Vài giờ hát karaoke và một cuốn tiểu thuyết

Chủ Nhật, 29/05/2016, 11:59
Xin đừng quá băn khoăn với đầu đề này, và tất nhiên, cũng xin đừng vội bực bội với đầu đề này.

Tối thượng như tôn giáo, trong sạch và mạnh mẽ như lí tưởng, mà cũng đã có lúc bị lạm dụng mà làm khó cho thế gian nữa kia. Karaoke có bị lợi dụng, làm méo mó xấu xí đi thì cũng nên sửa, và ta đã sửa được đấy thôi. Đặt karaoke cạnh tiểu thuyết là có lí do của nó.

Số là thế này:

1. Ít thấy ai hát karaoke một mình. Nó là một kiểu/ dạng của ca hát, văn nghệ, trình diễn rất có tính tập thể. Rồi từ đó sự gắn kết cộng đồng được xác lập, củng cố, mà từ đấy công việc đã có kết quả tốt hơn. Tôi biết có người được điều động về làm giám đốc một doanh nghiệp, các tuần - tháng đầu chả mấy ai hiểu anh, anh cũng không biết, không hiểu gì nhiều về tính tình, trình độ anh em trong cơ quan mới. Anh đưa tiền cho Chủ tịch Công đoàn để rủ mọi người đi hát karaoke. "Thiệt không?", có người ngạc nhiên, có người ngờ vực "động cơ" giám đốc. Nhưng rồi cũng ồn ã kéo nhau đi. Sau vài lần đi hát như thế, mọi người vui vẻ với nhau hơn. Chả phải nhắc nhiều về nền nếp nữa.

Tác dụng tốt của karaoke thì có nhiều, nhất là ở quê hương Kobe (Nhật Bản) của nó, và ở nhiều nơi khác trên thế giới nữa...

2. Thực ra, cũng đã có ở Việt Nam ta từ xa xưa: Vào ngày nông nhàn, ở các làng quê vẫn hay hò hát tập thể; khi có chút thăng tiến, thành đạt, các nhà hào phú và một ít chức sắc phố huyện vẫn mời rủ nhau đi nghe dăm trổ, dăm khắc ca nhi đàn hát, coi như một bữa đãi bạn, chia vui, cao hứng, người đi nghe cũng hát đế theo hoặc cầm phách điểm nhịp...

Kiểu hát hò tập thể này quả nhiên, không chỉ là giao lưu, mà nhiều lần, cũng làm người ta xả bớt nỗi buồn bực mà vui sống lại.

3. Thế thì nó - cái lối hát, cái sinh hoạt karaoke này "đụng chạm" gì đến tiểu thuyết? Nó cung cấp thêm cho người viết loại văn xuôi "rất văn xuôi" nhiều hơn một ít chuyện đời ư? Quả có thế. Nó gợi cho các tác giả những bộ tranh đồ sộ hoành tráng về hiện thực xã hội bằng chữ một nguồn cảm hứng à? Cũng có đấy.

Nhưng hôm nay ta thử "nhìn" karaoke và tiểu thuyết (như ở nước ta), từ góc nhìn chi tiêu.

Khi đã là sản phẩm được vật thể hoá, một cuốn tiểu thuyết được tác giả thai nghén không rõ là bao nhiêu năm, viết - sửa chắc phải cả vài chục tháng, in ra độ 500 trang, thường có giá bán là khoảng 100.000đ. Ông/bà tác giả cuốn tiểu thuyết ấy có máu ca hát, có tình bạn thắm thiết, cũng chỉ dám nghĩ tới việc rủ nhau đi ăn bát bún hay tô phở, kèm theo chén rượu quê, chứ ít "dám liều" rủ nhau đi hát karaoke. Vì sao? Vì một giờ hát ở quán ấy, chừng 100.000đ, một chai bia /lon bia ở đấy 15.000đ, một đĩa trái cây ở đấy chừng 50.000đ... Không ai rủ bạn đến nhà hàng này chỉ 60 phút, với 2 chai/lon bia cho một người, với một đĩa trái cây cho cả mấy anh em...

Karaoke bị bỏ rơi rồi! Phí cả một thành tựu không?

Còn tiểu thuyết?

Tiểu thuyết là sự chưng cất, khái quát, và tổng hợp bao nhiêu chuyện đời với bao nhiêu số phận... các nhà nghiên cứu đã nói thế. Tôi có dịp trò chuyện với mấy thanh niên ở quê ra phố làm thợ xây.

- Thỉnh thoảng mưa, không đi làm được thì cháu làm gì?

Người thì bảo nằm ngủ, người kể là đi tìm bạn, có anh nói: Cháu tìm sách báo...

Thì tôi mang báo và mấy tập thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết đến.

Chừng một tháng sau gặp lại, thanh niên tìm sách bảo kể: Cháu bận quá, chỉ đọc nhếu nháo. Nhưng thằng bạn cháu ở quê nó đọc gần hết rồi! "Nó làm gì?". "Nó đi tù về". "Nó bảo sao?". "Nó bảo: Nếu mấy năm trước nó đọc cuốn sách bác đưa, chắc nó không đi tù...".

Tôi có dịp đến một trại giam ở Tây Nghệ An, trong các phòng ở của phạm nhân thấy có sách báo (đã cũ), hỏi thì được biết: Phạm nhân nào hay đọc thì như được bừng thức (chữ của một quản giáo). Chúng tôi khuyến khích họ đọc, nhưng tiếc là nguồn sách báo ít quá!

Tiểu thuyết (văn chương) ở ta có bị quên không?

Đứng cạnh karaoke, tiểu thuyết và thơ, truyện, báo chí đang bị/ được đối xử như thế mà được ư? Chúng ta tiêu tiền kiểu gì vậy?

18-5-2016

.
.