Vũ Duy Thông và một chân dung khác

Thứ Hai, 04/02/2013, 08:00
Nhân đọc "Con bồ câu tha đi một cọng cỏ", thơ Vũ Duy Thông, NXB Hội Nhà văn, 2012.

Vũ Duy Thông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông có tới 50 đầu sách về đủ các thể loại phê bình, nghiên cứu văn học, lý luận, báo chí, văn học và thơ. Trong 50 đầu sách đó, Vũ Duy Thông dành cho thơ 10 tập. 10 tập thơ, con số không nhỏ đối với đời một thi sĩ. Trong bộn bề con người lắm việc và bận như Vũ Duy Thông thì 10 tập thơ là cả một đời chắt chiu nuôi dưỡng cho cái phần đẹp nhất, thi vị nhất, nghệ sĩ nhất. 10 tập thơ, 10 câu chuyện chậm rãi, 10 thông điệp day dứt, và ít nhất cũng là 10 lần tác giả ngoái lại để lắng nghe mình… Tôi thích những câu thơ Vũ Duy Thông, yêu cái con người lặng thầm nhẩn nha, như loài bồ câu bình thản đi qua mọi bão tố hay khúc quanh của cuộc đời để tận hiến cho sự nghiệp xây tổ ấm của mình bằng cuộc kiên nhẫn kiếm tìm, chọn lọc để tha về từ cánh đồng xa, từ phương trời xa ngái chỉ những cọng cỏ dại thôi nhưng đủ cho một ngôi nhà vững chãi, một tổ ấm đong đầy những yêu thương.

Tôi không hình dung nổi, Vũ Duy Thông tư duy thơ, rung cảm thơ, xúc động và viết những câu thơ mang nhiều nội tâm dày vò, ám ảnh người đọc trong suốt cả 10 tập thơ ấy vào những lúc nào. Từ khi biết ông, tiếp xúc với ông chỉ thấy ông bộn bề công việc. Hàng trăm thứ bủa vây ông, và đôi khi ông như lọt thỏm giữa ngần ấy công việc chỉ chực nuốt chửng mình trong quỹ thời gian hạn hẹp của đời người. Tôi ít khi thấy Vũ Duy Thông thả mình vào những cuộc bù khú bạn bè, vào những thú vui bất tận và vô giới hạn của phàm những người trót đa mang nghiệp nghệ sĩ. Tôi ít khi thấy Vũ Duy Thông hào phóng tiêu pha quỹ thời gian của mình vào những thứ ngoài công việc. Lạ lùng, con người bận bịu là thế, và quyết không cho phép mình nhàn rỗi quá đà trong bất kỳ một khoảng thời gian được phép tự do nào lại: "Anh nhớ em như con thuyền nhớ bến/ Như cây xanh nhớ cồn nắng hoa vàng";"Nỗi nhớ nhuộm anh như hoàng hôn nhuộm biển/ Khoảng không nhau trống rỗng cả ngày dài/ Nỗi nhớ bửa anh thành hai nửa/ Nửa sao hôm và nửa sao mai".

Bìa tập thơ "Con bồ câu tha đi một cọng cỏ" của Vũ Duy Thông.

Mỗi một tập thơ là một câu chuyện đời, con người Vũ Duy Thông cũng đa tình, đa mang, đa đoan và lắm niềm yêu đôi khi đến điên dại mụ mị sau những câu thơ. Và rốt cục tôi nhận ra, đằng sau những chức trách nặng nề của ông là một con người thơ chung thủy với những suy tư, rung động, những yêu thương quyết liệt ẩn giấu. Chỉ có thơ mới hiểu ông, và cũng chỉ có thơ mới là nơi Vũ Duy Thông cháy hết mình, dũng cảm bày tỏ những khát vọng suy nghĩ chân thực nhất. Lột bỏ hết mũ cao áo rộng của quyền chức, của trách nhiệm, Vũ Duy Thông đối diện với mình và thơ: "Ôi con bồ câu nhỏ/ Nó cắp một cọng cỏ khô/ Bay về một nơi nào đó…/ Phải rất nhiều cỏ khô mới thành chiếc tổ/ Thành chiếc tổ mới có cuộc trở dạ/ Có cuộc trở dạ mới có tuổi thơ/ Ôi con bồ câu nhỏ/ Tha thẩn ven hồ"…

Thời trẻ, thơ của Vũ Duy Thông được coi là tài hoa, tươi tắn, và có phần nào nhẹ khi lẽ ra cần phải nặng. Nhưng đến "Du ca đời lá" và "Con bồ câu tha đi một cọng cỏ", câu chuyện kể của ông đã khác đi nhiều bởi những chiêm nghiệm, những ám ảnh của sự kết thúc. Cũng có thể, như một sự ngẫu nhiên của thời gian, tuổi tác, công việc, ông viết hai tập thơ này ở khoảng giữa và sau khi ông đã rời nhiệm sở để trở thành người tự do chăng? Âm hưởng trong cả 60 bài thơ là một nỗi buồn mênh mang, một nhãn quan về triết lý nhân sinh rõ nét. Sự bình thản đón nhận cái kết thúc như một quy luật tất yếu của vạn vật nhưng cũng le lói những hy vọng xanh non của một sự khởi đầu phía sau. Vũ Duy Thông viết nhiều hơn về sự kết thúc và cũng chưa bao giờ ông để cho lệ của mình rơi nhiều đến thế ở tập thơ cuối này. Những giọt lệ của người đã sống đến độ thấu tận cõi nhân gian này chứ không phải là nước mắt của thất vọng hay buồn đau đổ vỡ. "Thật đau khổ khi phải khóc một mình/ Cũng thật hạnh phúc khi còn khóc được".

Có đôi lúc Vũ Duy Thông cũng một nỗi ngậm ngùi chua xót trước thời gian đã lọt qua kẽ tay, như những chiếc lá hát đời du ca nay đã chấp chới rụng về cội. Đó là tất cả những cảm giác thực không thể chối bỏ hay lãng quên mà buộc ông phải đối diện với mình: "Bởi vì tuổi chúng ta bây giờ không được quyền ham sống, không được quyền yêu/ Như biển mùa này không được quyền nắng đẹp"; "Tuổi này ngùi ngẫm cuối đường/ Xót chiều nắng lụi, thương sương đầu cành/ Cũng liều bám lấy mong manh/ Kiếp sau đâu chắc chúng mình còn nhau".

Một câu châm ngôn cổ đại ý rằng, con người ta càng sống nhiều càng thấy cuộc đời buồn hơn, càng thấy đời sống này cô độc hơn và bản thể trở nên cô đơn, thất vọng hơn bao giờ hết. Tôi tin với Vũ Duy Thông, cảm giác đó chỉ là khoảnh khắc. Nhưng cảm được nỗi tuyệt vọng của tâm hồn mình trong khoảnh khắc nào đó có nghĩa là ông đã thừa nhận nỗi tuyệt vọng xét cho cùng ai cũng có, huống chi là của tâm hồn thi sĩ trước những ngẫm suy thời cuộc: "Hoa gạo rụng suốt đêm ngoài bờ đê/ Như trong ta miền trống rỗng/ Đêm ngày tầm tã rụng/ Nhàu nát niềm vui, nỗi buồn/ Vực sâu cô đơn/ Không bao giờ lấp kín…"; "Ta về gõ cửa cỏ rêu/ Thinh không đơn độc cánh diều mãi bay/ Trăm năm còn bụi cỏ may/ Nghìn năm còn một váng mây cuối trời".

Ngẫm về tuổi tác, thực tại với một nỗi ngậm ngùi của người đã về phía xa bên kia dốc cuộc đời nhưng trái tim vẫn mãi xanh, vẫn tràn trề nhựa sống, tràn trề khát vọng yêu thương âu cũng là lẽ người. Làm sao sống được mà không yêu, không tham vọng khao khát. Sự vùng vẫy, phản kháng, sự nổi loạn của Vũ Duy Thông có lẽ cũng chỉ náu ở những câu thơ tôi nghĩ ông viết trong đêm sâu khi một mình với chính mình thôi. Tôi thích thú khám phá ra một thi sĩ đa tình, yêu đương bỏng cháy và không hiếm khi muốn sửa cả luật trời. Một nét đa tình vô cùng đáng yêu của một người đàn ông biết yêu cho đến độ tan mê cõi lòng: "Anh nhớ em như con thuyền nhớ bến/ Như cây xanh nhớ cồn nắng hoa vàng". Và ngay cả khi tuổi tác của chúng ta không được quyền ham sống nữa, không được quyền yêu nữa thì Vũ Duy Thông cũng phải bất lực trước nhịp đập của trái tim mạnh mẽ đòi yêu của con người thi sĩ trong ông: "Nhưng hé ô cửa khép/ Nếu vẫn anh đứng đó thì đừng lạ/ Anh đang gieo vào sỏi đá/ Những bông hoa sẽ nở/ Cho anh, cho em và cho chúng ta/ Anh đang gieo vào cắc cớ/ Tình yêu hoan ca".

Đọc thơ Vũ Duy Thông sẽ thấy ở ông một chân dung khác. Một chân dung mới thực là Vũ Duy Thông với những câu thơ tài hoa. Ông yêu đời, yêu người, không thất vọng hay nuối tiếc trước cái hữu hạn của đời sống. Ngược lại, trái tim ông vẫn vẹn nguyên những rung động tươi mới và bình yên khi nhìn ngắm cuộc đời đang khẽ cựa mình nhú mầm của một sự bắt đầu: "Đừng bao giờ sợ nỗi cô đơn/ Lắng nghe nhộn nhịp không lời/ Trong không gian câm lặng/ Nghe tình yêu hoài thai". Thông điệp mà ông muốn chuyển đến bạn đọc yêu thơ qua tập thơ "Con bồ câu tha đi một cọng cỏ" đó là chính là cái mênh mang vô cùng của cuộc đời này. Có thể trong lúc người này phải rời bỏ nó ở phía cuối con đường thì với người khác tất cả lại vừa mới bắt đầu, mới vừa chạm bước vào cuộc sống. Không có gì là vô hạn nhưng cái hữu hạn đôi khi lại là cái vô hạn không cùng của thế gian này. Vì thế, con người dẫu có cô độc, dẫu có phiền muộn, có hối tiếc hay nuối tiếc quá khứ thì cũng không nên quá buồn khi biết rằng ngày mai mình sẽ để lại tất cả trên cuộc đời này, trừ mỗi bản thân mình để ra đi, để làm cuộc viễn du vô tận cho sự khởi đầu một kiếp sống khác.  Hãy cứ sống và yêu thương, sống và tận hưởng đến phút cuối cùng những giọt thời gian trong quỹ thời gian hữu hạn của đời người. Hãy cứ yêu hết mình, xanh hết mình như chiếc lá trên cây, dẫu ngày mai biết mình sẽ rụng.  Như loài chim bồ câu kia vẫn gù lên những âm thanh tinh khiết của những buổi ban mai và tha về những cọng cỏ thơm mềm về làm tổ. Cuộc sống vẫn sinh sôi mỗi ngày…

Trong suốt cả tập thơ "Con bồ câu tha đi một cọng cỏ", tôi thích nhất là khổ thơ cuối cùng trong bài thơ về "Những cô gái mù": "Chiều nay khi em qua cầu/ Trái tim tôi như ai bóp nghẹt/ Đó là tật của những người có mắt/ Nhìn đâu cũng thấy hố sâu". Không biết ai trong vô số chúng ta chợt giật mình nhận ra tật của những người có mắt. Cảm ơn Vũ Duy Thông đã nhắc nhở chính mình, nhắc nhở cả tôi, và bất kỳ ai là bạn đọc thơ ông hãy bớt đi sự tỉnh táo gai lạnh để nhìn và đối xử với chính mình trong cuộc đời này hồn nhiên hơn, sáng trong hơn

Như Bình
.
.