Xin được tin vào những gì tốt đẹp...

Thứ Sáu, 29/09/2017, 08:33
Tuần vừa rồi, trên trang fanpage của một tờ báo khá danh tiếng về thể thao có chia sẻ một bài viết thuộc diện “rất vô lý” kèm theo đó là lời dẫn của quản trị trang fanpage đó mang nặng tính bênh vực 1 CLB bóng đá lớn, trong khi ngầm công kích một đối thủ kình địch của chính CLB ấy. Với những ai yêu thích bóng đá một cách thuần túy, công tâm, và có bề dày theo dõi, hẳn những dòng chia sẻ kia, cùng bài viết đi theo nó, là một nỗi thất vọng lớn. Nhưng với những người làm báo ở thời đại Internet này, đó lại là thứ vô cùng bình thường.


Báo chí online bây giờ mang nặng tính câu khách và có những người làm báo chấp nhận giật gân, rẻ tiền cũng được; miễn sao họ có được lượng người đọc càng nhiều càng tốt. Dễ hiểu, nhiều tờ báo chấm nhuận bút theo lượt xem và quảng cáo đến với tờ báo ấy cũng nhờ lượt người xem. Đó chính là một nguyên nhân mà nhiều thông tin hiện thời bị coi là thông tin rác nhưng xuất hiện đều đặn và nhan nhản mỗi ngày.

Và không chỉ báo chí, truyền thông bị cuốn theo cơn lốc kia mà ngay cả những người sản xuất chương trình truyền hình cũng không nằm ngoài vòng xoáy lớn. Khi kết hợp với một nhà sản xuất bên ngoài, kênh truyền hình đã gần như đặt lên vai nhà sản xuất một áp lực về doanh thu và tất nhiên, đổi ngược lại, những chiêu trò bắt đầu được tạo ra, những scandal được thổi phồng lên để lượt xem trên cả truyền hình truyền thống lẫn kênh youtube tăng vọt nhằm hướng tới mục đích duy nhất: tiền.

Chúng ta hoàn toàn có thể cảm thông với những người làm báo, những người sản xuất chương trình dạng đó, bởi trước áp lực của cuộc sống, nhiều khi họ dùng Facebook không chỉ còn để “chơi” hay “tương tác, kết nối” mà thay vào đó, dùng Facebook để kiếm cơ hội không bằng cách này thì cách khác. Và từ đó, có những người cứ bám theo “xu hướng” mà viết Facebook, bất chấp có những lĩnh vực họ chả hiểu gì và chỉ lên đấy mà “bi bô” một cách ngây ngô khi câu chuyện nằm trong lĩnh vực ấy đang “thu hút”.

Nhưng tuần vừa qua cũng có một câu chuyện nằm ngoài vòng xoáy “bẩn” kia, trở thành tâm điểm của dư luận. Đó là chương trình “Điều ước thứ Bảy” về gia đình của một nghệ sỹ ở Hà Nội. Câu chuyện xúc động, chân thực ấy đã lấy nước mắt của rất nhiều người xem, và được chia sẻ mạnh trên mạng. 

Và điều đáng nói là ở tất cả những trang báo online của cuối tuần rồi, xu hướng đọc dồn vào chính câu chuyện của gia đình nghệ sỹ đó. Thêm vào đó, “Điều ước thứ Bảy” lại là một chương trình được tự thân các đồng nghiệp VTV sản xuất chứ không phải được mang giao thầu cho các đối tác bên ngoài.

Điều đó chứng tỏ gì? Chứng tỏ rằng những câu chuyện tử tế, những cách làm tử tế, đúng với nghề vẫn có thể thu hút được độc/thính/khán giả chứ không chỉ mỗi một con đường tạo scandal hay tranh cãi mới là duy nhất.

Sực nhớ, trong các video ăn khách trên youtube của các kênh youtube Việt Nam hiện nay, ngoài những kênh thiếu nhi, những kênh ăn khách chủ yếu là hài nhảm, ca nhạc thị hiếu hoặc thông tin giật gân. Trong khi đó, chính người Việt vẫn hay chia sẻ những video khá ăn khách của Thái Lan, những video kể những câu chuyện ngắn hướng thiện đúng theo triết lý của một quốc gia Phật giáo. Rõ ràng, cái thiện, cái chân vẫn có thể tạo ra sóng trong cộng đồng, miễn sao nó phải thật, phải gần gũi và chạm được vào cảm xúc của người xem.

Xem “Điều ước thứ Bảy” nhiều số, chúng ta sẽ có cảm nhận rằng những chương trình hay, xúc động, hướng thiện vẫn luôn có đông đảo khán giả ngưỡng mộ và đợi chờ. Vậy thì tại sao chúng ta không cùng thay đổi cách làm, để rác trên truyền thông bớt dần, để được cùng nhau không phải cầu xin một niềm tin mỏng manh vào những điều tốt đẹp? 

Văn Đoàn
.
.