Thành công đến từ lao động nghiêm túc

Thứ Năm, 04/01/2018, 08:34
2017 khép lại, showbiz Việt vẫn nhắc đến những Sơn Tùng M-TP, Chi Pu, Miu Lê… như những nhân vật giải trí có tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng song song đó, showbiz Việt cũng được chứng kiến cái gọi là "sự trỗi dậy trở lại của những vocalist" (trích lại lời của một đồng nghiệp làng báo) khi nhìn thấy thành công hay những sản phẩm chỉn chu, xuất sắc liên tiếp của những Đăng Dương, Tùng Dương, Uyên Linh, Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn và Hồ Trung Dũng…


Phải thừa nhận, không có nơi nào sự phân chia ranh giới trong làng ca nhạc nhẹ lại mạnh mẽ như ở Việt Nam, với khái niệm "giải trí viên" (entertainers) và "giọng hát thực thụ" (vocalist). Ngay cả những người đặt ra khái niệm này cũng thực sự khá mập mờ, thậm chí không nhiều am tường về âm nhạc. Nhưng thị trường đã được "đặt tên" như thế rồi thì ta tạm thuận theo nó, thay vì tranh cãi vô bổ.

"Sự trỗi dậy trở lại" của những giọng ca nội lực như nhận xét ở trên thực tế cho thấy, trên thị trường tiêu thụ âm nhạc, lực lượng khán giả của những sản phẩm "để nghe" vẫn còn đông đảo lắm, chứ không phải đã bị áp đảo hoàn toàn bởi lực lượng khán giả của những sản phẩm "để nhìn là chính". Có thể họ không hùng hậu trong các cuộc "biểu dương trên mạng" khi có tranh cãi nổ ra. Có thể họ không cuồn cuộn trong các đợt bình chọn, kích thích lượt xem, lượt nghe, lượt chia sẻ trên facebook và mạng xã hội nhưng họ sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền cho một sản phẩm mà họ yêu thích, điển hình như Album mới của Mỹ Tâm với hơn chục ngàn bản CD bán ra ngay trong đợt đầu.

Và cũng chính họ điền kín khán phòng live concert của Tùng Dương, của Hà Anh Tuấn dù giá vé rất đắt cũng như chính họ yêu cầu có sự biểu diễn của các nghệ sỹ mà mình yêu thích như Mỹ Tâm. Hồ Trung Dũng, Uyên Linh trong các sự kiện mà họ là nhà đầu tư hay nhà tài trợ.

Điều đó liệu có kích thích những nghệ sỹ có thực tài ở năm mới 2018 hay không? Hay họ lại dễ dàng nản lòng trước những cơn bão bình luận của cộng đồng vô hình khi lại có một scandal nổ ra liên quan đến một đánh giá về một cá nhân nổi tiếng, trẻ đẹp nào đó về chuyện họ có nên trở thành ca sỹ? Đó là một câu hỏi cần người trả lời nó phải thực sự dũng cảm, đủ tình táo để tránh sa vào cạm bẫy của cạnh tranh vô bổ.

Ví như chuyện Tùng Dương, trong một chương trình ca nhạc gần đây, có hát "chơi chơi" một hai câu nhạc sến và lập tức bị diễn dịch thành anh đang mượn nhạc sến để "vênh váo khẳng định đẳng cấp" hay "mỉa mai những đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh". Thực sự, suy luận âm mưu kiểu ấy cực nguy hiểm, vì nó kích động đám đông rất nhanh chóng. Tùng Dương thực tài, Tùng Dương không cần phải tham dự vào những đấu đá kiểu vô bổ và mất thời gian như thế.

Nhưng thực chất, cũng có nhiều nghệ sỹ thay vì lao động, tung ra các sản phẩm mới để khẳng định tài năng và vị thế của mình, lại sa đà vào những tranh luận vô bổ, mất thời gian kể trên. Và khi được hỏi tại sao không trả lời bằng sản phẩm, họ dễ dàng đổ lỗi rằng thị trường đã bị làm "hỏng"; thị hiếu đã bị "biến thái lệch lạc" bởi số đông những giải trí viên kém cỏi về chuyên môn và dễ dãi về thẩm mỹ.

Chính những thái độ ấy mới khiến thế giới của những nghệ sỹ thực tài không sôi động như thế giới giải trí. Họ quên mất rằng, thính giả cần sản phẩm. Và họ cũng quên mất rằng, quả ngọt chỉ dành cho ai chịu lao động. Vượt trên hết, họ quên luôn một điều vô cùng quan trọng. Đó là bằng việc họ không làm gì, chỉ nói, họ đã để những người đồng nghiệp mà họ yêu quý, bênh vực như Tùng Dương, Uyên Linh, Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm… trở nên cô đơn hơn trong cuộc chiến giành lấy thị phần.
Văn Đoàn
.
.