Với hai bài tứ tuyệt của hai nhà thơ lớn

Thứ Tư, 10/08/2011, 08:10
Lẽ thường, ta vẫn quen nói "biển rộng sông dài", mấy khi nói ngược lại "biển dài sông rộng". Thực tế là như vậy. Vả lại bài thơ có "biển" của Tế Hanh chỉ vỏn vẹn có 4 câu, lấy đâu mà dài, và dài làm sao?...

I - Với bài thơ "Sóng" của nhà thơ Tế Hanh

Biển một bên em một bên
Ta đi trên bãi cát êm đềm
Thân buông theo gió, hồn theo mộng
Sóng biển vào anh với sóng em

Lẽ thường, ta vẫn quen nói "biển rộng sông dài", mấy khi nói ngược lại "biển dài sông rộng". Thực tế là như vậy. Vả lại bài thơ có "biển" của Tế Hanh chỉ vỏn vẹn có 4 câu, lấy đâu mà dài, và dài làm sao? Nhưng nếu nói về "rộng"- cái rộng của sự lan tỏa, thì nó rộng thật, tưởng đến vô cùng. Sự thực, người ta có thể thu hẹp biển lại trong một bức tranh bé bằng lòng bàn tay, hoặc nhỏ hơn, mà không sợ bị lẫn với ao hồ, là vì biển thật dễ "nhận biết" - khi biển sóng cồn. Mà, đọc bài thơ của Tế Hanh, nào có phải ta chỉ tiếp giáp với sóng biển thôi đâu. Cả bài thơ liên tiếp cồn lên "hai đợt sóng".

Sóng từ trong cách cấu trúc câu dài ngắn (câu một 6 chữ chuyển sang câu hai 7 chữ); từ trong cách ngắt nhịp: câu một được chia 2 vế cân bằng theo nhịp 3-3, mấy câu cuối "đảo" sang, "ngoặt tay lái" sang 4-3 (ở đây có một điều lý thú là: cấu trúc của câu bốn, liên từ - chữ với - đứng ngay sau chỗ ngắt nhịp, khiến cho mạch câu bị ứ, phải chồm lên, xóa bỏ thế cân bằng, thế tách bạch của câu một, câu ba, tạo thế giao hòa của sóng: sóng biển- sóng tình). Mấy chữ "Ta đi trên" (câu hai) và "Thân buông theo" (câu ba) về âm điệu cũng thật hay (toàn thanh bằng, 3 chữ liền không có dấu huyền), tạo cảm giác châng lâng của người "Thân buông theo gió, hồn theo mộng", bên biển, bên em...

Không ví em như biển, là biển, vì điều ấy đã trở nên sáo mòn, song cái bóng dáng lớn lao của chủ thể vẫn tỏa lan, êm ái, dễ chịu. Bài thơ có tiêu đề "Sóng" mà mở đầu là "biển", kết ở "sóng", là chặt chẽ và hợp lý, rất tạo dư âm. Tế Hanh đã làm tôi nhớ tới mấy câu thơ của Xuân Hoàng, phải chăng cũng nằm trong cái "hệ" cảm xúc trước biển và em này:

Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển
Bài thơ lành anh đến ngủ bên vai

Cái lớn lao ấy phần của tình yêu, phần là của biển. Ai bên em và bên biển mà không từng cảm thấy như vậy? 

II - Với bài thơ "Hoa trắng đỏ" của nhà thơ Chế Lan Viên

Anh tặng em yêu chùm hoa sắc trắng
Nhưng khi yêu, anh yêu đỏ hoa hồng
Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ
Nhưng bên ngoài vẫn cứ trắng như không

Hồi còn đi học, trong giờ hóa, tôi nhớ mãi câu chuyện thầy giáo kể: Ngày xưa, có những đám xiếc rong vẫn tìm về các làng quê hẻo lánh, biểu diễn trò ảo thuật. Cầm hai lọ nước trắng, họ đổ vào nhau, hóa ra màu đỏ, khiến dân chúng khiếp sợ, ngỡ có phép thần thông biến hóa. Và những người đó được coi như những nhà phù thủy cao tay.

Đọc bài thơ của Chế Lan Viên, mặc dù biết rõ câu chuyện trên, tôi thấy phục ông thầy "ảo thuật" này quá. Hãy lấy hai câu thơ và xem như hai lọ nước (đồng màu): 1 là chùm hoa sắc trắng, 1 là sự biểu hiện tình cảm bên ngoài vẫn cứ trắng như không (đều trắng cả), mà rồi ông tìm cách "pha chế" thế nào mà nó lại hóa thành màu đỏ: "Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ"... Có gì đâu, nói bằng thuật ngữ hóa học, cái sắc trắng của hoa, cái trắng tự nhiên ấy, là nước. Còn cái "trắng như không" (mà thật ra không trắng một chút nào) một cách gượng ép ấy, thì chỉ là "trắng màu", vì bên trong cái vẻ "trắng vỏ đỏ lòng" lại chất chứa một thứ dung dịch mạnh... Cái giỏi của Chế Lan Viên là: ở câu thứ hai, ông bố trí rất khéo, bằng những động tác "ảo thuật" tuyệt vời: "Nhưng khi yêu, anh yêu đỏ hoa hồng".

"Yêu đỏ hoa hồng" thực chất có hai nghĩa. Một nghĩa: Khi yêu, anh yêu sắc đỏ hoa hồng. Hai là: khi yêu, lòng anh đỏ như hoa hồng. Thật ra, tác giả lại không hẳn nói như vậy. Ở đây càng thấy Chế Lan Viên thêm một lần thông minh nữa. Vả lại, hiểu theo nghĩa thứ nhất (khi yêu, anh yêu sắc đỏ hoa hồng) sẽ thấy có gì "vô lễ" với hoa trắng, khen cái này làm phương hại cái kia. Đây là cái giỏi của Chế Lan Viên, như Nguyễn Du trước kia, khen sắc đẹp của Kiều mà không làm phương hại đến Thúy Vân. Chế Lan Viên vẫn từng tâm đắc với câu châm ngôn Pháp: "cách cho hơn của đem cho". Đọc, xét trên bình diện lớn của bài thơ, sẽ thấy, đây chính là "cách cho" hay nhất

Phạm Nhật Linh
.
.