Thơ ca - đa quan niệm

Thứ Năm, 15/04/2021, 12:45
Có thể nói, khi đọc thơ, ai cũng có cho riêng mình một định nghĩa về thơ, một quan niệm về yếu tính của thơ, phản ánh trung thực "tầm đón nhận" (kiến văn, năng lực cảm thụ, gu thẩm mĩ…) của mỗi người.


1. Đa quan niệm về yếu tính của thơ

Có thể nói, khi đọc thơ, ai cũng có cho riêng mình một định nghĩa về thơ, một quan niệm về yếu tính của thơ, phản ánh trung thực "tầm đón nhận" (kiến văn, năng lực cảm thụ, gu thẩm mĩ…) của mỗi người. Với người này, yếu tính của thơ là tứ, cấu tứ: "Tứ thơ, cấu tứ thơ chính là dấu vết cuối cùng để nhận biết đó là "thơ" hay "không thơ" trong các bút pháp có tính hậu hiện đại" (Nguyễn Đức Tùng); nhưng với người khác thì: "Thơ hiện đại không nhất thiết lúc nào cũng lập tứ. Hạt chữ được "ném" đúng chỗ tự thân sẽ nảy mầm, sẽ phát sáng, sẽ tuần hoàn, sẽ ảo diệu đến… vô ngôn" (Phan Hoàng). 

Người này quan niệm yếu tính của thơ là cách "làm chữ", cách tổ chức ngôn ngữ: "Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này" (Phan Ngọc);  Thơ là cách "sử dụng ngôn ngữ", là "cấu trúc riêng" để "tạo hiệu ứng đặc biệt nơi người đọc", "hình thức của nó, cách tổ chức ngôn ngữ của nó là điều quyết định để cho nó trở thành thơ" (Quốc Việt); 

Thơ là "bóp méo ngôn ngữ hàng ngày một cách nghệ thuật" (Thụy Khuê), chữ "chính là yếu tính của thơ; vì nếu viết không khéo, chữ chỉ là những câu nói giao tiếp có vần hoặc không vần mà thôi" (Triệu Từ Truyền)...; 

Nhưng người khác lại quan niệm "chữ" chỉ là phương tiện để đi đến mục đích là được phơi trải, bộc giãi: "Bài thơ thực sự sống bằng đời sống tinh thần khác biệt, trội vượt của tác giả, chứ không sống bằng hình thức thuần túy kí hiệu của văn bản thơ. Chữ là phương tiện, chữ chưa bao giờ là mục đích của thơ. Đó là chân lí không thể thay đổi" (Dương Kiều Minh). 

"Xét cho cùng thì chữ dù là phương tiện hay mục đích thì cái cuối cùng vẫn là điều tôi muốn chia sẻ, muốn giãi bày với độc giả là gì" (Trương Trọng Nghĩa). "Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng" (Vương Trọng)... 

Người này quan niệm yếu tính của thơ là nhạc điệu: Yếu tính của thơ là "cấu trúc âm nhạc nội tại của nó" (Nguyễn Đức Tùng), "Thiếu nhạc tính cho thơ, những yếu tố khác như tư tưởng, không thể bay lên và tạo cảm xúc nơi người đọc" (Khế Iêm). "Dù thế nào, thơ vẫn phải có nhạc điệu" (Phạm Sỹ Sáu). "Thiết nghĩ thơ hay đến mấy, cao siêu đến mấy nếu thiếu vần điệu khác nào cho ăn mà không cho uống, hỏi làm sao tiêu hóa được" (Dương Danh Dũng)...  

Người khác lại quan niệm yếu tính của thơ là xúc cảm: "Yếu tính của thơ là xúc động, tình cảm" (Mã Giang Lân); "Yếu tính của văn chương đương đại chính là nhằm diễn tả trực tiếp các cảm xúc" (Nguyễn Viện)...; người khác nữa lại quan niệm yếu tính của thơ là tư tưởng: "Cái quan trọng nhất của một bài thơ là cái tình và cái tầm của tư tưởng mà nó mang đến cho người đọc" (Trần Mạnh Hảo)... 

Cứ như vậy, người ta khó tìm được tri âm rộng rãi trong quan niệm về yếu tính của thơ. Một khi đã quan niệm về yếu tính của thơ không giống nhau thì trước một đối tượng thơ bất kì đều xảy ra hiện tượng đa tiếp nhận. 

Chẳng hạn, đọc thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, những ai quan niệm yếu tính của thơ là cách "làm chữ", cách tổ chức ngôn ngữ thì sẽ cho đây là "thơ đến tận cùng", tác giả của chúng là những "phu chữ"; những ai quan niệm yếu tính của thơ là "điều chia sẻ, giãi bày" thì sẽ vội vàng cho đây là thơ "hũ nút"; những ai gặp gỡ cái mà theo mình là yếu tính của thơ thì sẽ cho đây là "chính thơ"; ngược lại, những ai tìm hoài không thấy thì sẽ cho đây là "phản thơ"...

2. Đa quan niệm về hay - dở, mới - cũ của thơ

Về hay - dở của thơ, quả đa quan niệm. Có quan niệm thiên về nội dung: "Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận" (Vương Trọng); có quan niệm thiên về hình thức: chỉ cần dùng chữ nghĩa cho "đúng chỗ", "hợp văn cảnh" là có thơ hay (Nguyễn Đình San); có quan niệm lại chia đều cho tổng thể: tác phẩm văn học "…phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung. Cái hay là ở cái sự phát minh và khám phá đó" (Phạm Xuân Nguyên), "Cái hay cái đẹp nghệ thuật cũng tồn tại trong tổng thể tác phẩm, trong mọi yếu tố của tác phẩm văn chương" (Bùi Công Thuấn)... 

Có người lấy tiêu chí bạn đọc để định vị sự hay - dở của thơ. Nhưng nhiều người lại không đồng nhất khái niệm "thơ hay" và "thơ có giá trị". Vương Trọng nói: "Thơ hay là thơ được nhiều người yêu thích", nhưng Mai Văn Phấn lại nói: được nhiều bạn đọc chia sẻ "không phải là cứu cánh của những thi sĩ chân chính" và Bùi Công Thuấn cũng nói: "...không nên lầm lẫn giữa cái hay với giá trị của tác phẩm".

Đỗ Lai Thúy phát biểu: "Có nhiều người, nhất là những bậc trưởng thượng, thường cho rằng văn chương chỉ cần hay xá gì mới, hiện đại! Đúng vậy, mới, hiện đại chưa chắc đã hay, càng không đồng nghĩa với hay. Nhưng thơ Đường cách ta hơn ngàn năm mà nay đọc vẫn thấy xúc động, vẫn thấy hay, vậy ta có nên cứ viết theo thi pháp của thơ Đường không?". 

Như vậy, thơ, ngoài điều kiện cần là Hay, còn đòi hỏi điều kiện đủ là Mới, là Hiện đại. Nhưng, thế nào là mới - cũ, hiện đại - truyền thống của thơ thì cũng đa quan niệm. Một bộ phận người tiếp nhận cho rằng thơ chỉ được coi là mới, là hiện đại khi nó hiện diện dưới một hình thức mới. 

Nguyễn Thái Dương nói: "Cái mới, ngoài cái tứ còn là hình thức, mà chủ yếu là hình thức. Khi có hình thức mới thì nội dung cũng mới theo". Trần Tiến Dũng cũng thiên về hình thức khi nhấn mạnh đến yếu tố "vật liệu": "Dù thơ vần hay thơ tự do, thơ của chúng ta hôm nay phải được viết bằng vật liệu của thời đại này, thứ vật liệu mà ngôn ngữ thơ thể hiện phải là thứ vật liệu đời sống đang dùng (...) Vật liệu mà ngôn ngữ thơ thể hiện có thể không đủ làm nên một bài thơ hay, nhưng đó là tiêu chuẩn để xác định bài thơ đó có thuộc về ngày hôm nay hay không". 

Tuy nhiên, nhiều người lại quả quyết rằng, nội dung mới quyết định hình thức. Mới hóa, hiện đại hóa hình thức chỉ là thao tác ở "phần ngọn", còn nội dung, tinh thần, tư duy, tâm hồn... mới là "phần gốc". Vương Trọng nói: "Đổi mới hình thức thì dễ và dễ học theo, đổi mới về nội dung mới khó". Nguyễn Thị Minh Thái nói: "Phải đổi mới từ nội dung chứ không phải từ dăm ba cái bên ngoài làm thời thượng". 

Với Yến Nhi: "Nhiều người chỉ quan tâm đến Cái Mới của Thơ trên phương diện sự tân kì của các yếu tố hình thức nghệ thuật. Thực ra cái mới của sự xúc cảm, của chiều sâu trí tuệ, của cách nhìn cuộc sống tạo nên Cái Mới của Thơ chứ không phải là những mô-típ, những hình ảnh mô phỏng hoặc những biểu hiện có vẻ là lạ của hình thức nghệ thuật, của ngôn ngữ thi ca". Trần Đăng Thao thì dứt khoát: "Phải đổi mới từ tư duy". Lê Minh Quốc thẳng thắn: "Đi tìm cái mới trong thơ ư? Nhà thơ, anh hãy hỏi tâm hồn của chính anh". 

Cùng quan điểm này, Nguyễn Thái Dương phát biểu: "... cái mới ở ngay trong tâm hồn mình. Nếu tâm hồn trống rỗng thì văn chương thất bại"; Vương Trọng nói: "Cũ kĩ hay không cũng đều nằm trong hồn của tác giả chứ không phải ở trong thể loại"; Hữu Thỉnh nói: "Muốn có cái mới trong văn học trước hết là phải có cái mới trong tâm hồn, trong cảm xúc, trong tình cảm, trong tư tưởng, chứ không phải chỉ hình thức"; Lê Khánh Mai nói: "...hạt nhân của đổi mới phải ở tinh thần mới, ở hồn cốt mang tâm thế thời đại của nhà thơ"...

Cái sự hay - dở, mới - cũ của thơ quả có ba bảy đường; khái niệm dở - hay, cũ - mới của thơ là những khái niệm "mở", trừu tượng và chủ quan.

3. Chưa bao giờ như bây giờ, không chỉ phía chủ thể sáng tạo mà cả phía chủ thể tiếp nhận thơ lại có sự phân hóa sâu sắc và mãnh liệt đến thế. Trong thời đại ngày nay, mọi tham vọng độc chiếm chân lí đều trở nên lố bịch. Lí thuyết hiện tượng luận quan niệm, sự vật, hiện tượng không có "bản gốc", chỉ hiện tồn vô vàn "dị bản" qua từng cái nhìn, cách nhìn cá nhân, chủ quan. 

Vậy nên, không ai có quyền lấy quan niệm, thị hiếu thẩm mĩ của mình để can gián, áp đặt người khác. Phải hướng đến thiết tạo một môi trường văn hóa đọc lành mạnh, ở đó, mọi tiếng nói, mọi cách thưởng thức thơ tự do, dân chủ của con người hiện đại đều được tôn trọng. 

Tuy nhiên, không thể vin vào tính "mở", trừu tượng của thơ, vin vào quyền chủ quan và tự do của chủ thể tiếp nhận thơ để cố tình "lập lờ đánh lận con đen", gây nhiễu sóng nơi cộng đồng đọc. Chỉ có tâm thế cởi mở, tinh thần trách nhiệm, thái độ đối thoại, cách tiếp cận nhân văn thì mới có thể tránh khỏi "cọc cạch" (chữ dùng của Trần Đình Sử) trong đọc thơ hôm nay.

Hoàng Đăng Khoa
.
.