Những tài năng múa

Về đâu sau vinh quang?

Chủ Nhật, 20/12/2015, 08:00
Cuộc thi "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance" mùa thứ tư đã đi đến vòng chung kết xếp hạng. Một trong bốn cái tên: Trâm Anh, Hải Anh, Hữu Phước, Hà Lộc sẽ được vinh danh "Quán quân được yêu thích nhất" vào đêm 19/12 tới đây. Tôi vẫn luôn tự hỏi, quán quân của chương trình rồi sẽ ra sao sau khi đăng quang. Tài năng, đam mê là điều kiện cần nhưng chưa đủ để họ tỏa sáng khi rời cuộc thi.  

Gian nan "hành trình tỏa sáng"

Sau bốn mùa lên sóng, "Thử thách cùng bước nhảy" (TTCBN) đã rất thành công trong việc quảng bá, đưa nghệ thuật nhảy múa đến gần hơn với công chúng. Chưa có con số thống kê hay một kết quả điều tra xã hội học nào được công bố nhưng tôi tin rằng, số người biết đến và yêu mến môn nghệ thuật múa có sự gia tăng đáng kể nhờ hiệu ứng của chương trình. Trước đây, khi nói đến nghệ thuật múa, sẽ xuất hiện hai "trường phái" tiếp cận.

Một số người theo quan điểm "hàn lâm hóa" nghệ thuật múa thì cho rằng, múa giống như một tòa lâu đài khép kín mà "người bình thường" không thể xem và hiểu được nó. Một số khác theo quan điểm "bình dân hóa" múa thì đồng nghĩa nghệ thuật múa với múa minh họa hay những màn nhảy sôi động trên sân khấu. Giờ đây, nhờ sự lao động nghệ thuật say mê, nghiêm túc và bền bỉ của các thí sinh trong chương trình TTCBN, chắc chắn, quan điểm về nghệ thuật múa của một số người đã có sự thay đổi.

Những tài năng múa này có thể tỏa sáng sau khi cuộc thi kết thúc? Trong ảnh: Top 4 thí sinh TTCBN - 2015. Từ trái sang, Hà Lộc, Trâm Anh, Hữu Phước, Hà Lộc.

Một thành công nữa rất đáng ghi nhận của TTCBN là đã tìm kiếm được dàn diễn viên ngôi sao tài năng và tâm huyết. Những cái tên như Lâm Vinh Hải, Quang Đăng, Tố Như, Huỳnh Mến, Ngọc Thịnh, Sơn Lâm, Phạm Lịch, Đình Lộc, Ngọc Anh, Phan Hiển, Thái Sơn… thực sự tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng yêu nghệ thuật múa khi đứng trên sân khấu TTCBN.

Tuy nhiên, như một nghịch lý, sau khi rời khỏi cuộc thi, các thí sinh của chương trình xuất hiện rất hạn chế trên các phương tiện truyền thông và không có những cống hiến nghệ thuật "xứng tầm" với tài năng của mình. Giành được ngôi vị cao nhất trong cuộc thi nhưng hoạt động liên quan đến múa của Ngọc Thịnh hay Sơn Lâm không mấy ấn tượng. Sơn Lâm thì bận rộn với những hoạt động "bên lề" nghệ thuật múa như quảng cáo, phỏng vấn, talk show, chụp ảnh…

Thông tin về quán quân mùa hai Ngọc Thịnh thì thực sự rất "hiếm". Ngọc Thịnh vẫn biểu diễn nghệ thuật trong môi trường underground, tham gia thi đấu ở một số giải về nhảy múa nhưng với công chúng thì cái tên Ngọc Thịnh ngày càng lu mờ.

Theo quan sát của tôi, Lâm Vinh Hải, quán quân TTCBN và Quang Đăng, top 4 chương trình TTCBN mùa đầu tiên có lẽ là hai thí sinh có "tần suất" phủ sóng truyền thông dày đặc nhất. Lâm Vinh Hải đã nỗ lực giới thiệu những tác phẩm múa độc lập bằng hình  thức video clip, thông qua đó truyền tải thông điệp nghệ thuật ý nghĩa, tạo được hiệu ứng rộng rãi trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, do phát hành trên mạng nên "sức sống" của những video không kéo dài do phải "nhường chỗ" cho video mới xuất hiện liên tục. Bên cạnh đó, Lâm Vinh Hải vẫn xuất hiện trong các màn múa minh họa cho ca sĩ, đôi lần xuất hiện với tư cách "vũ công ngôi sao" trên sân khấu TTCBN và ngồi "ghế nóng" của cuộc thi "Bước nhảy hoàn vũ nhí".

Ngoài biểu diễn, Quang Đăng còn tham gia biên đạo cho nhiều chương trình có nhảy múa trên truyền hình. Một số tác phẩm múa do Quang Đăng biên đạo đã ít nhiều chiếm được cảm tình của khán giả. Tuy nhiên, số lượng thí sinh bước ra từ cuộc thi TTCBN có những hoạt động liên quan đến múa "ra tấm, ra món" như Quang Đăng không nhiều. Theo đuổi trào lưu nghệ sĩ đa năng, Quang Đăng còn xuất hiện với tư cách là người mẫu ảnh và "lấn sân" sang lĩnh vực điện ảnh bằng một vai diễn trong phim "Trùm cỏ" mới ra rạp thời gian gần đây.

Không chỉ có những "vũ công ngôi sao" của TTCBN, nhiều diễn viên múa tài năng, từng đạt giải thưởng tại các cuộc thi múa danh giá trong nước và quốc tế cũng khó tỏa sáng sau cuộc thi. Với diễn viên múa, để công chúng biết đến tên tuổi của mình đã khó nhưng ngay cả khi tài năng được khẳng định cũng khó để xây dựng, duy trì "thương hiệu" cho chính mình. Việt Nam không thiếu vũ công tài năng nhưng lại rất thiếu những tài năng đỉnh cao.

Hiếm có diễn viên múa nào ở Việt Nam tự tổ chức show diễn riêng. Vấn đề không nằm ở tài năng chưa đủ chín mà do khó khăn về tài chính trong khi khán giả lại không mấy mặn mà. Thử hỏi, nếu không có sự "hậu thuẫn" mạnh mẽ từ phía gia đình, "thiên nga múa" Linh Nga có thể tổ chức được những show diễn cho riêng mình? Ngoài Linh Nga, còn nhiều tài năng nhảy múa khác đang sống bằng đam mê cháy bỏng với nghệ thuật nhưng không bao giờ dám mơ đến những đến những buổi biểu diễn thuần túy nghệ thuật.  

Cần một cơ chế khuyến khích tài năng múa

Vì sao các tài năng múa không thể tỏa sáng sau cuộc thi?. Có lẽ, tài năng, đam mê, sự lao động bền bỉ, nghiêm túc chưa đủ để nghệ sỹ múa tỏa sáng. Đánh giá một cách khách quan thì múa chưa phải là lựa chọn số một trong thực đơn giải trí của khán giả Việt. Đây là rào cản rất lớn trong "hành trình tỏa sáng" của các vũ công. Hiện nay, các vũ công dù có tài năng đến mấy cũng chủ yếu làm công việc biên đạo, minh họa cho các ca sĩ. Tài năng không thể tỏa sáng nếu không có "đất dụng võ", không được khai thác trong một "guồng quay" hoạt động chuyên nghiệp.

Để những tài năng múa tỏa sáng sau cuộc thi cần có một cơ chế khuyến khích tài năng múa. Trong ảnh: Vũ công Đình Lộc và Xuân Thảo trong một tiết mục biểu diễn trên sân khấu TTCBN 2015.

Với nghề múa, hoạt động riêng lẻ rất khó khăn do những tác phẩm múa thường đòi hỏi sự tham gia của nhiều diễn viên. Chính vì vậy, catse của diễn viên múa thường phải "chia năm, xẻ bảy" nên thấp hơn nhiều so với catse của một ca sĩ, cho dù lao động nghệ thuật múa nặng nhọc và vất vả hơn. Thu nhập thấp buộc các diễn viên múa phải chạy xô theo kiểu "chân trong, chân ngoài", "lấy ngắn nuôi dài" nên khó có thể chuyên tâm vào việc đầu tư cho ra đời những tác phẩm múa chất lượng. Vấn đề trăn trở của rất nhiều nhà quản lý trong ngành múa là làm sao để diễn viên múa có thể "sống được bằng nghề".

Thực tế cho thấy, múa là một nghề "khổ hạnh" và để có được những "trái ngọt" trong nghề nghiệp, diễn viên múa phải trải qua quá trình luyện tập vất vả, "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trên sàn tập từ khi mới 12, 13 tuổi. Học hành vất vả, lương thấp, tuổi nghề ngắn khiến không ít diễn viên múa được đào tạo bài bản đã phải "rẽ ngang" dù tình yêu, đam mê dành cho múa vẫn còn nguyên vẹn. Đây là sự lãng phí tài năng rất lớn.

Một trong những "thước đo" sự phát trển của một nền nghệ thuật chính là thông qua việc phát hiện, đào tạo tài năng. Những sân chơi chuyên nghiệp như liên hoan, hội diễn, thi tác phẩm múa... chính là nơi phát hiện tài năng múa, đồng thời qua đó tôn vinh giá trị nghệ thuật. Ngoài việc phát hiện tài năng, cần phải tạo cơ chế, điều kiện để tài năng phát triển.

Hội nghệ sỹ múa Việt Nam vẫn duy trì chương trình "Hoa muôn sắc", tôn vinh những tài năng múa. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí tổ chức nên chương trình thường được tổ chức đơn giản, không quảng bá được nghệ thuật múa và cũng không tạo được hiệu ứng xã hội rộng rãi. Bên cạnh đó, cần có những chính sách đặc thù với tài năng múa như ưu đãi về việc làm, cơ hội làm việc với các chuyên gia giỏi, được tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ ở nước ngoài…

Một vấn đề nữa cũng cần phải bàn đến là làm sao để nâng cao vị thế của nghệ thuật múa, nâng cao nhận thức của công chúng về múa. Nghệ thuật múa phải được nhận thức đầy đủ là một loại hình nghệ thuật độc lập, nó không phải là múa minh họa hay là "cái bóng" của âm nhạc. Đào tạo khán giả phải bắt đầu từ việc đánh thức, khơi dậy niềm đam mê của họ với nghệ thuật múa. Tình yêu và đam mê chỉ có được khi khán giả nhận thức đúng, hiểu đúng về nghệ thuật múa. Sự đồng thuận, ủng hộ của khán giả là tiền đề rất quan trọng để tài năng múa cũng như nền nghệ thuật múa phát triển.

Phạm Thiên Giang
.
.