Về đây, củi lửa ngày xưa...

Thứ Ba, 29/03/2011, 10:15
Nhân đọc bài thơ "Củi lửa" của Dương Kiều Minh.

Đời con thưa dần mùi khói
Mẹ già nua như những buổi chiều 

Lăng lắc tuổi xuân
Lăng lắc niềm thôn dã
Bếp lửa ngày đông… 

Mơ được về bên mẹ
Ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa
Bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối 

Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi
Mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ
Con về yêu mái rạ cuộc đời 

Một sớm vắng
ùa lên khói bếp
Về đây củi lửa ngày xưa… 

Quá lứa trẻ trung một chút, cái tuổi ấy - thường người ta vẫn gọi bằng những chữ bóng bẩy là "tuổi về chiều". Từ "tuổi về chiều" cho đến cách nói "già như chiều", khoảng cách hẳn cũng gần. Sự thật, tôi đã đọc, đã nghe không ít những lối ví von như thế này. Nhưng, bằng vào đó mà dựng lên được cái tương quan giữa mẹ và con (như buổi chiều - mùi khói) là một sáng tạo đặc biệt của Dương Kiều Minh. Nghĩ cho cùng, trong đời sống tình cảm của thôn dân, cũng khó tìm được một biểu tượng nào trọn vẹn, xúc động và dễ tiếp nhận hơn. Dễ hiểu là bởi, với một dân tộc mà hàng ngàn năm - nói như Chế Lan Viên - "đói nghèo trong rơm rạ", thật gần gũi, ấm áp xiết bao ánh lửa bữa cơm chiều.

Chỉ với hai câu đầu, tác giả đã tỏ ra hết sức kiệm lời. Khổ sau, anh lại càng phát huy được năng lực đó. Chữ nghĩa được xén tỉa kỹ, bóng cây hồi tưởng "co ro", "lửa" vì thế mới chờn vờn, thêm gợi niềm xa vắng nhớ nhung:

Lăng lắc tuổi xuân
Lăng lắc niềm thôn dã
Bếp lửa ngày đông…               
Và "mơ" cũng trở nên thanh nhẹ:
Mơ được về bên mẹ

Càng "nhẹ" khi hai chữ xưa (ao xưa, ngày xưa) rung rinh trong bước chân người trở về, thận trọng, khẽ khàng (vì là về trong mơ tưởng): Ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa… (có lẽ cắt hai câu xa nhau như vậy là hơi… ẩu. Tôi xin ghép lại để bạn đọc thấm được cái thanh nhẹ trong âm điệu câu thơ. Xin các bạn đọc lại, vâng, đọc lại - thật chậm: Mơ được về bên mẹ/Ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa)… Thật ra, thế giới của kỉ niệm, hồi ức là thế giới làm bằng thủy tinh. Mạnh bạo cũng dễ vỡ mà thận trọng, kìm nén lại cũng "ngầm" dễ vỡ (vì kìm nén mãi thì đến một lúc nào đó sẽ bùng lên, biến thành cao trào cảm xúc). Mà "vỡ" thật chứ còn gì nữa:

Bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối
Đúng là cảm xúc mạnh dẫn đến sự phát sáng của ngôn từ.

Đến đây, có thể nhận thấy đặc điểm nghệ thuật cơ bản của Dương Kiều Minh trong bài thơ này là: bên cái hơi thơ tự nhiên (gần như không có sự bắt vần) tác giả đã "gài" được những chữ tác động mạnh vào giác quan người đọc. Những chữ giàn giụa (câu thơ đã dẫn) và những chữ loang lổ, xộc, ùa trong các câu thơ sau:

- Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi

- Mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ

- ùa lên khói bếp

Chữ nghĩa tả cảnh, chỉ sự tác động của ngoại vật mà vẫn gắn với nội tâm con người - phải nói, đây cũng là mặt mạnh của năng khiếu thơ Dương Kiều Minh. Và, có lẽ cũng cần nói thêm: bài thơ tuy được viết theo thể tự do nhưng chữ nghĩa kĩ càng và cấu trúc khá cân bằng. Ba khổ giữa có số câu đều nhau. Các khổ đầu và cuối cũng vậy (khổ cuối, tuy được cắt làm ba dòng, nhưng thực chất chỉ có hai câu). Bài thơ xem như không có sự bắt vần, duy chỉ một lần. ấy là trường hợp ở các câu: "Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi" (câu 9) và "Con về yêu mái rạ cuộc đời" (câu 11). Theo tôi, sự bắt vần của tác giả ở đây thật đắc địa. Có vần, âm hưởng khổ thơ trùng xuống, thâm trầm (hợp với tâm thế của người đang ngả mình trong bóng rợp của cuộc đời, hay là của chính hồn mình?). Tuy nhiên, nói không vần không có nghĩa là tác giả không chú trọng tới nhạc tính của bài thơ. Lấy ví dụ như ở ba khổ giữa: câu đầu và câu cuối (của mỗi khổ) đều cùng một thanh (hoặc bằng, hoặc trắc). Chưa kể, khổ đầu và cuối bài thơ: có những cặp câu ngắt nhịp giống nhau. Chẳng hạn (ngắt theo nhịp 3-4):

- Mẹ già nua như những buổi chiều

- Một sớm vắng - ùa lên khói bếp

 (câu này xin xếp liền để bạn đọc dễ theo dõi), và ngắt theo nhịp 2-2-2:

- Đời con thưa dần mùi khói

- Về đây củi lửa ngày xưa

Như vậy là, với sự nhất quán của tình cảm, sự trở lại của hình tượng (khói - câu đầu, và lửa - câu cuối), với sự tiến triển từ nhận thức tới hành động (mơ, về đây… chung qui vẫn là từ khói tới lửa, dễ hiểu: đây là lửa từ củi), cùng với sự tương ứng trong cách ngắt nhịp, sự cân bằng trong cấu trúc, Dương Kiều Minh thực sự đã tạo cho bài thơ một vòng tuần hoàn khép kín. Bởi thế - dòng mạch cảm xúc luôn được lưu giữ mới có khả năng khơi động và trở đi trở lại trong tâm trí người đọc, gây một nỗi ám ảnh và dẫn đến sự xúc động…

.
.