Thái bình nên gắng sức, Non nước ấy nghìn thu

Thứ Ba, 13/02/2018, 07:35
Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), ngay trong những thời khắc mà cả một triều đại còn đang hát khúc khải hoàn ca thì Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải đã nhắc đến tư tưởng ấy. Hai chữ "thái bình" trong câu thơ của ông gợi ra những ngẫm nghĩ đến tận ngày hôm nay. 


Để một đất nước thái bình thì phải làm gì? Phải có một quân đội mạnh để giữ nước - điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Còn phải có sự "tu trí lực" - "nên gắng sức" từng ngày, từng giờ, không ngừng nghỉ để có thể kiến thiết nội lực bên trong của đất nước mình.

Nhìn lại thời đại nhà Trần, chúng ta thấy, cái vĩ đại của triều đại này không chỉ là 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, mà còn nằm ở vế sau - khả năng kiến thiết triều đình và đất nước. "Đại Việt sử ký toàn thư" kể rằng, có người quen biết tới gặp vợ của Trần Thủ Độ, nhờ xin được làm chức "câu đương" - một chức nhỏ trong làng, chuyên lo việc bắt bớ.

Trần Thủ Độ gật đầu đồng ý, nhưng khi gặp người này liền ra một điều kiện: "chức câu đương của ngươi do xin mà thành, không giống với tất cả những chức câu đương khác, vậy phải chặt một ngón chân của ngươi, để phân biệt với những người khác".

Đến lúc này thì "người đi xin chức" sợ quá, van xin khóc lóc hồi lâu mới được tha cho, và từ đấy không còn ai dám đi "cửa sau", xin chức Trần Thủ Độ. Hành động vừa khéo léo vừa quyết liệt của Trần Thủ Độ nhắm tới mục đích gì? Chắn chắn là để xây dựng một sự trong sạch, vững mạnh từ bên trong, hướng đến việc thái bình muôn thuở.

Đến thời Trần Hưng Đạo, chúng ta biết rằng trước khi từ giã cõi đời, ông đã nói với vua Trần một câu nổi tiếng: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách của giữ nước". Và chúng ta hiểu, để có thể "khoan thư sức dân" thì người cầm quyền vừa phải yêu dân, thương dân vừa phải xác lập một triều đình trong sạch để dân nhìn vào đó còn tin tưởng.

Tiếc là đến cuối đời Trần thì tất cả những tư tưởng vĩ đại này đều không được thực hiện, nên một triều đại từng huy hoàng 3 lần thắng quân Nguyên cuối cùng phải nhường thiên hạ cho người khác. Đời sống một triều đại, một dân tộc đôi khi cũng giống như đời sống một con người, đến khi nào không còn "tu trí lực" thì tất yếu chạm đến bến bờ diệt vong.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu quan điểm: “Phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết”.

Sang đến thời hiện đại, chúng ta không quên trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, khi được tin Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, tổ chức một "tiệc cưới linh đình trên xương máu chiến sĩ" (theo cách nói của nhà thơ Đoàn Phú Tứ) thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm minh.

Toà án binh kết tội tử hình Trần Dụ Châu. Một lá đơn tha tội chết được gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người liền chỉ vào một cành xoan đang héo và hỏi đồng chí Trần Đăng Ninh vì sao cây héo. Đến khi đồng chí Trần Đăng Ninh trả lời: "Vì thân cây bị sâu đục một lỗ rất to" thì Người liền bảo: "Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết".

Việc Trần Thủ Độ thời xưa đề nghị chặt một ngón chân kẻ đã xin xỏ chức tước, rồi Hồ Chí Minh đề nghị "giết đi một con sâu" diễn ra trong những không gian - thời gian khác xa nhau nhưng cùng giống nhau ở một điểm: Luôn luôn "tu trí lực" để luôn luôn "khoan thư sức dân", hướng đến khát vọng thái bình.

Ở thời đại hiện nay, thời đại chúng ta đang sống, có lẽ chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một cuộc diệt trừ tham nhũng quyết liệt đến như thế. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị bị đưa ra xét xử công khai với những vi phạm nghiêm trọng xảy ra thời còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Nói như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc tiếp xúc cử tri thì: "Lần trước toàn nói là tắm từ vai xuống, giờ là từ đầu xuống. Lòng dân ủng hộ, đang làm rồi phải làm tiếp, không dừng lại".

Trong một lần tiếp xúc cử tri khác, Tổng Bí thư chia sẻ nỗi lòng mình: "Chẳng thích thú gì kỷ luật đồng chí của mình, thậm chí là rất day dứt và đau xót, nhưng sai phải kỷ luật, vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm minh". Hai chữ "nghiêm minh" ấy xét cho cùng cũng là để "khoan thư sức dân", thể hiện rất rõ tinh thần "tu trí lực", nối tiếp cái khát vọng thái bình mà tiền nhân từng chỉ ra. 

Để thái bình ngàn thu nhất định phải "khoan thư sức dân", và để "Khoan thư sức dân" thì nhất định phải nghiêm minh, không có bất cứ con đường nào khác!

Phan Đăng - Xuân 2018
.
.