Trăng Yên Tử trong thơ Hoàng Quang Thuận

Thứ Ba, 24/01/2012, 08:01
Không lấy gì làm ngạc nhiên khi trong tập "Thi Vân Yên Tử " của GS.TS. Hoàng Quang Thuận có hẳn một bài thơ về trăng với nhan đề "Trăng Yên Tử". Âu đó là mối duyên tiền định giữa các thi nhân và "nàng trăng" tri kỉ, mà Xuân Diệu đã khái quát thành vần thơ triết lí đầy cảm xúc: " Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ ".

Điều làm chúng ta ngạc nhiên về Hoàng Quang Thuận là khả năng sáng tạo của anh - một cây bút không chuyên, nhưng lại sải những bước đi khá vững chãi, thoải mái, không dẫm đạp lên dấu chân của các thi nhân đi trước.

Trăng treo lơ lửng trên cành tùng
Trăng rắc vàng lên cánh hoa nhung
Sương đêm sực nức mùi hoa đại
Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng… 

Lung linh huyền ảo ánh trăng rơi
Tiếng hạc trong đêm tận cõi trời
Hạ giới thần tiên hay đất Phật
Chị Hằng chú Cuội mãi rong chơi?

Cả bài thơ dạt dào một cảm xúc về trăng. Trăng lênh láng, bàng bạc trong không gian. Trăng chảy tràn cả thời gian. Câu mở đầu thì đà quá rõ: "Trăng treo lơ lửng trên cành tùng". Còn câu cuối không trực tiếp nhắc đến trăng, nhưng trăng lại xuất hiện đến những hai lần - qua hình ảnh rong chơi của chị Hằng và chú Cuội. Điểm đặc biệt trong cách kết cấu bài thơ là ở đó. Kết cấu vòng tròn nhưng không gây cảm giác lặp bởi sự sáng tạo của tác giả. Sáng tạo này bắt nguồn từ cái nhìn sâu thẳm của tác giả từ trong cội nguồn văn hóa dân tộc. Lấy thi liệu từ trong truyền thống, bài thơ đã tạo cảm giác rất gần gũi với độc giả ngay từ khi mới đọc lên. Bởi đối với người Việt chúng ta, hình ảnh vầng trăng, chị Hằng, chú Cuội đã đi vào tâm thức.

Đọc kỹ bài thơ ta sẽ thấy cách miêu tả trăng độc đáo của Hoàng Quang Thuận. Xưa nay các thi nhân thường sử dụng những "mĩ từ" thuộc  tính từ để miêu tả về trăng: "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi" (Ca dao); "Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song" (Nguyễn Du); "Làn ao lóng lánh bóng trăng loe" (Nguyễn Khuyến); "Trăng sáng trăng xa trăng rộng quá/ Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ" (Xuân Diệu); "Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ/ Vầng trăng từng khuất nửa ở trong nhau" (Hoàng Hữu)… ở đây, nhà thơ lại sử dụng một loạt động từ để miêu tả trăng trong cái nhìn vận động, di chuyển: trăng treo, trăng rắc, trăng trôi, trăng rơi. Dưới ánh mắt của thi nhân, trăng hiện lên như một sinh thể có hành động, có tâm tư… dứt khoát nhưng vẫn tinh tế, mĩ miều. Những từ láy: lơ lửng, lung linh mang lại vẻ mềm mại, dịu dàng, đầy nữ tính cho vầng trăng của Hoàng Quang Thuận. Hẳn "nàng trăng" đang "làm duyên" với thi nhân, hay sự nhạy cảm cho phép thi nhân nhìn ngắm rõ hơn "cái duyên của nàng trăng" giữa  chốn bồng bềnh hư ảo.

Ngay cả khi nhan đề của bài thơ không "mách nước" cho người đọc biết đây là trăng ở nơi núi rừng Yên Tử, thì độc giả vẫn nhận ra không gian thơ thiền trong bài thơ, dựa vào những dấu hiệu chỉ dẫn nơi cảnh vật. Đó là hình ảnh của không gian quen thuộc nơi chùa chiền: cành tùng, hoa đại, núi rừng, tiếng hạc… Một không gian có đầy đủ màu sắc (vàng lên cánh hoa nhung), mùi vị (sực nức mùi hoa đại), âm thanh (tiếng hạc). Tất cả hòa quyện kết tụ với nhau, tạo thành một bức tranh đẹp mê hồn. Trăng tự nó vốn đã đẹp, vẻ đẹp ấy càng được thăng hoa lên khi được khúc xạ qua cảnh vật nơi núi rừng Yên Tử. Ta cũng đã từng gặp một không gian trăng đẹp "như vẽ" trong thơ Hồ Chí Minh "Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa". Như vậy, từ một vầng trăng chung của muôn đời, Hoàng Quang Thuận đã sáng tạo một vầng trăng riêng của mình giữa chốn núi rừng Yên Tử.

Đến với cõi thiền vào một đêm trăng như thế, cảm giác mơ hồ, huyền ảo khiến thi nhân tưởng mình đang lạc vào mê cung. Chỉ khi âm thanh xuất hiện đột ngột mới làm cho anh sực tỉnh. Tất nhiên không phải là âm thanh ồn ã xô bồ của cuộc sống đời thường, mà là âm thanh riêng biệt nơi cõi thiền: tiếng hạc.

Tiếng hạc trong đêm tận cõi trời
Hạ giới thần tiên hay đất Phật

Câu thơ mang âm hưởng của tiên sinh Tản Đà - người trong lúc cao hứng từng muốn lên "cung quế" với chị Hằng để quên bớt những nhức nhối của cuộc sống trần ai. "Tiếng hạc" của Tản Đà làm xao động cả không gian Tống biệt, gợi cho thi nhân ý thức rõ ranh giới giữa chốn bồng lai tiên cảnh và chốn trần ai (Nửa năm - tiên cảnh; Một bước - trần ai). Với Hoàng Quang Thuận, "Tiếng hạc trong đêm tận cõi trời" lại khiến cho thi nhân thêm ngỡ ngàng và tự hỏi "Hạ giới thần tiên hay đất Phật". Có lẽ hỏi mà không cần phải trả lời. Mỗi câu trả lời đều đúng mà chưa đủ. Sự hội tụ đã đến mức nhuần nhị, khó có thể phân tách rạch ròi. Bởi cả thi nhân và độc giả đều biết, giữa chốn núi rừng Yên Tử (hạ giới) nơi đó cảnh đẹp huyền hồ, như mê cung, như cổ tích (thần tiên), cũng là chốn thanh thoát, tịch diệt (đất Phật) mà Vua Trần và Thiền phái Trúc Lâm đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại. Phải chăng đó là sự hội tụ, gặp gỡ, giao hoà giữa thiên nhiên, đất trời và lòng người (Thiên - Địa - Nhân). ở đây cái "tiểu ngã" đã thực sự hòa vào cái "đại ngã" để vượt lên sự hữu hạn của đời người, mà tiếp nối trong cái vô thủy vô chung của vũ trụ. Ta hiểu vì sao Khổng Tử lại dạy cho các đệ tử của mình cách để giữ được một giọt nước, là  hãy hòa nó trong đại dương bao la.

Cả bài thơ chỉ có vầng trăng huyền ảo, phong cảnh trữ tình, mà không thấy bóng dáng con người trần thế. Dường như cái tôi trần thế của thi nhân cũng đang nương náu, ẩn mình để không phá vỡ sự mơ hồ, tịch diệt siêu thoát của cảnh vật chốn thiền cung. Bởi vậy, mãi đến câu cuối, hình ảnh con người mới xuất hiện thì cũng chỉ là những biểu tượng, mà không phải là con người cụ thể. Chị Hằng, chú Cuội đi vào tâm thức của người Việt như một khát vọng vượt thoát khỏi cuộc sống trần thế… để hướng về một thế giới khác - nơi chỉ có cái đẹp ngự trị, nơi con người không còn bon chen, mưu tính, ở đó họ vượt lên sự hữu hạn đời người.

Đưa hình ảnh chị Hằng, chú Cuội "mãi rong chơi" để khép lại bài thơ của mình, chứng tỏ Hoàng Quang Thuận ý thức rõ sự hữu hạn của con người, sự phù du của đời người. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là thi nhân có cái nhìn bi quan yếm thế. Ý thức rõ sự hữu hạn của con người, sự phù du hư ảo của đời sống vật chất, thi nhân đã tìm ra cho mình cách vượt ra những giới hạn đó bằng đời sống tinh thần. Hưởng thụ tinh thần là hưởng thụ bền bỉ, lâu dài mà chỉ những ai có tầm nhìn mới thấy được.

Quá trình đến với Yên Tử của Hoàng Quang Thuận như là mối "duyên" tiền định. "Hơi thở của thiền học đã thấm nhuần vào cảm hứng trinh nguyên" và thăng hoa thành những vần thơ đậm chất lịch sử, văn hóa, giàu chất trí tuệ, đầy suy tư, chiêm nghiệm, đặc biệt trên tất cả là cái tâm, cái tình của thi nhân. Chúng tôi mượn câu thơ bất hủ của Nguyễn Du để kết luận về anh: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"

Ts. Dương Thị Ánh Tuyết - VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.