Tóc nào rơi trong đời

Thứ Hai, 27/07/2015, 08:38
Giữa bộn bề thơ hiện nay, đôi khi cầm tập thơ mới của bạn bè, tôi không còn cái cảm xúc như ngày xưa nữa; cứ ngần ngại ở đôi tay mình, lật bên nào cũng sợ va vấp nỗi buồn, vì thơ ngày càng rẻ rúng, dễ dãi đến phát ớn. Đành rằng, ai cũng nghĩ mình làm thơ cho vui, chẳng mưu cầu tiếng tăm, để đời như nhiều người nhầm tưởng…

(Đọc "Uống rượu với trăng", thơ Nguyễn Văn Long, NXB Hội nhà văn, 2015)

Bây giờ, tập thơ "Uống rượu với trăng" của Nguyễn Văn Long, người bạn vong niên cùng quê, vừa mới ra ràng đang ở trước mắt tôi. Tất cả những kỷ niệm xưa tràn về!... Còn nhớ cách đây 30 năm, ngày tôi phụ trách Tập san Văn nghệ Điện Bàn, Long còn đang học Tổng hợp ở Huế hồi đó Long đã viết văn, làm thơ cùng với các bạn sinh viên đồng hương đều đặn gửi về quê mỗi dịp xuân về. Những bài thơ đầu tay của Nguyễn Văn Long được bạn đọc đón nhận như một chút tình của người con xa xứ. Long đã đắm đuối với văn chương từ ngày ấy.

Rồi Long đi làm báo. Từ đó, tôi không còn đọc thơ của Long nữa.

Tác giả Nguyễn Văn Long.

Cứ tưởng cũng như bao nhiêu người tôi quen biết, học hành thì nợ nần với văn chương, khi ra trường lại dan díu cả đời với nghề làm báo. Thỉnh thoảng có người nhớ đôi ba bài thơ thời sinh viên như một kỷ niệm đẹp, khó quên. Họ dứt nợ, đi theo "người tình hờ" mà thời trai trẻ họ chưa hề biết mặt. Thơ là cái nghiệp, không bao giờ là một nghề kiếm sống. Nhưng để có câu thơ hay, người làm thơ phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", có khi thức trắng đêm mà không tìm được chữ ưng ý. Ai cũng biết vậy, nhưng đây là cái trời cho mỗi nhà thơ, gọi là thiên phú. Muốn có nhiều xúc cảm phải đi nhiều, yêu nhiều, nghĩ nhiều. Và Long cũng đã đi nhiều, yêu nhiều như thế…

Đi nhiều nên anh nhận ra "Đường xa bụi cuốn thời trai trẻ/ Rượu cạn mà trăng vẫn còn đầy". Chắc gì là rượu, có khi đó là những vật vã, đau đớn, là những trải nghiệm mà anh đã "bỏ lại yên cương một góc trời", để về với "người tình ngàn năm" mong đợi… Long về với thơ chăng? Dễ gì, thơ vốn hiền lành, nhưng lại vô cùng khắc nghiệt, như là tình yêu vậy. Yêu nhau chưa đủ để có hạnh phúc mà cần phải vượt qua khổ hạnh, giày vò mình, phải hóa thân, thức tỉnh mình để chung sống cùng thơ, tôn thờ một thứ "đạo" mà luật nhân quả có khi cũng không thể giải mã được, ấy là con đường Thơ.

Ta từ dạo ấy lạc thiên thai
Trong mơ hàm tiếu nét trang đài
Buông lơi một suối huyền nhung nhớ…

                              (Giấc mộng Xuân)

Chỉ là mơ thôi! Thơ như người tình, là "nét trang đài" mà Long đã "buông lơi", "lạc bước thiên thai", để đến "nửa đời bối rối", chưa biết lối về:

Mở cửa đón trăng về lối cũ
Nửa vầng trăng thương nhớ hao gầy

                                                     (Mở cửa)

Tôi có dịp ngồi cùng nhà văn Bùi Công Dụng, khi anh cũng vừa được Long tặng tập thơ đầu tay của mình. Và, rất thú vị khi anh cho hay, đọc tập thơ "Uống rượu với trăng" của Nguyễn Văn Long anh đã "nhặt ra" trong tập thơ có khoảng 20 bài (trong tổng số 52 bài) có chữ "trăng". Trên trang Facebook cá nhân của mình, nhà văn Bùi Công Dụng cũng đã có những lời chia sẻ chân tình rằng, có lẽ vì thế mà tập thơ "Uống rượu với trăng" của Nguyễn Văn Long đã có một sự lan tỏa. Anh viết: "Ngay cả khi đọc những bài không "trăng" còn lại, bạn cũng sẽ thấy phảng phất đâu đó vẫn hiện ra... ánh trăng.

"Như hải đăng đêm đêm mong ngóng/ Thuyền khơi xa về đậu bến bình yên"... Hay "Nàng mang sao gửi lên trời/ Người dưng gối tóc một đời thương anh"…

Hình ảnh những bài không "trăng" đó trong thơ Nguyễn Văn Long đã nói lên một cách rất chân thật về tình yêu đôi lứa, thân phận con người, thì những bài thơ có "trăng" lại càng không phải "vơ vẩn cùng mây", lại cũng tràn đầy tình yêu thương, thậm chí là một tình yêu thương thần thánh: "Mẹ tôi gánh cả thiên hà vũ trụ/ Đêm gánh trăng sao ngày gánh mặt trời"; "Mấy chục mùa trăng nội đi xa/ Cau xác xơ buồn chẳng trổ hoa...".

Nhà văn Bùi Công Dụng chân tình bộc bạch: "Mình thì không rành về thơ lắm. Nhưng đọc "trăng" của Nguyễn Văn Long mới thấy tình yêu quê hương đất nước, con người của anh thật thâm trầm, da diết"...

Nhưng, tôi cũng nhận ra rằng, thời nay, nhà thơ phải tự mở lòng mình, phải tận hiến hết mình với thơ, chưa hẳn thơ đã mặn mà chung sống:

Mở cửa đón cơn mưa qua phố
Mưa bóng mây chợt đến rồi đi…

                                 (Mở cửa)

Long có nói với tôi trước khi bản thảo tập thơ này đưa nhà in, "cũng để chỉ vui thôi anh"! Tôi biết, vốn là người khiêm tốn, Long không nghĩ tập thơ đầu tay này sẽ là tác phẩm đầy ắp hoài vọng của thời trai trẻ, nhưng trong ẩn ức, ước mơ thì tác giả lại muốn "Ta gom gió đưa mây về với núi/ Cho đêm mưa lũ cuốn réo sông dài". Khi yêu là vậy, còn yêu đến đâu là chuyện khác:

Mỗi ngày em chải tóc
Từng sợi tóc rụng rơi
Tóc nào vương trên lược
Tóc nào rơi trong đời…

                      (Nhặt tóc)

Tập thơ “Uống rượu với trăng” của tác giả Nguyễn Văn Long.

Đi tìm sợi tóc rơi trong đời, để thấm thía và sẻ chia với người mình yêu thương rằng, thời gian không đợi ai, cứ qua rồi, qua mãi và chỉ còn đọng lại là tình yêu đôi lứa thật đằm thắm như một nụ hôn sâu thẳm đến tận cùng. Cũng ví như tìm cho ra câu thơ đọng lại với thời gian là không dễ dàng. Nhặt lên chưa chắc đã cầm, thấy nó lung linh, nhưng luôn huyền ảo! Bởi vì, kiếp người thoảng qua như một giấc chiêm bao: "Một hôm thấy mình là cỏ/ Trò chơi sắc sắc không không/ Nhịp đời cỏ xanh, cỏ úa/ Tan vào trời đất mênh  mông…".

Đời người như cây cỏ, rồi cũng hóa thân vào cát bụi, tan vào trời đất mênh mông. Còn chăng, chỉ là cái tình của mỗi con người khi còn hiện thân ở cõi đời này. Cũng như thơ Long vậy. Mỗi ngày có bao nhiêu câu thơ và rồi cũng tan vào mênh mông ấy!… Nhưng, tan vào đâu thì tôi vẫn nhặt ra cái đằm thắm, chân tình đầy cảm xúc mà Long đã trưng cất, như là mây bay, gió thổi:

Mây rong chơi lang thang bên trời
Tương tư tình mây bay chơi vơi
Tóc mây ai buông lơi trong đời
Tim yêu vương tơ lòng không rời

                                          (Mây)         

Một cuộc rong chơi đầy kiếm tìm, thơ Nguyễn Văn Long đa cảm, cứ chầm chậm lan tỏa, cứ mộc mạc chân quê, thì thầm, đôi khi cô độc:

Tôi lớn lên từ làng
Tuổi tôi xanh cùng lá
Mồ côi cha vất vả
Tôi lót lá tôi nằm…

                   (Lá)

Bắt gặp một hình ảnh trong cuộc sống, tác giả lại liên tưởng ngay đến một triết lý sống, hay một nỗi niềm nào đó, và cứ thế trải lòng ra như Mây, như Lá, như Cỏ…

Nhà thơ Xuân Diệu từng bảo "tứ thơ như cái đinh ta đóng lên tường", rồi trên cái đinh đó ta treo những thứ mà mình thích. Còn Long thì bày ra những cảm xúc bất chợt, gửi gắm trong thơ mình tình yêu ngọt ngào, đằm thắm, những tín hiệu để sẻ chia cùng người đọc. Có thể Long đã treo giữa thế nhân vầng trăng cái tình của một gã chân quê nửa đời đắm đuối cùng thơ:

Đường đời đôi ta đã qua một nửa
Còn một nửa, tim còn thắp lửa.

Nguyễn Ngọc Hạnh
.
.