Vẫn còn là “món nợ” lịch sử

Thứ Hai, 31/10/2005, 08:45

Ít nhất thì “Sông Côn mùa lũ” - bộ tiểu thuyết về vua Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng làm cho người ta mơ đến sông Côn - cũng là dòng sông quê hương của tác giả Nguyễn Mộng Giác.

Với 2.000 trang sách, ông đã tái dựng, ngoại suy và hư cấu cả một loạt chuyện đời và cảnh huống từ gốc gác ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, qua đó gắn sự nghiệp Tây Sơn chủ yếu vào những chuyện  “nhân tình thế thái” và một mối mâu thuẫn giữa những nhà nho đeo đẳng lòng trung với ngai vàng chính thống nhà Lê đối đầu với một triều đại mới đang khởi dựng, có vẻ giống về mặt tình huống như Lê Thái Tổ ngày nào.

Chủ đề chính này còn được bổ nghĩa bằng những bi kịch gia đình, thân phận phụ nữ, bi kịch của bọn cơ hội hoạt đầu và những kẻ “bâng khuâng” trước dòng đời v.v... thấp thoáng một mối băn khoăn mà có lẽ chính tác giả cũng không tự giải gỡ: Liệu Tây Sơn có phải là “Ngụy triều” không nhỉ (?!). Cái kết lửng của tiểu thuyết sau cái chết được mô tả rất mơ hồ của vua Quang Trung dường như một lần nữa, vào điểm cuối của sự nghiệp Tây Sơn, nhắc lại hàm ý mơ hồ ấy.

Xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm, tác giả không đi sâu vào những điều ai cũng biết khi nhắc tới Nguyễn Huệ: võ công lừng lẫy của ông; và điều ít được biết đến hơn: những tư tưởng cải cách của ông về quản lý Nhà nước, kinh tế và văn hoá mà ông đã ráo riết thực thi trong 5 năm trị vì ngắn ngủi. Điều được nhấn mạnh ở cuốn tiểu thuyết này lại là mối tình bất thành của nhân vật Nguyễn Huệ với nhân vật cô An, con của nhân vật ông giáo Hiến.

Chuyện tình bí ẩn này khiến ta nhớ đến những giai thoại diễm tình gắn vào Napôlêông Bônapác, người cùng thời với Nguyễn Huệ. Những bức thư và các mối tình diễm lệ của Napôlêông nhiều lắm cũng chỉ là chủ đề cho chuyện tò mò tọc mạch thế tất phải có quanh các vĩ nhân, chẳng ai khẳng định rằng những chuyện huê tình ấy lại có thể can dự vào, chẳng hạn, cuộc bao vây pháo đài Măngtu. Ta cũng có thể chắc rằng chẳng có mối tình nào can dự vào tài thao lược của Nguyễn Huệ hay vào ý thức của ông về sức mạnh và sứ mạng lịch sử của mình.

Những cuộc chuyện trò giữa nhân vật Nguyễn Huệ và nhân vật giáo Hiến trong tiểu thuyết, đẩy giáo Hiến lên vai trò ngọn hải đăng trí thức, được tác giả trình bày như một thứ nghi thức khai tâm cho vị anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ - tiếc là còn rất mơ hồ và chung chung về ngôn từ cũng  như nội dung lý thuyết, đã không giải thích được tầm vóc trí tuệ và kiến thức mà một nhân vật lịch sử lớn như Nguyễn Huệ ắt phải có.

Hình tượng Nguyễn Huệ là một mối mơ hồ ở cuốn sách này, đặc biệt là trong các đoạn kể về các cuộc chiến tranh do ông chỉ đạo và trực tiếp xung trận. ở đây, chẳng hạn, khi tác giả mô tả cuộc họp ban tham mưu của vua Quang Trung trước chiến dịch đại phá quân Thanh, ta thấy một tình thế toàn cục chiến tranh bày ra giản đơn trơn tru đến mức khó tin trước một hành động quân sự lớn đầy mạo hiểm như vậy.

Ta có một so sánh mới mẻ và gần gũi hơn trong tiểu thuyết lịch sử “Vạn xuân” của bà Yveline Feray (NXB Văn học & Sudestasie Hà Nội, 1997) viết về Nguyễn Trãi và Lê Lợi. Những trang miêu tả chiến tranh và chiến trận ở “Vạn xuân” có một vẻ xác thực gây sốc, buộc ta phải nghĩ: có lẽ thực tế đã diễn ra như vậy chăng?

Rất có thể ở “Sông Côn mùa lũ” tác giả muốn tìm kiếm, giải gỡ những khía cạnh khác mà có lẽ tác giả coi là những bí ẩn của sự kiện Tây Sơn: Giới trí thức, bấy giờ là các nhà nho, dù “xuất” hay “xử”, đã đóng vai trò gì trong sự nghiệp “nhất thống sơn hà” của vua Quang Trung? Đằng sau vấn đề đó còn thấp thoáng một vài lý giải về tính cách dân tộc và cái thực tại nỗi đau đất nước chia cắt, từ một trong những cội rễ của nó là cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh, mà cho đến thời điểm tác giả viết cuốn sách này (cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước) dư ba vẫn còn sâu đậm.

 Đáng tiếc là ý đồ ấy chưa thành, trước hết bởi tại sự mơ hồ đáng tiếc trong hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ, mặc dù tác giả đã sử dụng đến cả thủ pháp của tiểu thuyết - tư liệu, đưa vào truyện nhiều đoạn trích nguyên văn từ các pho chính sử cổ kim. Quả thực, nếu lịch sử  mà mơ hồ như thế, thì cho đến chúng ta, “cái dấu vết” cũng chẳng còn, nói gì đến “Tiên vương” là người “làm ra dấu vết”.

Tuy nhiên, những ước vọng và nỗ lực lớn lao của tác giả là đáng khâm phục qua 2.000 trang sách. Ước vọng và nỗ lực ấy ít nhất cũng cho ta cơ hội suy ngẫm đến món nợ lớn của nhiều thế hệ đối với lịch sử và văn chương nước nhà. Mặt khác, nó còn cho thấy, giá như những ý đồ tiểu thuyết lịch sử ấy tận dụng khai thác được sự giúp sức tối đa của những thành tựu khoa học về lịch sử và khảo cổ hiện đại cùng tất cả những nghiên cứu có liên quan khác thì may mắn chúng ta sẽ có được một tác phẩm lịch sử xứng đáng với ý nghĩa ấy

Nguyễn Chí Hoan
.
.