Vẻ đẹp của một triết lý sống

Thứ Ba, 02/10/2012, 08:00

Nhân đọc bài thơ "Con quay" của nhà thơ Tô Hà.

Kìa con quay
Xoay tít tắp
Không chóng mặt
Không mỏi chân  

Quay hung hăng
Vừa bổ trượt
Vết đinh sượt
Bên bạn nằm  

Trước người xem
Quay rối rít
Mặt lấm lem
Chân xoáy tít  

Coi dễ ghét
Cái con quay
Đứng phải xoay
Còn bổ bạn... 

Cũng như thả diều, thả quay là một trong những trò chơi khá phổ biến và hấp dẫn đối với trẻ em ta. Cánh diều ở trên cao và con quay dưới đất, cả hai đều thu hút sự chú ý của con mắt. Cánh diều biết ru và con quay biết ngủ. Cả hai đều phụ thuộc ít nhiều vào độ dài, độ bền của sợi dây, bên cạnh sự khéo léo của bàn tay các bé thơ. Ở đây, chúng ta hãy cùng xem nhà thơ Tô Hà viết về con quay với sự thán phục như thế nào:

Kìa con quay
Xoay tít tắp
Không chóng mặt
Không mỏi chân

Thật cứ như tác giả đang quay về thời trẻ thơ với niềm say mê rất... trẻ con của mình. Chẳng là ngày nhỏ, Tô Hà đã được giúp bố mẹ làm nghề tiện gỗ, trong đó có cả việc tiện nên những con quay (sau này, khi 15 tuổi, Tô Hà còn là người khắc con dấu đầu tiên của ủy ban quân chính thành phố Nam Định, con dấu tạm thời). Bởi thế, lòng yêu những con quay gỗ ấy còn xuất phát từ câu chuyện nghề của Tô Hà nữa. Nhưng, từ trò chơi thả quay êm đềm kia chuyển sang bổ quay lại là một điều Tô Hà cực kỳ căm ghét, phẫn nộ. Vả chăng, các bạn đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi có thấy không, đó cũng là một trò chơi nguy hiểm. Dây văng vào mặt, đinh bắn vào người, thảo nào mà các bậc cha mẹ thường rất hay nghiêm cấm con em mình chơi kiểu chơi thế này. Hồi nhỏ, Tô Hà từng chăm chút mong tiện sao cho con quay được đẹp, trơn, mịn, nay nhìn chúng bị băm bổ, hẳn không hài lòng đã đành, mà bản thân chuyện quay bổ nhau như vậy cũng không hay hớm gì cả. Một nhà thơ nào đó đã có lần phát biểu: Ông ghét nhất việc con người đạp lên lưng bạn bè mà tiến. ở đây, với những con quay cũng thế, sắn sàng đạp (bổ) lên "đầu" nhau. Chỉ khác là, hung hăng vậy cho người ta xem, một kẻ lăn quay, một kẻ quay lâu hơn một chút (so với kẻ bị bổ chứ không phải so với chính nó khi không bổ nhau như thế). Lúc ấy, trông những con quay thật đáng ghét:

Trước người xem
Quay rối rít
Mặt lấm lem
Chân xoáy tít

Cả mặt và chân nó người ta đều nhìn thấy cả. Đã bổ bạn thì làm gì mà mặt không lấm, dù có cố quay thật nhanh cũng chẳng giấu nổi đâu.

Đúng như tên gọi của họ nhà quay, chúng sinh ra là để quay, và chính vì nhờ quay, nhờ xoay như thế chúng mới tìm ra được chỗ đứng trong cuộc sống. Đã thế, chúng không biết thân biết phận lại còn tìm cách bổ nhau. Bằng cái kết bài, nhà thơ Tô Hà đã dạy cho chúng một bài học. Cách đặt vấn đề của tác giả không chỉ dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi thôi đâu

Mạnh Hiền
.
.