Thầy trò trường huyện

Thứ Sáu, 25/12/2020, 11:04
Ngày ấy thầy cô thường là ngoài mười chín, đôi mươi. Trò có người chỉ kém người dạy dỗ mình một vài tuổi là chuyện bình thường. Thầy giáo có chiếc xe đạp đi dạy học đã gọi là sang. Có thầy cho học trò xa mượn xe đi học cả tuần. Sau này nhiều năm người trò ấy đến thăm thầy nhớ lại chuyện xưa mắt còn rơm rớm.


Ngày ấy…

Năm ấy…

Tôi mang về cho vợ con một túi quà đặc biệt: Chè lá to dày, hơi ngả màu vàng xanh do vợ người bạn học cũ của tôi hái ở vườn nhà biếu khách. Của một đồng công một nén. Hái được ngần này chè đâu dễ. Phải trèo cây hoặc vin cành mới hái được. Chè ăn lá, cây to cao hơn loại chè ăn búp. Chè thường trồng trong vườn nhà…

Nơi vùng gò đồi quê bạn tôi đây vốn là đất có loại chè tươi nổi tiếng này. Nhận mớ chè tươi bạn cho mà như nhận lại cả bao nhiêu năm xa cách để cùng nhau kí ức lại một thời áo nâu chân đất đi học cấp 2 trường huyện. Ngôi trường Quốc lập đầu tiên của huyện ấy mái lá đơn sơ ngay cạnh con sông nhỏ hiền ngoan có tên như một câu chuyện cổ: Sông Tích.

Sông Tích có nguồn từ Tản Viên Sơn. Sông như nét cổ kính được Đức Thánh Cả Sơn Tinh thả niềm sinh thủy vào vùng đất quê. Bên đôi bờ sông còn lưu lại nhiều đền đình, miếu mạo thờ tự công đức của Người. Trường huyện Quốc lập cấp hai được dựng sau hòa bình lập lại năm 1954 với trước đó có một trường tư thục ở bên này sông Tích.

Lạ lùng cho giây phút gặp lại. Một lớp học đặc biệt. Trò chẳng có ai dưới sáu mươi tuổi. Có người là nhà nghiên cứu, là cán bộ, bộ đội đã được nghỉ hưu. Có người là nông dân từ thuở ấy đến giờ. Thầy giáo thì có người đã ngoài bảy mươi, tám mươi. Có thầy là Giáo sư, là chuyên viên cấp cao. Có thầy vẫn từ ấy đến giờ thủy chung với cấp dạy của mình cho tới lúc về hưu. 

Ngày ấy thầy cô thường là ngoài mười chín, đôi mươi. Trò có người chỉ kém người dạy dỗ mình một vài tuổi là chuyện bình thường. Thầy giáo có chiếc xe đạp đi dạy học đã gọi là sang. Có thầy cho học trò xa mượn xe đi học cả tuần. Sau này nhiều năm người trò ấy đến thăm thầy nhớ lại chuyện xưa mắt còn rơm rớm. Có thầy dẫn trò đi Lao động Xã hội Chủ nghĩa còn chia cả nắm cơm trộn sắn cho trò ăn…

Hôm nay gặp trò có thầy tâm sự:

- Ngày ấy được bồi dưỡng thêm kiến thức cho các cô các cậu ngoài giờ học chính là một nhiệm vụ, một vinh dự. Có thầy cô hàng tháng báo cáo với Hiệu trưởng rằng tôi bồi dưỡng thêm được bao nhiêu học sinh và coi đó như một thành tích. Đấy là cách dạy thêm như bây giờ chứ có khác gì đâu. Mà lúc ấy có ai lấy tiền, có ai dám tơ hào một đồng, một cắc của học trò. Thầy đã nghèo, trò còn nghèo hơn...

Lời của một thầy giáo già tuổi đã ngoài tám mươi nói lại cho hôm nay nghe giọng xúc động như muốn khóc. Cũng đầy sự hãnh diện của phẩm hạnh một thế hệ người không bị cơm áo và đồng tiền lung lạc.

Ngày ấy, nghèo lắm…

Có cậu chàng nón mê, chân đất đi bộ chín, mười cây số nhịn đói đến trường nay đã là một nhà khoa học. Người học trò hiền lành ngày xưa nay tuy đã về hưu nhưng vẫn tham gia các dự án làm hồi sinh lại những vùng sinh thái bị hủy hoại trong tư cách một nhà lâm học yêu thiên nhiên. 

Cô học trò vào loại hoa khôi thuở trước nay ngót bảy mươi, răng vẫn còn đều, nụ cười vẫn còn tươi sau những ngày tháng làm công nhân, làm lãnh đạo, bây giờ đã là bà và đang làm cô trò nhỏ bên người thầy kính yêu cùng những bạn trai ngày xưa, trong đó có người từng đứng xa nhìn trộm mình với nhiều ước muốn.

Toàn là ông, là bà, là cụ. Không có mái tóc nào còn đen nguyên nữa. Đa phần tóc đã bạc. Ngay cả hoa khôi ngày xưa giờ tóc cũng đã ngả chiều. Vậy mà vẫn thầy thầy em em, cậu cậu tớ tớ. Vui quá có người còn tao tao, mày mày với bạn nữa. Thầy ngồi lẫn với trò. Tuổi tác ở cùng tuổi tác. 

Thời gian đã trôi đi nhưng lúc này thì đang ngưng lại. Đây là phút lắng trầm của ký ức. Phút nín thở để rồi bồi hồi. Trăm năm còn là ngắn thì có gì là dài của cái nỗi xa mới có trên mấy chục năm. 

Hôm nay minh triết bên nhau lại nhớ cái phút trống trường gọi ra chơi, bạn bè rủ nhau chạy vội xuống bến sông hút nhờ ông lái đò ngang đôi điếu thuốc lào. Rồi đứa say nhìn đứa tỉnh. Mặt học trò ngất ngây vì thuốc hay là vì nhau. 

Hôm nay ngồi nâng ly bia ngon mà nhớ những trưa chớm hè tan học qua nhà bạn được bát nước chè lót bụng rồi nôn nao say trên suốt đoạn đường cuốc bộ về nhà bởi chưa có gì lót dạ.

Gian nan vất vả là chuyện thường nhật của những ngày ấy nhưng ai cũng nên người. Bây giờ hầu như ai cũng no đủ cả. Có người còn giàu có nữa. Trong sung túc chẳng quên thuở bần hàn. Bát cơm trộn sắn mẹ nuôi con ngày đi học vẫn là bát cơm ngon nhất. Hụm nước uống cùng thuở học trò bên con sông quê là ngụm nước của những trang cổ tích.

Lại nhớ đến nhau.

Thường nhớ đến nhau.

Và bây giờ đang có mặt bên nhau…!

Ngày ấy, năm ấy… sao nắng nhiều đến thế…

Vậy mà nghe tin nhắn gọi vẫn tìm cách về với nhau. Chưa thể gọi là đông đủ, làm sao có thể đông đủ. Góc bể chân trời, hơn nửa thế kỷ bươn chải. Chẳng có con đường bằng phẳng trong mưu sinh cho mỗi đời người. Nhưng con đường tìm lại nhau, con đường nhớ về với những kỷ niệm đẹp ngày xưa thì mãi mãi là một đại lộ tình cảm cần được nâng niu và bảo tồn...

Ngày ấy, năm ấy… kí ức dẫu là bao xa nữa… với tôi vẫn là mãi mãi!

Phan Quế
.
.