Vào năm 2014, cũng lại là Electronic Daisy Carnival, Las Vegas, thêm 2 khán giả là nạn nhân của ma túy, kèm theo đó là 75 khán giả khác bị bắt.
Những ví dụ trên chỉ là một vài ví dụ điển hình cho vấn nạn khán giả sử dụng ma túy quá liều dẫn đến tử vong ở các liên hoan âm nhạc điện tử (EDM Festival). Năm nào cũng có tình trạng này xảy ra trên khắp toàn cầu và loại ma túy phổ biến nhất ở các cuộc chơi công cộng này vẫn là LSD, MDMA, cocaine và cần sa. Chính vì số người tử vong nhiều và quá thường xuyên như thế nên ngay ở một đất nước tự do như Mỹ còn có luồng quan điểm cho rằng cần phải cấm các buổi liên hoan nhạc điện tử.
Những người theo quan điểm cứng rắn này cho rằng chính các EDM Festival là môi trường kích thích khán giả sử dụng ma túy dễ dàng nhất. Và lý do mà họ chủ trương cứng rắn như vậy cũng có lý của nó. Theo các thống kê chính xác, ngày nay, thông tin xoay quanh các liên hoan âm nhạc điện tử kiểu này luôn là thương vong của khán giả phê thuốc và những vụ bắt bớ.
 |
Poster quảng cáo lễ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng”.
|
Một điển hình của trường phái cứng rắn này là Thị trưởng Miami và Hội đồng thành phố Wildwood, New Jersey. Sau những tai nạn ở Festival có tên Ultra tại Miami 2014, Thị trưởng Miami tuyên bố chấm dứt việc cho tổ chức các EDM Festival. Trong khi đó, liên hoan có tên Beach Glow cũng bị Hội đồng Wildwood cấm cửa và buộc phải chuyển địa điểm về Atlantic City.
Như vậy, rõ ràng chúng ta đã quá hiểu câu chuyện thực tế diễn ra ở liên hoan âm nhạc điện tử tại Công viên nước Hồ Tây có tên “Trip to the Moon” (Du hành tới mặt trăng) là gì. Bản thân cái tên của sự kiện này cũng sử dụng 1 từ rất “nhạy cảm” là từ “trip”. “Trip”, dịch ra là “chuyến đi, chuyến du hành” nhưng đối với dân chơi, nó còn có nghĩa là “bay” khi sử dụng cần sa và ma túy. Chính vì lẽ đó, khi có tin 7 người chết vì sử dụng ma túy quá liều ở “Trip to the moon”, đã có không ít “dân chơi” chia sẻ trên mạng xã hội là “trip to the hell” (bay về địa ngục).
Thực chất, khó có thể đổ lỗi cho âm nhạc vì không phải số người sử dụng ma túy tại các EDM Festival chiếm đa số khán giả. Song, chúng ta không thể phủ nhận rằng chính các buổi trình diễn kiểu này lại không khác gì các Club lộ thiên và vì mang danh là buổi trình diễn nên việc kiểm soát lại càng khó khăn hơn. Do đó, tình trạng sử dụng ma túy là phổ biến và nếu đặt chân vào một liên hoan dạng này, việc chúng ta ngửi thấy mùi khét của cần sa là chuyện bình thường.
Vậy thì trước tình trạng giới trẻ chạy theo lối sống thác loạn với ma túy như vậy, chúng ta có thể làm được gì? Cấm các buổi liên hoan âm nhạc thì thực tế quá cực đoan và nó ảnh hưởng đến những khán giả lành mạnh có nhu cầu thưởng thức, vui chơi thực sự. Hơn nữa, cấm đoán càng chứng tỏ chúng ta bất lực trước vấn nạn và chưa kể nó còn gây ra cảm xúc tiêu cực trong cộng đồng.
Thực tế, giải pháp là rất khó, và giải pháp nào cũng chỉ mang tính lý thuyết. Đơn giản, bất kỳ đơn vị tổ chức nào cũng cam kết, thậm chí thực hiện việc giám sát chặt chẽ, nghiêm khắc để không có tình trạng khán giả sử dụng ma túy, nhưng bản thân các thành viên ban tổ chức đều hiểu rõ rằng, chính các buổi tiệc nhạc điện tử kiểu này là cơ hội rất lớn cho dân chơi tuổi teen “phê pha”.
Hơn nữa, giữa một đám đông bạt ngàn cả ngàn người, việc xác định ai là người sử dụng ma túy không hề dễ. Nói tóm lại, cấm kẻ bán thì dễ chứ cấm người sử dụng là quá khó.
Nói rộng hơn, việc sử dụng cần sa, ma túy đang quá phổ biến trong giới trẻ hôm nay. Nếu đảo một vòng phố đi bộ, phố Tây ở cả Hà Nội lẫn TP Hồ Chí Minh một buổi tối nào đó bất kỳ, chúng ta dễ dàng bắt gặp “mùi cỏ” hoặc cảnh người ta chơi “bóng cười”. Và một trong những nguyên nhân khiến việc chơi ma túy thành thời thượng của dân chơi tuổi trẻ chính là những người của công chúng cũng đang cổ súy nó một cách lộ liễu.
Đơn cử, trong ca khúc N-Sao của rapper Suboi đình đám, khi cô hát “tôi là Vinja cờ xanh năm lá” không ít người đã bật cười hưởng ứng. Dễ hiểu, "cờ xanh năm lá" chính là hình tượng lá cần sa và không hiểu sao một ca khúc như thế lại dễ dàng có thể được phát tán trên các kênh phát hành mà chưa bị cơ quan quản lý xử lý.
Quay trở lại với các sự kiện liên hoan âm nhạc điện tử ngoài trời. Lần đầu tiên có người tử vong ở Việt Nam không có nghĩa là lần đầu tiên mới có khán giả Việt sử dụng ma túy ở những sự kiện tương tự như thế.
Nên chăng, cần có biện pháp giới hạn về quy mô sự kiện để có thể kiểm soát một cách hiệu quả hơn. Khi chưa có phương án nào hữu hiệu nhất để giám sát chặt chẽ khán giả ở các sự kiện quá đông người (lên tới hàng ngàn người) thì chưa nên cấp phép cho tổ chức mà thay vào đó, yêu cầu ban tổ chức phải giảm quy mô của sự kiện lại trong một giới hạn nhất định.
Nên nhớ, sự kiện càng lớn, số lượng khán giả càng đông, hệ thống âm thanh ánh sáng càng khủng thì EDM càng kích động khán giả mạnh mẽ hơn, khiến họ liều lĩnh hơn và vô trách nhiệm với bản thân mình hơn rất nhiều.
Các nạn nhân chết trong lễ hội âm nhạc do sốc ma tuý?
Lễ hội âm nhạc điện tử "Du hành tới mặt trăng" (Trip To The Moon) được quảng bá là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ âm nhạc điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) năm thứ 3 liên tiếp. Trên trang chính thức, lễ hội âm nhạc điện tử “Du hành tới mặt trăng” được giới thiệu bằng nhiều mỹ từ như “sự kiện được chờ đợi nhất trong năm 2018”, “điểm nhấn đắt giá trong bức tranh giải trí”…
Hàng nghìn khán giả đã tham gia đêm nhạc được quảng bá rầm rộ nhiều tháng qua với giá vé dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/vé. Đặc biệt, khu vực SVIP có giá 3,2 triệu đồng/ vé.
 |
Một nạn nhân trong lễ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng” đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
|
Theo giới thiệu của ban tổ chức, sự kiện được tổ chức với ý tưởng độc đáo. Cụ thể, trong một không gian, 3 sân khấu với 3 phong cách âm nhạc khác nhau sẽ cùng lúc diễn ra với hệ thống loa công suất lớn, đèn laser, màn hình tương tác...
Qua đó, khán giả có thể tận hưởng nhiều trải nghiệm khác nhau chỉ với một đêm nhạc. Đơn vị tổ chức nhấn mạnh về đêm nhạc đặc biệt là “Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại thông qua âm nhạc điện tử sẽ là tinh thần xuyên suốt chuỗi sự kiện”. Số lượng người tham dự mà Công ty TNHH Kết nối Á Châu (đơn vị tổ chức) đăng ký, được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cấp giấy phép tổ chức là khoảng 5.000.
Sự cố xảy ra vào lúc 23h30 ngày 16/9 khi có nhiều khán giả tham gia lễ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng” phải vào viện cấp cứu do gặp vấn đề về sức khoẻ. Rạng sáng ngày 17/9 có đến 7 nạn nhân đã tử vong và 5 nạn nhân đang trong tình trạng hôn mê ở các bệnh viện.
Ngay lập tức, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội vào cuộc điều tra. Trong cuộc họp báo công bố thông tin vào cuối giờ chiều cùng ngày, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Qua xét nghiệm nhanh tất cả các nạn nhân vào cấp cứu ở bệnh viện, kết quả cho thấy 7 người thiệt mạng và 5 người đang hôn mê sau lễ hội âm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây đều dương tính với ma túy đá, ma túy tổng hợp, cần sa và thuốc lắc.
Qua khám nghiệm hiện trường khu vực khuôn viên tổ chức Đêm nhạc hội, Công an phát hiện có nhiều “bóng cười” và một số vật chất nghi là ma túy. Hiện, cơ quan Công an đang tiến hành xét nghiệm xem những vật chất thu được tại hiện trường vụ 7 thanh niên chết do sốc ma túy trong lễ hội âm nhạc ở Hà Nội để xác định chính xác đó là loại ma túy nào.
Vụ việc đang được Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an quận Tây Hồ, Viện KSND Hà Nội, Viện KSND quận Tây Hồ và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ.
B. Yên
|
Hà Quang Minh