Viết dựa, nói dựa...

Thứ Tư, 14/03/2012, 08:00

Sự nhập nhằng giữa các bài phê bình và các bài điểm sách hiện nay là rất phổ biến. Trước hết, chúng gây nhiễu cho một bộ phận độc giả. Sau nữa, chúng làm người viết khó chịu. Có thể gọi những người "phê bình điểm sách" là những "nhà khen học"...

Về mặt lý thuyết, phê bình thường có tác động tích cực đến sự phát triển của văn học nghệ thuật. Nó giúp các tác phẩm đến với độc giả nhanh hơn, chuẩn xác hơn và có sức lan tỏa hơn. Đôi khi, nó cũng có vai trò mà ta vẫn quen nói là "định hướng'", "dẫn dắt" hay "phát hiện", "động viên", "gợi mở"… gì đó. Nhưng vai trò này chỉ thuộc về những nhà phê bình đích thực. Đó là những người am hiểu văn học nghệ thuật, có chính kiến, có bản lĩnh, vô tư và khách quan. Tiếc là những nhà phê bình ở dạng này đang hiếm hoi như lá mùa thu và như sao buổi sớm.

Cảm giác chung về thực trạng phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí hiện này là bàng quan và thiếu trách nhiệm. Ngại đụng chạm. Quen nói một chiều. Tất cả đều bằng bằng và vô vị. Như người đời thường nói là…"bôi ra cho có" vậy thôi. Hình như trên báo chí hiện nay, nhiều người đang "ngoại giao" phê bình hơn là "làm" phê bình. Nhiều người đang làm cái việc có dính dấp đến "sự dối trá hoàn hảo" thì phải. Cũng đã rất lâu rồi, trong làng văn, làng thơ, làng báo của chúng ta không có một cuộc "luận chiến" hoặc "đấu khẩu" văn chương cho ra trò và tử tế nào cả.

Sự nhập nhằng giữa các bài phê bình và các bài điểm sách hiện nay là rất phổ biến. Trước hết, chúng gây nhiễu cho một bộ phận độc giả. Sau nữa, chúng làm người viết khó chịu. Có thể gọi những người "phê bình điểm sách" là những "nhà khen học".

Lâu nay, tôi thường có thói quen đọc các bài "phê bình điểm sách" thơ bằng cách đọc dăm bảy câu thơ dẫn chứng. Nếu thấy các dẫn chứng không thuyết phục thì không đọc nữa. Tôi tin không có "bột" thì dù có tán hươu, tán vượn thế nào, cũng không thể "gột" nên "hồ" được. Dần dần, tôi loại bỏ bằng cách không đọc những bài viết kiểu này. Tôi tin nhiều độc giả cũng có cách phản ứng giống tôi. Nói chung, khi đọc những bài "phê bình đọc sách", chúng ta cũng cần trang bị cho mình một "bộ lọc".

Tôi quan tâm đến một số tờ báo, cho dù là của ngành và không chuyên về văn học, vẫn có những trang văn hóa văn nghệ. Đó là quyền tự do quan tâm đến văn học nghệ thuật của mọi tờ báo. Nhưng nếu những trang báo này thường xuyên đăng tải những bài phê bình thiếu thuyết phục, thậm chí lệch lạc, thì lại là việc hoàn toàn khác. Các tờ báo này sẽ được liệt hạng không chuyên nghiệp và mất uy tín.

Tôi thường nói với các phóng viên chuyên về văn học nghệ thuật: Hãy phấn đấu trở thành một chuyên gia của một lĩnh vực nào đó mà mình đang quan tâm, theo dõi. Đừng viết dựa, nói dựa theo người khác và cũng đừng viết khi mình chưa đọc kỹ, hiểu kỹ, hiểu đúng tác phẩm.

Tệ hại hơn, có những nhà báo không đọc sách mà vẫn cho đăng những bài đọc sách, được ký một bút danh vu vơ nào đấy và được đăng tải trên hàng loạt báo. Đây là những bài có sẵn do các nhà sách viết với mục đích PR, quảng cáo để bán sách. Đổi lại, những nhà báo kiểu này vừa được lĩnh nhuận bút của bản báo, vừa được các nhà sách trả thêm tiền thù lao. Thật là "nhất cử lưỡng tiện"! Theo tôi, kiểu làm ăn này vừa lười biếng, vừa không trung thực, vừa không lương thiện.

Nêu một số ví dụ trên để tạm dẫn đến kết luận: Trên báo chí hiện nay, việc phê bình văn học nghệ thuật đang bị… nhiễu loạn.

Đặng Huy Giang
.
.