Văn học và quá trình hòa nhập

Thứ Ba, 25/04/2006, 08:00

Nếu tính từ Đại hội Đảng lần thứ VI (Đại hội của Đổi mới) tới Đại hội Đảng lần thứ X, đã ngót hai mươi năm trôi qua. Hai mươi năm chưa hẳn là dài với một đời người, nhưng đó là những năm tháng gắn với biết bao chuyển đổi lớn lao trong đời sống xã hội cũng như trong tiến trình văn học.

Có thể nói, phải kể từ Đại hội này, hai nửa - phần công dân và phần riêng tư - của người nghệ sĩ mới được “tái hòa nhập” và năng lực sáng tạo của họ mới được hoàn toàn giải phóng...

Đôi nét về bối cảnh văn học hiện thời

Vậy là đã hai thập niên trôi qua kể từ khi văn học ta bước theo trào lưu Đổi mới. Còn nhớ ngày nào, trên trục đường một chiều chật hẹp, mọi người dồn nhau về phía ngã ba, ngã tư, đông và hỗn độn đến mức các nhà lý luận phê bình của ta cứ “đèn xanh, đèn đỏ” liên tục. Giờ đây, tất cả dường như đã dần đi vào ổn định, mỗi người một ngả, một việc. Bên cạnh việc duy trì những con đường “một chiều” ở những di tích lịch sử được xếp hạng, chúng ta còn có những con đường dành riêng cho người đi bộ, lại có con đường cao tốc đủ cho mọi nhà sáng tạo có thể đến đấy trổ tài, thử máy.

Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là mọi tai nạn, mọi sự va đụng giữa các khuynh hướng sáng tạo không xảy ra. Đặc biệt ở những điểm “giao nhau”. Tuy nhiên, giờ đây độc giả cũng không còn “cục bộ” như trước, mà phân tán dần thành nhiều đoàn, nhiều nhóm. Các Hội đồng giải thưởng Văn học cũng “khéo” hơn trong việc dung hòa được các phong cách khác nhau. Điều này chứng tỏ nền văn học của chúng ta đang mở ra, phong phú, có nhiều yếu tố mới lạ, buộc các nhà phê bình không thể không nhìn nhận một cách bình tĩnh, thận trọng.

Nhân đây tôi lại nhớ, có một nhà phê bình văn học của ta than phiền: Thời Xuân Diệu xuất bản tập “Thơ thơ”, ông đã bị một nửa dư luận phản đối vì “đem vào thơ nhiều yếu tố quá mới” (thậm chí còn bị coi là Tây nữa). Vậy mà sau này, Xuân Diệu đã quên đi điều ấy mà đâm khó tính, nhiều lúc “chằn chặt” với anh em viết trẻ, kể cả việc phủi bỏ những yếu tố có tính cách tân của họ.

Quả là ở Xuân Diệu có hiện tượng này. Song ta cũng phải thấy một điều, sự cách tân của Xuân Diệu, cũng như nhiều nhà thơ khác thời Thơ Mới (kể cả Bích Khê nữa) cũng chỉ chừng 30% đến 40%, cùng lắm là 50%, chứ chưa bao giờ xoay ngược tận gốc như ở một số tác giả hiện nay. Thực tế là chưa bao giờ thơ lại bị thay hình đổi dạng, thậm chí là thay đổi cả chức năng và phương thức tồn tại như bây giờ. Bản chất của thơ là thế nào, đó là điều mà dần dà trong các cuộc hội thảo chúng ta phải lần ra được, không phải bằng lý thuyết sách vở mà bằng thể nghiệm của chính bản thân mỗi người, thông qua sự “tiếp nhận” của họ. Và như vậy là ta lại phải định nghĩa lại, thực chất thơ là gì và vai trò của nó trong đời sống đương đại này thế nào? Nó khác với một số loại hình khác ở đâu?...

Những thuận lợi cho việc hình thành và phát triển tài năng

Nhà lý luận phê bình văn học Trần Đình Sử từng phát biểu rằng: Để tìm hiểu một tác giả ta nên tìm hiểu cái “trí quyển” của tác giả đó (ví như phải tìm hiểu những yếu tố cấu thành nên học vấn của họ, đặc biệt tham khảo những sách họ đã đọc, cái ngưỡng văn hóa chung thời họ sống). Tôi hiểu ý anh muốn nói: Mấy ai vượt ra ngoài cái ngưỡng chung của thời đại mình, trừ số rất ít những thiên tài? Có một sự thật là, trông vào thành tựu văn học thời kỳ 1930-1945, ta thấy đa phần các tác giả còn rất trẻ, nhiều khi chưa đầy hai mươi tuổi. Họ chững chạc, già dặn khác thường so với cỡ học sinh tốt nghiệp THPT thời kỳ bao cấp trước đây. Sách họ đọc, sách của các triết gia cổ đại Trung Quốc hay sách của các triết gia hiện đại phương Tây - ngay đến các nghiên cứu sinh của ta thời kỳ này không phải ai cũng “rờ” tới được. Nói vậy để thấy, chính việc tiếp cận được sớm với những tinh hoa nhân loại và thời thế buộc con người ta phải sớm có ý thức tự lập đã giúp nhiều người trong số họ tìm được con đường đi thẳng tới thành công. Việc các nhà văn ta giai đoạn trước Đổi mới, phải đến khi “cứng” tuổi mới nhận chân được đâu là văn chương đích thực, mới biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, và mặc dù đã ngoài bốn mươi, vẫn được coi là “nhà văn trẻ” thì phải thấy rằng đó là sự khác biệt và là “thua thiệt” của họ so với lớp nhà văn thời tiền chiến.

Thế nhưng, khoảng hai thập niên trở lại đây, lượng sách in ra đã dồi dào, phong phú hơn trước rất nhiều, trong đó có những cuốn, nếu cứ tình hình như trước khó có cơ được tái bản. Đây là một dịp hết sức thuận lợi góp phần nâng cao sự hiểu biết của các cây bút trẻ và giúp họ tự định hướng được bước đường riêng cho mình. Như các thời kỳ trước đây, những tài năng lớn có thể được hình thành và phát lộ ở những tác giả còn rất trẻ, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin vào đội ngũ những người viết trẻ hôm nay và thực tế đang ngày càng chứng minh niềm trông đợi nói trên

Hà Khải Hưng
.
.