Thiết thực

Thứ Năm, 19/03/2020, 08:11
Chống dịch không chỉ có mỗi công việc liên quan đến bệnh tật và dịch tễ mà còn rất nhiều hành động khác nữa theo nhu cầu xã hội...


Có thể nói, chuyến bay số hiệu VN0054 đã khiến cho tình hình chống dịch COVID-19 của Việt Nam diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Chỉ trong vòng một tuần lễ, số lượng người phát hiện nhiễm bệnh đã vượt quá con số những người nhiễm bệnh suốt cả giai đoạn 1 (từ tháng 1/2020 đến hết tháng 2/2020). Diễn biến ấy chắc chắn sẽ tạo ra nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội, mà một trong những vấn đề nổi cộm nhất là chuyện dạy và học của giáo viên và học sinh.

Trong bối cảnh việc học sinh có nên được tiếp tục nghỉ học nữa hay không vẫn chưa trở thành đề tài chủ đạo của các cuộc tranh luận thì Sở Giáo dục và Đạo tạo Hà Nội đã kết hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội triển khai mô hình dạy và học trên truyền hình cho lớp 9 đến 12 kể từ ngày 9/3/2020.

Thực sự, đây là một hành động kịp thời, thiết thực và giúp cho phụ huynh học sinh an tâm hơn khi con mình phải nghỉ học ở nhà tránh dịch. Và không chỉ có một mình Hà Nội bắt tay vào chương trình dạy học trên truyền hình mà các địa phương khác cũng vào cuộc.

Điển hình là Sở Giáo dục và Đạo tạo Nam Định, Sở Giáo dục và Đạo tạo Vĩnh Long cũng đã phát triển các chương trình dạy học trên kênh truyền hình tỉnh nhà. Nhưng đáng kể nhất và nhạy bén nhất phải là Sở Giáo dục và Đạo tạo Đồng Nai. Trên Truyền hình Đồng Nai, từ ngày 17/2, nghĩa là từ giai đoạn đầu của dịch COVID-19, việc dạy học trên truyền hình đã được thực hiện rồi.

Trong tình cảnh ấy, cuối tuần trước, mạng xã hội xôn xao vì hình ảnh phản cảm của gameshow có tên “Kèo này ai thắng” trên sóng một kênh truyền hình uy tín. Trong màn biểu diễn “bịt mắt phóng dao đứt đôi củ cải” của gameshow này có cảnh một cô gái đang ngậm một đầu củ cải nhìn rất tục tĩu. 

Và điều rất đáng nói là kênh truyền hình đã chiếu gameshow có hình ảnh đáng chê trách kể trên hình như vẫn chưa có một hành động nào để phủ sóng giáo dục từ xa trong hoàn cảnh trường học phải tạm đóng cửa như những ngày qua.

Vẫn biết, trong thời gian xã hội có những biến động lớn, ngoài tuyên truyền, giáo dục… vẫn phải có những chương trình giải trí để giải toả bớt căng thẳng trong cộng đồng. Song, giải trí phải vừa đủ liều lượng và trên hết, phải suy xét xem có thiết thực hay chưa trong tình hình chung. Một ví dụ rất điển hình là một serie phim truyền hình mới được chiếu gần đây là bộ phim “Trăng mật diệu kỳ”.

Theo giới làm truyền hình, truyền thông chia sẻ với nhau, 5 tập phát sóng đầu của phim không có nổi một slot quảng cáo nào. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phim cầm chắc lỗ. Vậy thì trong bối cảnh nhiều ngành hàng cắt giảm chi phí quảng cáo trong thời gian dịch COVID-19, nên chăng kênh truyền hình san sẻ với nhà sản xuất bằng việc tạm thời ngưng phát sóng phim để giảm khả năng thiệt hại và lấp sóng bằng các chương trình có ích hơn như giáo dục từ xa.

Đặc biệt, hiện nay các chương trình giảng dạy cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 8 vẫn còn chưa có ai thực hiện mà kiến thức lớp 4 là rất cơ bản đối với học sinh tiểu học.

Chống dịch không chỉ có mỗi công việc liên quan đến bệnh tật và dịch tễ mà còn rất nhiều hành động khác nữa theo nhu cầu xã hội. Vậy thì trách nhiệm của các kênh truyền hình hiện nay đã được thực hiện đầy đủ hay chưa khi giải trí trên sóng thì đang dư thừa mà các nội dung phổ cập thiết thực thì lại thiếu vắng?
Văn Đoàn
.
.