Thành phố không thể thiếu âm nhạc

Thứ Năm, 17/11/2016, 08:23
Từ xưa tới nay, có rất nhiều người đã nói rằng "Hà Nội là nơi đào tạo và TP Hồ Chí Minh là nơi sử dụng những tài năng âm nhạc". Điều đó có hơi quá đà, bởi ở TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều nghệ sỹ được đào tạo bài bản và tại Hà Nội, vẫn có nhiều nghệ sỹ sống bằng nghề âm nhạc một cách vững vàng chứ không nhất thiết phải vào TP Hồ Chí Minh để thi thố. 


Nhưng điều đó đúng ở chỗ, TP Hồ Chí Minh là thị trường giải trí sôi động hơn, nên cơ hội cho nghệ sỹ ở đó cũng lớn hơn. Bởi vậy, cuộc Nam tiến vẫn thường được nhiều nghệ sỹ thực hiện và cũng không ít người thành công ở nơi được xem là đất lành cho giải trí.

Nhưng khoảng mấy năm gần đây, dường như đã có những chuyển động khiến quan điểm trên cần được xem xét lại. Hà Nội bắt đầu vươn mình khá mạnh và TP Hồ Chí Minh trở nên im lặng hơn.

Ngoài các phòng trà, sân khấu hàng đêm và những chương trình ca nhạc truyền hình thực tế, TP Hồ Chí Minh vẫn giậm chân tại chỗ trong khi ở Hà Nội, các concert lớn đã nhiều hơn, thậm chí còn có cả một festival âm nhạc đình đám mà người khởi xướng khá thành công những năm qua chính là nhạc sỹ Quốc Trung.

Rồi khi phố đi bộ được quy hoạch ở Hà Nội, cuối tuần nào cũng xuất hiện những nhóm nghệ sỹ trẻ trình diễn trên phố. Tự phát hay không tự phát, sự xuất hiện của họ đã khiến đời sống tinh thần của Hà Nội trở nên phong phú hơn rất nhiều. Trong khi đó, ở TP Hồ Chí Minh, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đường phố vẫn chỉ là tự phát với những nhóm nhỏ, ngồi quây quần ở công viên hay phố đi bộ để hát cho nhau nghe là chính.

Mới đây, một cán bộ Sở Văn Hoá Thể Thao của TP Hồ Chí Minh có tâm sự với tôi rằng "Sinh viên lên gặp anh rất nhiều. Họ rất muốn được làm các chương trình giao lưu âm nhạc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng quả thực anh không thể giúp gì cho họ cả". Anh cho biết, phố đi bộ Nguyễn Huệ là do UBND quản lý và anh gợi ý cho các bạn sinh viên nên nhờ Ban giám hiệu liên lạc với UBND để xin được tổ chức các chương trình của mình. Khi đó, Sở sẽ ủng hộ hết mình.

Các em sinh viên không bao giờ làm được điều đó cả. Ban Giám hiệu nếu có ủng hộ thì cũng chỉ dừng lại ở việc "muốn ca nhạc thì cứ tổ chức tại trường, trường có sân rộng, có hội trường, ra ngoài phố làm gì". Tất cả đều quên mất rằng âm nhạc làm cho thành phố đẹp hơn, như cái cách chúng ta vẫn dừng chân lại mê say xem những người rong ca trên các đường phố Âu - Mỹ vậy. Ta ngưỡng mộ nét văn hoá ấy của họ. Nhưng khi cần làm cho mình, ta lại lắc đầu.

Thực sự, nhiều nghệ sỹ lớn, nhỏ ở TP Hồ Chí Minh vẫn ước ao có một liên hoan âm nhạc đường phố của TP Hồ Chí Minh diễn ra định kỳ hàng năm và thậm chí có người còn viết ra thành dự án rồi. Nhưng dự án đó không tìm được sự quan tâm. Và nó nằm phủ bụi với quãng thời gian còn lâu hơn tuổi đời của Liên hoan Monsoon của Quốc Trung tại Hà Nội. 

Dường như, ở TP Hồ Chí Minh, âm nhạc đang dần bị lãng quên trong khi một thành phố địa danh du lịch không thể nào thiếu vắng giai điệu và nhịp điệu được.

Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh, ngoài Trường Quốc gia Âm nhạc, trường Cao đẳng nghệ thuật, còn có các trường dạy nhạc rất uy tín của những nhạc sỹ như Đức Trí, Phương Uyên, Thanh Bùi… 

Rất nhiều học viên muốn được chơi nhạc, chơi đúng nghĩa, cho thành phố của họ, nhưng những rào cản khiến họ không dám nuôi giấc mộng ấy nữa, mà thay vào đó, thu mình lại vào các studio để rồi với tuổi tác, giấc mơ cũng tàn tạ dần.

Có lẽ, đã đến lúc chính quyền thành phố nên "trẻ hoá" tâm hồn mình lại, để gần gũi với họ hơn, và để tái tạo một thuộc tính trong những thuộc tính lớn của Sài Gòn: thuộc tính âm nhạc.

Văn Đoàn
.
.