Truyền hình và “Xôi lạc”

Thứ Năm, 23/08/2018, 07:58
Giữa thời đại internet bùng nổ, trở thành một công cụ đắc lực cho quảng bá, thương mại, truyền thông và cả vấn nạn ăn cắp bản quyền hiện nay, một "kênh" trực tuyến có tên "Xôi lạc TV" đã trở thành "người hùng kiểu Robin Hood" đối với người hâm mộ...


Sau kỳ tích ở Thường Châu hồi đầu năm, đội tuyển bóng đá nam U23 đã trở thành mối quan tâm số 1 của giới mộ điệu thể thao nước nhà. Và vì thế, họ được trông đợi rất nhiều khi hành quân sang Indonesia tham dự ASIAD. Người hâm mộ hi vọng sẽ được chứng kiến những màn tranh tài nảy lửa của những Quang Hải, Công Phượng, Bùi Tiến Dũng… Nhưng họ đã phải thất vọng trước thông tin VTV không mua bản quyền phát sóng trực tiếp ASIAD lần này.

Giữa thời đại internet bùng nổ, trở thành một công cụ đắc lực cho quảng bá, thương mại, truyền thông và cả vấn nạn ăn cắp bản quyền hiện nay, một "kênh" trực tuyến có tên "Xôi lạc TV" đã trở thành "người hùng kiểu Robin Hood" đối với người hâm mộ.

Những người điều hành "Xôi lạc" đã truyền trực tiếp trên youtube, facebook các trận cầu của U23 Việt Nam, với phần bình luận dân dã và có phần hơi "chợ" của mình. Và thế là người người "Xôi lạc", nhà nhà "Xôi lạc". Lời ngợi khen dành cho "Xôi lạc" râm ran trên các diễn đàn. Dĩ nhiên, ở tình thế đó, VTV bị mang ra để so sánh, chê bai và giễu nhại.

Có những lập luận cho rằng VTV vẫn còn nhận ngân sách nên việc phục vụ nhu cầu nhân dân là bắt buộc. Đó cũng là luận điểm để cộng đồng chỉ trích VTV vì chuyện không mua bản quyền lần này. Song, rất hiếm người hiểu được lý do vì sao lại có sự kiện VTV không tham gia cuộc chơi và dân chúng đổ xô vào nội dung ăn cắp bản quyền trên "kênh" "Xôi lạc".

Thực tế, việc VTV vẫn nhận ngân sách là có thật. Số tiền đó, nếu so với bản quyền truyền hình một giải đấu bóng đá là quá lớn. Nhưng mấy ai nghĩ được rằng, VTV tồn tại không chỉ có mỗi nhiệm vụ truyền hình trực tiếp bóng đá. Họ còn rất nhiều mảng thông tin khác cần khai thác, với một bộ máy rải khắp toàn quốc cũng như ở các vùng, quốc gia trọng điểm trên thế giới. Như vậy, số tiền ấy có lẽ chỉ đủ để vận hành cơ bản nhiệm vụ của một Đài truyền hình quốc gia mà thôi.

Hơn nữa, VTV không chỉ là 1 kênh truyền hình duy nhất mà đó là một hệ thống đa kênh. Trong các kênh của VTV, có những kênh được mặc định là phục vụ nhân dân 100% và buộc phải phát sóng miễn phí các nội dung vì mục tiêu thông tin mở rộng cho dân chúng. Ngoài ra, các kênh còn lại đều đã và đang phải hạch toán như một đơn vị kinh doanh. Do đó, việc cân đối thu - chi là mục tiêu quan trọng không kém mục tiêu thông tin.

Trong tình thế đó, đơn vị nắm giữ bản quyền của ASIAD kỳ này (KJSM) đã làm khó người hâm mộ Việt Nam thực sự chứ không phải VTV bỏ qua quyền lợi chính đáng của người dân. KJSM rao giá bản quyền ASIAD lên tới con số triệu đô, xấp xỉ giá bản quyền World Cup 2018 vừa rồi và gấp hơn 20 lần giá bản quyền của kỳ ASIAD trước đó. Chính điều đó khiến VTV phải cân nhắc.

Quyết định không mua bản quyền ASIAD của VTV là đúng đắn và nếu chúng ta tìm hiểu kỹ nguyên nhân, chúng ta sẽ phải ủng hộ họ.

Xin kể lại chuyện 2 năm trước. KJSM sở hữu bản quyền giải đấu Champions League của châu Âu và họ ra giá rất cao. Một đơn vị của VTV là VTVcab đã quyết định mua bản quyền mùa giải đó để phục vụ việc kinh doanh của mình. Nhưng chỉ sau vài trận phát sóng, KJSM đã phạt VTVcab với lý do rất đơn giản "VTVcab đã không đảm bảo được việc bảo vệ bản quyền khi để tình trạng phát lậu diễn ra ở Việt Nam trên các nền tảng internet". Nên nhớ, bản quyền truyền hình hiện nay không chỉ đơn giản là quyền hình ảnh những thứ phát sóng trên truyền hình, mà còn là quyền hình ảnh của những nội dung đó ở trên các nền tảng internet như OTT, VOD…

Chính việc KJSM chơi ép như vậy đã khiến VTV phải dừng lại ở ASIAD này. Nếu VTV nhượng bộ, chấp nhận trả giá thật cao để nhận lời khen của quần chúng, chắc chắn trong tương lai, KJSM sẽ tiếp tục lộng hành với những bản quyền khác nữa. KJSM quá hiểu cơn khát thể thao của người Việt, và họ đang dùng nó để ép người Việt. Việc VTV không thỏa hiệp chính là một động thái cứng rắn trước sức ép của nhà đầu cơ KJSM.

Tất nhiên, sau sự việc này VTV cũng phải rút kinh nghiệm để đàm phán mua bản quyền từ sớm các giải đấu quan trọng. Nhưng ở ASIAD đang diễn ra, khó có thể trách VTV đã không có động thái từ sớm khi chính KJSM đã liên lạc mua bản quyền ngay từ khi chúng ta đang ăn Tết nguyên đán.
Văn Đoàn
.
.