Từ thơ đến tranh - lại chuyện bản quyền

Thứ Bảy, 23/07/2016, 09:57
Khi tôi viết những dòng chữ này, Thành Chương lại lên máy bay, lộn về Thành phố Hồ Chí Minh. Hai đứa không gặp được nhau, bởi cả hai đều tràn ngập công việc. Không chỉ là tình bạn mà còn là trách nhiệm của một người yêu hội họa, mong muốn những điều tử tế cho nền hội họa nước nhà. Tôi viết bài này, xâu chuỗi trong trí nhớ cả một câu chuyện dài...


Năm ấy tôi ở Đức, điện thoại về nhà, giật mình khi nghe con gái tôi nói:

- Bố ơi, chú Bế kiến Quốc bị nghi đạo thơ.

Tôi hỏi lại con, bạn của bố đạo thơ ai và bài thơ nào? Số là, từ nhỏ khi năm sau tuổi, con gái tôi rất hay quấn quýt với con gái cả của Quốc, nên nó cũng quan tâm tới bạn bố.

Trao đi đổi lại với thi sĩ, cả Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Việt Chiến… Hóa ra, trên một tờ báo ở Việt Nam bấy giờ đăng bài, nên việc có người phát hiện bài thơ "Hoa Huệ" bản thảo đầu tiên chưa sửa chữa của bạn tôi, in trong cuốn  Anmanach "Người mẹ và phái đẹp" do Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành năm 1990 đã ghi tên tên tác giả là Hainrich Heine.

Rồi người ta nhao vào cuộc, truy lục tất cả các ấn bản của Hainrich Heine, tá hỏa nhận ra thơ của Bế Kiến Quốc ngay từ thuở còn sinh viên đã bị các em sinh viên yêu mến chép vào sổ tay và chuyền tay nhau không ít người đã ghi thiếu tên tác giả.

Nguyên tác bài thơ “Hoa huệ” trong tập thơ “Cuối rễ đầu cành” của nhà thơ Bế Kiến Quốc.

Tam sao thất bản, bài thơ "Hoa huệ của một thi nhân Việt, với ý nghĩa triết lý sâu sắc, với ngôn từ chắt lọc trên chỉ hai khổ, 7 câu; với sự gợi, một đặc tính cốt tử của thơ, nằm sâu trong tầng địa giới thuộc về ngôn ngữ thơ, đã biến thành thơ của thi sĩ người Đức lừng danh thế giới. Lãnh đạo Nhà xuất bản Văn hóa sau đó đã công khai xin lỗi nhà thơ Bế Kiến Quốc, để bạn bè trong văn giới thở phào.

Sau này, Bế Kiến Quốc in lại bài thơ trong tập "Cuối rễ đầu cành" (1994 -Nhà xuất bản Hà Nội, bản đã sữa chữa, để xác lập rõ ràng một giá trị thuộc về anh, có ghi chú rất cẩn thận để tránh dị bản). Tôi cũng thở phào và trong chuyến về thăm nước dịp Tết năm 1994, hãnh diện nói với con gái tôi rằng, bạn bố có vài người văn nghệ thân thiết. Họ không chỉ có tài năng mà còn có nhân cách lớn. Hai mặt ấy như môi với răng thường ở những kì nhân. "Con thấy chưa, bố đã bảo, yên tâm bình tĩnh đi, chú Quốc không bao giờ làm chuyện bậy bạ ấy! Chơi với nhau thân thiết, sao bố không hiểu để tin vào bạn!".

Rồi các năm sau nữa, cứ Tết tôi lại về. Đó là dăm năm cuối thập kỉ 90, tôi quay lại dứt khoát với văn xuôi, ào ạt in trên Văn nghệ Quân đội. Tết năm ấy, Quốc phụ trách Thư kí tòa soạn Văn nghệ, làm việc tận khuya. Tôi đưa cho Quốc truyện ngắn "Vườn Maria".

Chẳng nể nhau, Quốc để vào tập bản thảo ngồn ngộn, chưa đọc vội. Hôm ấy ở cái phòng đủ kê một cái bàn, hai cái ghế, góc cầu thang lên tầng hai, nhà thơ Ngô Thế Oanh đến thăm và trao đổi bài vở với Quốc. Thi sĩ họ Bế cũng rất thân với anh Oanh bèn bảo, ông đọc hộ tôi cái bản thảo này với, bận bỏ xừ, lão Muối (tên bạn bè thân mật gọi tôi) cứ bắt tôi đọc ngay.

Ngô Thế Oanh nhìn tôi như vật lạ từ hành tinh nào bay xuống, rồi đọc. Cũng hơn chục phút gì đó, anh Oanh chậm rãi bảo, truyện chắc và hay. Lập tức Bế Kiến Quốc vớ lấy nghiến ngấu đọc. Tay hắn luôn vẩy vẩy tàn thuốc, thi thoảng lại quệt đôi bàn tay dâm dấp mồ hôi vào cái khăn tay đen đúa để trên bàn. Quốc quệt nước mắt: "Tôi chọn truyện của ông vào số Tết âm lịch này!".

Thế chứ, tôi như con sáo vụt bay ra khỏi phòng Quốc, bỏ anh Oanh ở đó, leo lên nơi Thành Chương với cái bàn lớn thênh thênh của nhóm biên tập, họa sĩ, kĩ thuật báo tin vui. Thời bấy giờ in trên Văn nghệ hiếm hoi cho ai chưa viết chuyên nghiệp, chưa là hội viên, lại báo Tết. Vui quá chứ.

Nhưng ba ngày sau, một đêm khuya mưa gió, Quốc lại gọi tôi tới: "Ngày kia ra báo. Ông cắt cho tôi 500 từ trên truyện của ông. Còn đất cho tác giả khác, ông thông cảm". "Chả thông cảm gì cả!" - Tôi gầm lên - "Một truyện cắt đi 500 từ, sao còn là truyện. Tôi không cắt cọt gì. Không in thì thôi!". Quốc không cười, nghiêm trang: "Một tác phẩm không làm nên một nhà văn. Nếu giữ nguyên tôi để lại cho số xuân".

Lại nói, đấy là ý ông nhé, ông không muốn in số Tết, trang nhất! Tất cả chuyện xảy ra có cả Thành Chương im lặng đứng bên, nghe hai thằng bạn cãi nhau. Tôi giận quá vì câu cuối cùng, gào lên: "Quốc, ai bảo tôi muốn trở thành nhà văn. Tôi không chơi với ông nữa!". Nói xong chạy ngay xuống cầu thang. Lập tức Thành Chương chạy theo, ôm vai tôi ngay ở cửa Báo Văn nghệ: "Thôi, về nhà tôi".

Tết năm ấy mưa xuân bụi rất nhiều về đêm. Tôi cũng tủi thân lắm, khi vẫn lênh đênh viễn xứ, có mỗi Quốc là hiểu tôi nhất mà hắn lại nói như thế. Khi ấy, tôi thực sự chưa hiểu hết tấm lòng Quốc với tôi. Cổ cứ nghẹn lại. Tôi đánh xe lẽo đẽo theo Chương về ngõ Quỳnh, nơi Chương đang ở. Lên tới gác tầng hai, Chương pha cho hai thằng một ấm trà mạn, rồi nghĩ thế nào, hắn lôi ở đâu ra hai va li đầy bụi đặt ra giữa nhà và bảo, ông xem đi.

Họa sĩ Thành Chương bên bức phác thảo được cho là bản gốc của bức tranh ký tên họa sĩ Tạ Tỵ, (mà thực chất là tranh của Thành Chương).

Hai chiếc và li to đựng hàng ngàn bản thảo, từ khi Chương bé 7 tuổi, nhận giải ở Anh, với bức tranh "Đôi Gà Tồ" (gà Hồ Đông Cảo) đến biết bao tác phẩm của hơn 40 năm cầm cọ. Tôi mê mải xem. Thì ra để trở thành một họa sĩ tên tuổi, tranh anh bán treo ở tòa nhà Daewoo cao nhất Hà Nội bấy giờ, từ tầng một tới tầng cao nhất; lại hai lần UNESCO dùng tranh của Thành Chương làm biểu tượng cho châu Á… bạn tôi đã lao động khủng khiếp.

Chương đã đi qua tất cả các trường phái, từ lối vẽ kinh điển của các họa sĩ Đông Dương như cha tôi, rồi trừu tượng, siêu thực, lập thể. Từng tập lưu trữ bên nhau trong hai vali, để sau con đường ấy, tranh của anh khá hiện đại vẫn rất nặng hồn dân tộc. Thời kì từ 70 tới 80 các bức họa rõ ra cái bản ngã và tâm thế họa sĩ. 

Đa số tranh thời kì ấy gam màu trầm buồn. Tranh có màu tương phản thì những nét cọ, bút vẽ vẫn tạo ra những khoảnh chuyển tiếp, gợi cho tôi nỗi buồn của một kẻ cô đơn đi tìm kiếm điều gì mà chưa thấy. Tranh sau này của Thành Chương, nhất là những năm gần đây, ở nhiều thể tài, nhiều bức đạt đến độ trong suốt. Không còn nỗi buồn cũ nữa, dẫu cả khi anh phá cách, đặt bên nhau những khối màu kiêng kị hoặc dữ dội…

Tôi đã nhận ra điều định Chương muốn nói thì đã gần sáng. Tôi thở dài. Chương bảo: "Ông và tôi lên Văn Nghệ đi. Quốc nó vẫn ở đó chờ ông đấy". Chúng tôi lấy xe máy, đội mưa đi trong đêm cận Tết, lao lên cái phòng nhỏ xíu chật chội ấy. Tôi bước trước Chương. Ngồi ngay ngắn giữa bàn, Quốc dướn đôi mắt mệt mỏi lên nhìn tôi. Trước mặt anh là hai núi mẩu thuốc cao thành ngọn.

Tôi và Quốc lao vào nhau. Tôi ôm chặt bạn, nước mắt rơi lã chã. Lại nắm lấy bàn tay luôn dâm dấp mồ hôi của bạn. Và, ba đứa tôi bỏ tòa soạn báo đi chơi tới tận sáng bảnh mắt, hòa vào giữa lòng Hà Nội xuân. Ăn đủ thứ quà vặt mà cả ba đứa đều thích. Năm ấy cả ba quyết định không cắt một từ ở truyện ngắn "Vườn Maria" và để lại in số xuân.

Người cao tuổi như tụi tôi giờ hay nhớ nhớ quên quên thực tại. Nhưng những chi tiết của dĩ vãng tỉ như thế ấy thường như các vết khắc, nét chạm hằn sâu chả thể nào quên trong tâm hồn.

Chính vì vậy, vài ba hôm nay, khi đang ở Hà Nội, tôi giật mình đọc cuộc chiến quanh tranh của Thành Chương. Tranh Chương vẽ, trong số 17 bức, được mua từ pháp về, của nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung, từ ông người Pháp có tên là Hubert  và, nay có cái tên Tạ Tỵ. Tôi giật mình khi nhìn thật lâu bức tranh và nhớ lại đêm kể trên ở nhà họa sĩ Thành Chương. Tôi nhắn tin cho Thành Chương qua FB, đề nghị phải kiểm tra ngay toàn bộ hai cái va li ấy. Trong đó có phác thảo tranh trường phái này có bức tựa như thế thuộc về gia tài của ông. Thành Chương bay ra Hà Nội và may mắn sao, bức phác thảo tôi nhớ lại vẫn còn trong hai cái va li phủ bụi đó. Nó vừa được công bố trên báo chí như nhiều người đã biết.

Khi tôi viết những dòng chữ này, Thành Chương lại lên máy bay, lộn về Thành phố Hồ Chí Minh. Hai đứa không gặp được nhau, bởi cả hai đều tràn ngập công việc. Không chỉ là tình bạn mà còn là trách nhiệm của một người yêu hội họa, mong muốn những điều tử tế cho nền hội họa nước nhà. Tôi viết bài này, xâu chuỗi trong trí nhớ cả một câu chuyện dài.

Có lẽ rồi đây chúng tôi đều từ bỏ tất cả, để tới một cảnh giới mà ở đó mọi sự sẽ hư vô; nhưng tôi tin tưởng rằng, Bế Kiến Quốc, bạn của chúng tôi vẫn mỉm cười ở nơi đấy, bởi chúng tôi luôn thương yêu và suốt đời bên nhau tranh đấu cho sự thật, cho công bằng, không phải chỉ riêng của cá nhân mỗi người.

Làng Ngọc Hà, 13h, 18-7-2016

Nguyễn Văn Thọ
.
.