hơn vì nếu sai thì đường nét giai điệu sẽ khác hẳn, trở nên ngớ ngẩn, có khi ngang phè khó lọt tai người nghe.

Về trường độ (ngân dài ngắn của âm thanh), trường hợp hay gặp là người hát tùy tiện kéo dài thêm hay co ngắn lại ở những nốt hát ngân theo cảm hứng riêng của mình mà bỏ qua sự tính toán rất hợp lý của tác giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sỹ có nhiều bài hát bị hát sai.

Rất hay xảy ra tình trạng sau đây: Người hát hay lặp lại quá nhiều lần câu hát kết bài gây cảm giác rất nhàm mà nhạc sỹ quy định không hát nhắc lại hoặc nếu có thì chỉ một lần. Bài “Tình ca người thợ mỏ” (Hoàng Vân) có câu kết bằng hát vocaliser tức hát nhạc không lời: là la lá la…  Hát đúng như tác giả ghi trong bản nhạc là đủ, hay. Nhưng nhiều ca sỹ đã lặp lại thêm một lần nữa, nghe quá dài và nhàm.

“Bài ca may áo” (Xuân Hồng) có câu kết cuối cùng: “Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi !”. Tác giả chỉ để hát 2 lần câu này nhưng tôi đã nghe một tốp nữ nhắc lại câu này tới… 10 lần và hát nhỏ dần. Nghe thật kỳ khôi.

Người ta vẫn nói diễn viên là người sáng tạo tác phẩm lần thứ hai. Nhưng như vậy không có nghĩa là tùy tiện sửa chữa, làm khác đi những gì người sáng tác tạo nên. Có thể có những sáng tạo đã nâng thêm hiệu quả nghệ thuật cho tác phẩm. Nhưng diễn viên cần trao đổi với tác giả và cuối cùng vẫn phải tôn trọng quyền quết định của họ bởi họ là người chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình trước công chúng và xã hội.

Cố nhà văn Nguyễn Đình Thi từng phàn nàn về bài hát “Người Hà Nội” của ông đã được nhiều ca sỹ xử lý không đúng như ông viết. Đó là câu kết cuối cùng: “Bóng cờ bát ngát ngày vui, nước non reo cười trên môi Người cười. Tiếng cười ngày về…”.

Nhưng hầu như ca sỹ nào cũng hát thêm hai tiếng “chiến thắng” sau “ngày về” và vút lên một quãng 8. Không khó hiểu việc xử lý này của giới ca sỹ. Họ cho rằng như vậy để cho có khí thế và cũng giúp họ hát “bốc” hơn, khoe được giọng to, vang, quý hiếm của mình. Nhưng các ca sỹ lại quên rằng Nguyễn Đinh Thi là một tác giả lớn. Hẳn là ông phải nghĩ đến cái “khí thế chiến thắng” đó trước các bạn.

Nhưng vì sao ông không viết thêm hai chữ “chiến thắng” và để ở âm khu cao? Bởi vì toàn bộ bài hát đã dào dạt âm hưởng anh hùng ca, chiến thắng. Giai điệu cả bài đã rất sáng, khỏe, lạc quan, nhiều chỗ vút lên rồi.

Ở đoạn cuối bài, nhất là khi nói đến vị lãnh tụ kính yêu, ông muốn giai điệu lắng đọng lại, có chút thâm trầm, ngọt ngào. Vậy nên “tiếng cười ngày về” đã là đầy đủ, trọn vẹn. Đương nhiên đó là ngày về chiến thắng. Hà tất phải có từ “chiến thắng” làm chi.

Hát sai nhạc đã tệ, hát sai lời cũng rất đáng trách. Xin lưu ý bài hát của Hoàng Hiệp có tên chính xác là “Vào lăng viếng Bác” (nhạc sỹ phổ thơ của Viễn Phương). Nhưng nhiều MC đã giới thiệu là “Viếng lăng Bác”. Lăng Bác chỉ là một công trình kiến trúc bằng đá. Sao viếng cái lăng ấy làm chi? Viếng là viếng Bác – lãnh tụ kính yêu của dân tộc - đang nằm trong Lăng.

Không phải vô cớ mà nhà thơ lại viết 4 âm tiết thay vì 3 âm tiết như nhiều người giới thiệu nhầm. Ở bài này còn có một từ rất nhiều người hát đã xướng nhầm. Đó là từ “biết” trong câu: “Dẫu rằng trời xanh biết là mãi mãi. Dẫu rằng biển xanh biết là mãi mãi”. Bị hát nhầm thành “biếc”, trở thành “Dẫu rằng trời xanh biếc là mãi mãi. Dẫu rằng biển xanh biếc là mãi mãi” không có nghĩa như tác giả muốn nói liên quan đến câu liền sau đó: “Mà sao nghe nhói ở trong tim”.

“Sợi nhớ, sợi thương” là bài hát rất hay của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Thúy Bắc có câu “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Bên nắng đốt, bên mưa quây” bị rất nhiều người hát thành “mưa quay” chẳng có nghĩa gì. Ở Trường Sơn, thời tiết thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Một bên thì nắng như thiêu đốt. Bên kia thì lại mưa suốt ngày đêm như quây chặt các chiến sỹ. Bởi thế nên em mới rút sợi thương, sợi nhớ trong lòng để tìm cách đan, chằm mong che mưa, che nắng cho anh.

Khi còn sống, nhạc sỹ Văn An nhiều lần than phiền: “Bài Nhịp cầu nối những bờ vui, ở câu kết thúc, mình viết rành rành là: “Anh lại về đây sau ngàn ngày chiến đấu. Ngồi trên cầu thổi sáo đón em”. Không hiểu từ đâu mà các bạn ca sỹ cứ hát là: “… thổi sao em nghe”. Đúng là “thổi sáo đón em” hay hơn nhiều vì anh đón em bằng tiếng sáo. Chứ “thổi sáo em nghe” thì chẳng có gì đáng nói.

Nhạc sỹ Hoàng Vân cũng ngán ngẩm bởi tình trạng hát sai lời của ông trong nhiều bài hát. “Bài ca người giáo viên nhân” dân có thể nói là bài ngành ca của Sư phạm. Câu: “Tung bay xa nhiều thế hệ cháu Bác Hồ” bị hát thành “Tung bay qua…” trở nên vô nghĩa. “Tung bay qua các thế hệ” là sao?

Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi không ít lần phàn nàn về việc ca sỹ hát sai tác phẩm của mình.

Còn “tung bay xa” là nhiều thế hệ cháu Bác Hồ đã tung bay đi tới rất nhiều miền xa xôi của Tổ quốc sau khi đã học xong, ra trường. Cũng trong bài này, nhiều người đã hát: “Tiếng kiêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước” thành: “… lịch sử cha ông thuở trước” cũng thành ngớ ngẩn vì lịch sử đương nhiên là “thuở trước”.

Có một chi tiết rất tinh tế liên quan đến hát không đúng như tác giả viết trong “Bài ca xây dựng” của Hoàng Vân. Đó là câu: “Trong khói bom, trong ánh trăng, suốt bốn mùa tôi vẫn xây…” bị nhiều người hát đảo lại từ thành: “Trong ánh trăng, trong khói bom…”.

Trong trường hợp này, sự sai là vô hại giống như ta đảo lại hai đại lượng nào đó khi liệt kê. Nhưng sự tinh tế và rất nghệ thuật của tác giả là là ở chỗ 3 tiếng “trong ánh trăng” được tác giả để ở 3 nốt nhạc có ly điệu sang chất trưởng trong điệu chủ là thứ làm nổi rõ màu sáng trong như ánh trăng vậy. Nếu hát đảo lại thì không còn điều này nữa.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là tác giả có nhiều bài hát nổi tiếng hay bị hát sai lời khiến ông rất bất bình. Bài “Mẹ yêu con” có nhiều chỗ hát sai khiến nội dung trở thành ngớ ngẩn. Câu “Miệng con chúm chím xinh xinh như đài hoa đang hé trên cành” đã bị nhiều người hát thành “Như ngàn hoa...”.

Từ một hình tượng đắt (đài hoa) trở thành một từ chỉ số lượng (ngàn hoa) rất ngây ngô. “Khát nắng mới và sương lành” hát thành “Khát nắng sớm và sương lành”. Hai từ “nắng mới” và “nắng sớm” có nghĩa khác nhau. Từ trước chỉ sự thay đổi, bản chất của nắng. Từ sau chỉ thuần túy là thời điểm sớm, muộn của nắng mà thôi.

Câu nữa cũng trong bài này: “Thoáng thấy đó hình như bóng dáng bao người” hát sai thành “bóng dáng con tôi”. Đứa con đã mang bóng dáng bao người khác mới có nghĩa, chứ mang bóng dáng nó thì có nghĩa gì? Tệ nhất là trong bài “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” có nhiều câu hát sai không thể chấp nhận. “Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi” hát thành “… nhớ gặp mùa thi”.

Ý tác giả là khi thấy hoa phượng vĩ nở thì ta nghĩ ngay đến mùa thi (ngỡ, tưởng). Còn “nhớ gặp mùa thi” thì không có nghĩa gì. Câu “Đắp hồ xây đập, ta nuôi dòng nước ngọt” chứ không phải là “… ta khơi dòng nước ngọt” như nhiều người hát sai. Làm nên công trình thủy lợi bằng việc đắp hồ, xây đập là để chứa nước ngọt.

“Nuôi dòng nước ngọt” là chứa một cách rất nâng niu, chắt chiu. Từ “nuôi” này rất đắt. Không dễ người sáng tác nào cũng có thể tìm được. Vậy mà bị hát sai thành “khơi” thì hỏi tác giả làm sao không bực mình? Nước ngọt đã được chứa trong hồ rồi, còn “khơi” chi nữa? Cũng trong bài này, có câu hát sai còn trở nên phản tư tưởng.

Đó là “Làng ta di động thêm có đất mình cày” bị hát thành “Lòng ta di động…”. Hát “Lòng ta di động” hóa ra ta luôn thay lòng đổi dạ?

Có lần, tôi chứng kiến Nguyễn Văn Tý phản ứng như sau:  Trong một cuộc gì đó có một cô ca sỹ hát bài này trên sân khấu. Cô ta hát sai mấy chỗ như trên. Đến khi hát xong, Nguyễn Văn Tý gặp cô ta. Không nói lời cảm ơn như thông thường, ông rất giận mà nói huỵch toẹt với cô ta: “Lần sau, cô đừng hát bài này nữa. Cô chẳng hiểu gì cả. Cô hát làm hỏng bài của tôi”. Sau đó, ông nói với tôi là nói vậy còn nhẹ. Ông định bảo sao cô ta quá ngu xuẩn đến thế. Nhưng ông đã kiềm chế”.

Hát chính xác nhạc, lời của người sáng tác chẳng những thể hiện sự tôn trọng họ mà còn là tôn trọng công chúng và chính bản thân mình. Dù bất cứ lý do nào, hát sai lệch tác phẩm cũng không thể chấp nhận. Rất mong những người ca hát lưu tâm để chấm dứt tình trạng này.

Nguyễn Đình San
.
.