Về tác phẩm văn học đỉnh cao

Thứ Hai, 06/03/2006, 08:22

Trong những năm vừa qua, mặc dầu Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều tổ chức văn học - nghệ thuật khác đã trao giải thưởng văn học thường kỳ, một năm hoặc 5 năm một lần, nhưng hầu như các tác phẩm và tác giả được giải rất mau chìm vào quên lãng.

Chúng ta đang thiếu vắng các tác phẩm văn học lớn, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, những tác phẩm có khả năng rung động hàng triệu người, những tác phẩm có tác động xã hội to lớn, vừa trực tiếp lại vừa lâu bền. Chúng ta khát khao chờ đợi và đi tìm các tác giả có thể viết nên những tác phẩm ấy. Nhưng trước hết phải gọi tên, phải "duy danh định nghĩa" được cái mà chúng ta chờ đợi.

Trên các văn bản, khái niệm tác phẩm văn học đỉnh cao được diễn đạt một cách khác nhau bộc lộ những quan tâm không hoàn toàn giống nhau về cùng một vấn đề.

Nhiều người nói đến Tác phẩm lớn, nhưng thế nào là lớn lại rất khó nói ra. Nhiều nhà văn thì sổ toẹt khái niệm ấy, bảo rằng tôi chỉ quan tâm đến hay hay dở, tôi không biết thế nào là lớn hay bé. Có lẽ, tuy không nói ra, nhưng những người gạt bỏ khái niệm Tác phẩm lớn chỉ muốn suy tôn nghệ thuật, lấy nghệ thuật làm cứu cánh. Cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật - Nghệ thuật vị nhân sinh diễn ra từ trên nửa thế kỷ trước mà cái luẩn quẩn trong tư duy của một số người vẫn còn đến bây giờ. Tuy không nói ra, nhưng những người tôn vinh cái hay đã ngụ ý xem thường những giá trị tư tưởng cần thiết cho cộng đồng ở một giai đoạn, ở nhiều giai đoạn hay cả một thời đại. Hoặc họ hồn nhiên quá.

Cũng nói tới tác phẩm văn học đỉnh cao, một số văn bản lại dùng khái niệm: Tác phẩm ngang tầm với thời đại. Ở những giai đoạn lịch sử mà nhiệm vụ chủ yếu là đánh giặc cứu nước thì tinh thần, tầm vóc thời đại là gì tương đối rõ. Ở chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, những khái niệm ấy được nói rõ ra không dễ dàng.

Trên một số văn bản khác, khái niệm tác phẩm văn học và nghệ thuật đỉnh cao được dùng trong tổ từ Tác phẩm đặc biệt xuất sắc. Tất nhiên, tác phẩm đặc biệt xuất sắc là cao hơn tác phẩm xuất sắc, nhưng đặc biệt như thế nào, có bao nhiêu tiêu chuẩn được gọi là đặc biệt thì không cơ quan nghiên cứu nào nói rõ.

Tuy cách gọi, cách hiểu về tác phẩm văn học đỉnh cao có khác nhau nhưng về sự ngầm hiểu thì xem ra tính đồng thuận xã hội cũng rất cao. Cái mà chúng ta cần là tác phẩm mà mỗi người dân đều có quyền tự hào rằng, đấy là tác phẩm của dân tôi, của nước tôi, tác phẩm của thời đại tôi. Đó là những tác phẩm vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc như trong các mục tiêu phấn đấu của các ngành văn học và nghệ thuật và trong các nghị quyết của Đảng về văn hóa - văn nghệ đã nói rõ.

1. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nói về Tác phẩm văn học đỉnh cao mà không phải là tác phẩm văn nghệ nói chung vì hai lẽ. Một là, tác phẩm văn học không chỉ có tác động xã hội bằng chính thể loại của nó mà còn có tác động thông qua nhiều ngành nghệ thuật khác. Tác phẩm văn học có thể chuyển thể thành kịch bản phim, kịch bản sân khấu. Mối giao thoa giữa âm nhạc và văn học, giữa múa và văn học, thậm chí giữa kiến trúc và văn học là sự hiển nhiên.

Hai là, từ tính đơn thương độc mã của văn học. Sáng tác văn học là bởi một người; bởi tính kỷ luật cô đơn tuyệt đối của nhà văn mà các ngành nghệ thuật khác không có. Nghiên cứu về việc ra đời của tác phẩm văn học đỉnh cao có thể có ích với các ngành nghệ thuật khác. Xét về lịch sử phát triển, có thể nói thêm rằng, trong sự xuất hiện một trường phái văn học - nghệ thuật (như cổ điển, lãng mạn, hiện thực…), ngành đi đầu thường là hội họa, sau đó là âm nhạc, cuối cùng định hình một trường phái bao giờ cũng là văn học. Người ta nói tới các tác phẩm văn học tiêu biểu của một thời như sự tổng kết tư tưởng của thời đó là ở đặc điểm này.

Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 thắng lợi không chỉ là bước ngoặt lịch sử của nước Pháp mà còn thay đổi cả tiến trình phát triển của cả châu Âu. Hai đặc điểm nổi bật của cuộc cách mạng ấy là sự giải phóng nhà nước ra khỏi nhà thờgiải phóng cá nhân con người ra khỏi các ràng buộc phong kiến và tôn giáo. Các tác giả và tác phẩm văn học tiêu biểu của nước Pháp thời ấy, còn lại với lịch sử là vì đã thấm đẫm cả hai đặc điểm vừa nêu. Nói chính xác hơn, chính cuộc cách mạng về tư tưởng bộc lộ trên văn học Pháp đã là sự chuẩn bị sâu sắc nhất cho cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Đó là một ví dụ.--PageBreak--

Một ví dụ khác. Con đường tự khẳng định của dân tộc, của quốc gia bắt đầu từ rất sớm nhưng nó chỉ thật rõ rệt khi va chạm lớn với ngoại xâm, bắt đầu bằng khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thế kỷ thứ I để đến thế kỷ XV mới có được Nguyễn Trãi. Con đường dài ấy qua 6 triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê; quá dài và quá gian nan. Nếu ai hỏi ý thích cá nhân của người viết bài này về các tác phẩm của Nguyễn Trãi thì tôi nói rằng, tôi thích thơ Nôm, nhưng Nguyễn Trãi không là Nguyễn Trãi nếu không có Bình Ngô đại cáo.

Bình Ngô đại cáo là phát ngôn tư tưởng bằng văn học mà tư tưởng ấy đã dồn nén của cả dân tộc qua một chặng đường dài. Tư tưởng ấy là: Đất của Việt Nam, dân của Việt Nam, vua của Việt Nam, là sự tồn tại như trời định, ở ngoài mọi mưu toan của bất kỳ thế lực ngoại bang nào, dù lớn đến đâu. Số phận của một người với số phận của cả cộng đồng gắn bó làm một trong quốc gia thống nhất. Trước Nguyễn Trãi đã có nhiều tác giả, bằng cả tâm huyết nói về điều này nhưng phải đến Nguyễn Trãi, bằng hiện thực hiển hách mới nói được tập trung, được thấu đáo, được hả hê đến vậy.

Ví dụ trên cho thấy, những tác phẩm lớn, những tác giả lớn ra đời như sản phẩm của chính lịch sử.

Chính lịch sử oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã sản sinh ra văn học chống Mỹ, cứu nước. Chặng đường kháng chiến chống thực dân Pháp chín năm đã chuẩn bị cho sự nở rộ của văn học thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Nhân vật anh đội viên vệ quốc đã trở thành anh chiến sĩ giải phóng. Cái mũ nan đã trở thành cái mũ tai bèo. Đó là cả một chặng đường liền khi lịch sử tư tưởng của nhân dân ta bước sang một chặng đường hoàn toàn mới, trước đó chưa hề có. Đó là sự thăng hoa kỳ diệu của cả dân tộc khi mục tiêu độc lập hòa quyện với hoài bão xã hội xã hội chủ nghĩa.

Nhân vật người chiến sĩ của thời đại Hồ Chí Minh trở thành nhân vật điển hình, nhân vật chói sáng không chỉ ở trong nước mà còn chói sáng trên phạm vi quốc tế. Nhân vật ấy đã trở thành nhân vật văn học của cả một thời kỳ lịch sử hiển hiện trong truyện ngắn, trong tiểu thuyết và đặc biệt là trong thơ. Cùng với ca khúc kháng chiến, thơ ca chống Mỹ, cứu nước là sản phẩm tinh thần quý giá của cả một thời kỳ lịch sử.

Những bao quát trên đây nói rằng, lịch sử xuất hiện tác phẩm văn học đỉnh cao cũng là lịch sử tư tưởng của mỗi một chặng đường, ở trong nước, cũng như ở ngoài nước. Cái làm nên cốt cách vững chắc của tác phẩm văn học là cốt cách tư tưởng. Nói tới tầm thời đại như ai đó đã nói, chủ yếu là tầm tư tưởng của thời đại ấy.

2. Việc xây dựng tác phẩm văn học đỉnh cao ở chặng đường vừa qua gặp không ít cản trở.

Đầu tiên, phải nói tới sự chống phá của các thế lực thù địch. Trong mưu toan thay đổi hành trình tư tưởng của xã hội Việt Nam, các thế lực thù địch bằng mọi cách lôi kéo tầng lớp trí thức trong đó có nhà văn, đặc biệt là giới trẻ, tạo sự phân tâm trong tư duy sáng tác, trong thưởng thức và đánh giá văn học. Cái vở diễn của họ vẫn là vở cũ: hướng tới mục tiêu dân chủ và nhân quyền. Nhưng cái cần phải nói thêm là cái dân chủ, nhân quyền ấy được đánh lạc hướng bằng cách tách cá thể ra khỏi cộng đồng, tách quyền lợi riêng mỗi người ra khỏi quyền lợi chung của đất nước, dân tộc.

Nền dân chủ và quyền làm người của nhân dân ta hiện nay phải đổi bằng xương máu để được sống trong độc lập, tự do mà các thế lực ngoại xâm đã cướp đi, phải bao thế hệ mới giành lại được. Họ đã tiến hành điều này bằng cách ca tụng người này, tâng bốc người kia. Họ lập ra các giải thưởng văn học, giải thưởng nhân quyền để trao cho người này, người khác. Có những cây bút vừa mới có một vài tác phẩm trên báo chí, đã được họ mời ra nước ngoài dự hội thảo này, hội thảo khác. Họ tung tin cây bút X, cây bút Y có thể ứng cử giải Nobel văn học… Câu chuyện ngỡ như trò đùa nhưng thực là những việc làm bài bản, được các thế lực thù địch dự tính công phu. Làm khúc xạ tiêu chuẩn văn học một thời là mục đích của chúng.--PageBreak--

Một cản trở khác trong việc phấn đấu để có tác phẩm văn học đỉnh cao hiện nay là sự đánh giá văn học thông qua các giải thưởng, kể cả giải thưởng văn học của các địa phương, giải thưởng thường niên của ngành và giải thưởng lớn là giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Cũng phải thông cảm phần nào với các hội đồng thẩm định. Rằng họ là những bạn đọc tiêu biểu của công chúng dài ngày nhưng bị lệ thuộc bằng nhiều mối quan hệ xã hội chi phối.

Cái đáng phàn nàn là các giải thưởng ấy chưa cổ vũ được, chưa định hướng mạnh mẽ cho tinh thần cộng đồng của toàn xã hội hôm nay. Lấy một ví dụ cụ thể, các nhà văn, nhà thơ mà tôi gọi là những người nằm nôi trong chế độ mới (sinh ra và lớn lên sau Cách mạng Tháng Tám) chỉ có một người được giải thưởng cao nhất là nhà thơ Lưu Quang Vũ mà tác phẩm được giải là tác phẩm kịch ở chặng đường đổi mới. Tất cả các nhà thơ, nhà văn thời chống Mỹ đều không có ai. Việc đánh giá như thế thông qua các giải thưởng liệu có công bằng không?

Việc lúng túng của các hội đồng thẩm định còn do một bất cập khác: công tác lý luận phê bình văn học chưa làm được vai trò dẫn đường. Lẽ ra, mấy khái niệm thế nào là lớn, thế nào là đỉnh cao, thế nào là đặc biệt xuất sắc phải được nghiên cứu công phu, làm định hướng chung cho giới sáng tác và công chúng yêu mến văn học. Công tác phê bình văn học vừa thiếu cập nhật vừa tùy tiện như chặng đường vừa qua cũng làm nhiễu thêm các kênh đánh giá.

Tuy nhiên, những cản trở đã nói là không đáng kể so với tiến trình văn học tất yếu đi tới của cả một cộng đồng.

3. Nói như lối nói của nhà phê bình văn học Trung Quốc cuối đời Minh, đầu đời Thanh, ông Thánh Thán, rằng tác phẩm văn học đỉnh cao không phải là họa công (người làm) mà là sản phẩm của hóa công (trời làm). Những tác phẩm ấy như định mệnh, muốn có mà không, nghĩ không mà có. Nhưng dù thế đi nữa, toàn xã hội không thể ngong ngóng ngồi chờ. Có bàn tay tổ chức đẩy vào cỗ xe văn học hẳn nó chạy nhanh hơn.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là làm thế nào đó để nhà văn hòa nhập làm một với dòng chảy chính của đời sống hôm nay. Nói là đứng ngoài cuộc thì hơi quá, nhưng quả thật, nhiều nhà văn hôm nay đang rất ngơ ngác trước các chuyển động ào ạt của toàn xã hội. Thật là ngược đời. Hồi chiến tranh, các nhà văn, nhà thơ, dù mặc áo lính hay không mặc áo lính đều bám rất sát đời sống chiến đấu. Họ đến với các trận địa pháo, các bến phà đầy bom đạn. Họ vác ba lô đến với các mặt trận. Nhà văn thời chống Mỹ quả đã xứng đáng là nhà văn - chiến sĩ.

Lạ lùng thay, trong điều kiện thời bình mà nhà văn lại rất thiếu thực tế. Cuộc đấu trí, đấu lực trong việc chiếm lĩnh thị trường thông tin đã và đang diễn ra thế nào? Đời sống của công nhân ở các xí nghiệp công nghiệp bán tự động hiện nay ra sao? Đời sống của người làm thuê ở các xí nghiệp liên doanh, ở các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay ra sao?... Các nhà báo thì trả lời được các câu hỏi ấy mà nhà văn thì không. Đời sống của anh bộ đội hôm nay, ở biên giới chẳng hạn, khác thế nào với anh bộ đội làm kinh tế.

Không chỉ các nhà văn sống ở các cơ quan trung ương và đô thị lớn mà ngay các nhà văn sống tại các địa phương đôi khi cũng rất lơ mơ về các chuyển động xung quanh mình. Không ở trong cuộc thì làm sao có cảm xúc. Sự vô cảm lặp lại nhiều lần thì gọi là lãnh cảm. Lấy ngay ví dụ về mùa lũ dữ dằn vừa rồi. Bao nhiêu nhà cửa bị cuốn trôi, bao nhiêu đồng ruộng bị ngập lụt, bao nhiêu người chết. Thế mà chỉ có các nhà báo mà không thấy nhà văn tham gia. Cứu người trong lũ cuốn cũng dũng cảm chẳng kém gì cứu người trong bom đạn. Lúc ấy các nhà văn đang ở đâu?

Cái lỗi đầu tiên không phải là từ nhà văn mà từ nhà tổ chức. Lẽ ra, bộ phận tuyên truyền của Ủy ban Phòng chống thiên tai lũ lụt phải ghi tên các nhà văn và đưa họ vào cuộc thì hẳn cơn lũ không chảy ngoài trang văn. Đấy chỉ là một ví dụ.

Các cơ quan chỉ huy kinh tế cũng chỉ nhớ đến truyền hình và các nhà báo, không mấy ai nhớ đến nhà văn. Các ông ấy là mây, là gió, là mơ mộng ấy mà. Xin khuyến nghị mấy điều hết sức cụ thể:

Một là, bằng cách nào đó tạo ra các quy định để nhà văn được hòa nhập vào công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước để họ thấy rõ hơn tầm vóc đất nước hôm nay. Nếu cần, luân phiên, có thể cử nhà văn làm chuyên viên ngắn hạn tại một số tòa đại sứ của ta ở nước ngoài.--PageBreak--

Hai là, tại Hà Nội, tổ chức giao ban cho các nhà văn, 6 tháng một lần để các nhà văn được nghe về các vấn đề quốc tế, các vấn đề nội chính và các nét nổi bật về các diễn biến kinh tế - xã hội - văn hóa và an ninh - quốc phòng của đất nước.

Ba là, lôi cuốn các nhà văn vào các sự kiện nóng bỏng (khởi công thủy điện, nhiệt điện, các công trình lớn của quốc gia…).

Bốn là, cài cắm nhà văn, nuôi họ tại các cơ sở sản xuất mà họ có thể quan tâm.

Những cách làm ấy bên cạnh các trại sáng tác, và "đi thực tế nguội" như những năm qua sẽ giúp nhà văn hòa nhập.

Điều cuối cùng mới là vấn đề đầu tư và tài trợ. Cách đầu tư như những năm qua còn mang tính dàn trải mà nhiều nhà văn gọi là "tiền dầu đèn" vì quá ít ỏi. Nếu viết mấy bài thơ ngắn thì cũng cần tài trợ, nhưng viết cả một trường ca mất hằng năm trời, viết một tiểu thuyết dày dăm trăm trang mà không có tài trợ là rất khó khăn. Vấn đề đặt hàng của Nhà nước đối với nhà văn đã được nêu ra, nhưng đến nay vẫn chưa có chương trình và kế hoạch cụ thể.

Chẳng hạn, về đề tài lịch sử, hiện nay qua kiểm kê kho sách, thấy thiếu gì? Có cần thêm các bộ tiểu thuyết về chống chiến tranh phá hoại? Nạn đói năm 1945 hàng triệu người chết mà chưa có tác phẩm văn học nào (một chút trong Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi) có nên đặt hàng để có? Có cần có tiểu thuyết về công nghiệp hóa ở nông thôn?... Vấn đề tài trợ bằng đặt hàng phải đi vào chương trình cụ thể, hàng nào, chất lượng ra sao, kiểm định chất lượng, giá cả. Đầu tư cho văn học - nghệ thuật là đầu tư cho khu vực nhạy cảm nhất của đời sống tinh thần con người và xã hội. Thế nhưng phải nói rằng, tiền đầu tư và tài trợ cho văn học - nghệ thuật hiện nay quá thấp.

Tuy nhiên, đồng tiền chỉ giúp thêm vào việc thúc đẩy tài năng chứ không làm nên tài năng. Đối với văn học, muốn có tác phẩm đỉnh cao, các nhà tổ chức phải giúp nhà văn nâng cao trách nhiệm, nâng cao vị thế của họ trước xã hội và trước cuộc sống mới là công việc hàng đầu.

4. Văn học nói riêng và văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung đang ở vào một thời kỳ vô cùng quan trọng: thời kỳ dân tộc Việt Nam tái khẳng định mình trong điều kiện hội nhập quốc tế rộng rãi mà trước đó chưa từng có. Việc tái khẳng định ấy là tái khẳng định một dân tộc quyết độc lập tự chủ, tái khẳng định con đường đi lên CNXH, tái khẳng định về một bản lĩnh lớn là quyết đi lên một xã hội công nghiệp phát triển. Việc tái khẳng định ấy chắc chắn sẽ được thể hiện rõ ở Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng sẽ vạch ra. Việc tái khẳng định ấy đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bối cảnh ấy chính là bối cảnh để những tác phẩm văn học đỉnh cao, vừa có tầm dân tộc vừa có tầm quốc tế ra đời.

Đông đảo quần chúng nhân dân đang chờ đợi và đang sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng tuyên dương các tác phẩm văn học lớn, tác phẩm đỉnh cao ra đời. Một ví dụ có tính thời sự: Hai tập nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc mới được công bố đã được đông đảo bạn đọc cả nước nồng nàn đón nhận. Mà đấy mới là tư liệu văn học chứ chưa hẳn là văn học. Công chúng không hề quay lưng với văn học. Vấn đề là ở chỗ nhà văn đem đến cho họ cái gì và thế nào mà thôi. Và về điều này thì tôi hoàn toàn tin rằng các nhà văn Việt Nam, đủ mọi thế hệ, vì cái đẹp, cái thiện, vì sự thăng hoa tinh thần của cả cộng đồng sẽ có các tác phẩm đỉnh cao, đáp ứng lòng mong đợi và tin cậy của công chúng

.
.