Tập... đọc và tập... nghe

Thứ Bảy, 09/07/2016, 08:03
Nói cho đầy đủ thì phải nói: Tập thói quen đọc và thói quen nghe, trong mọi giới nói chung và trong giới văn chương nói riêng.


Có một điều đáng buồn là lâu nay, nhà văn ta rất ít đọc tác phẩm của nhau, nhất là đối với những ai chưa quen mặt hoặc chưa nổi tiếng. Một sự bàng quan về nhau như thế, dẫu có thế nào, vì lý do gì, cũng là khó hiểu. Hậu quả là nhiều người không biết bạn viết của mình đã viết gì và viết thế nào. Đáng buồn hơn là có nhiều người khi tặng tác phẩm mới xuất bản cho một người cùng giới hẳn hoi, vậy mà có khi vẫn hỏi người bên cạnh: Ông này (hoặc bà này) là nhà văn hay nhà thơ nhỉ? Một sự định danh đã khó khăn như thế, thì hẳn sự định tính còn khó khăn hơn nhiều.

Tôi đã có một vài lần mục sở thị những chuyện na ná như vậy. Mà với một vài người có quyền hạn và trách nhiệm hẳn hoi. Một vị có chân trong một hội đồng thơ chẳng hạn. Một vị trong một hội đồng văn xuôi chẳng hạn. Một vị là chủ tịch một hội văn học nghệ thuật một địa phương chẳng hạn. Là người "chân trắng" thì chẳng nói làm gì, nhưng một khi đã có "máu mặt", có quyền "giám định" tác phẩm ít nhiều để đề cử vào giải này, giải nọ, mà cũng có cách hành xử rất người thường như thế, thì e rằng không được ổn cho lắm.

Trong một phiên họp vòng sơ khảo một cuộc xét giải thưởng thưởng niên, một vị có chân trong hội đồng thơ nhận xét: "Thơ ông T. với thơ của ông M. rất giống nhau ở lối viết, cách viết. Nếu ta chọn một trong hai ông thì chọn ông nào chẳng được. Việc gì mà phải băn khoăn. Xét cho cùng thì cũng một chín, một mười, cũng trứng gà trứng vịt thôi mà!". Trong khi thơ ông T. thiên về cảm xúc, thơ ông M. thiên về trí tuệ. Về lối viết và cách viết, họ xa nhau một trời một vực. Ngay sự khác nhau đã không phân biệt nổi, nói gì đến sự hơn nhau. Cái lỗi chính là vị này đã không đọc thơ của cả ông T. lẫn ông M. và rồi cứ thế mà phán theo lối: trúng cũng được, trật cũng chẳng sao.

Trong một lần buộc phải bỏ phiếu qua điện thoại về một giải văn xuôi thường niên, một vị là ủy viên một hội đồng văn xuôi bảo: "Tôi chưa thể bỏ phiếu được, vì chưa có thời gian đọc những mười mấy tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Nếu đòi hỏi gấp gáp về mặt thời gian như thế thì tôi chịu. Nhưng chỉ một tiếng đồng hồ sau, chính vị này lại thay đổi quyết định và đọc ngay một danh sách tác phẩm đề cử của mình. Bởi thế mà mới có người lắc đầu: "Chỉ trong vòng có 60 phút mà làm được ngay như thế, thì quả là tài, nếu như không muốn nói là thánh thật!".

Vân vân và vân vân.

Đấy là cái sự tập… đọc. Còn cái sự tập… nghe, xem chừng còn rắc rối và "vòng vo Tam Quốc" hơn nhiều.

Theo quan sát của tôi thì hễ cứ có 3 - 4 nhà văn ngồi với nhau (có khi chỉ mới uống trà, còn hoàn toàn tỉnh táo, chưa đến mức uống rượu, uống bia, đã có phần quá chén) đã có chuyện om xòm như mổ bò lên rồi.

Ở quán trà, quán cà phê, quán bia, quán rượu… có thể bỏ qua. Ôi cái chuyện "ngày thường ở huyện" ấy mà! Ôi cái chuyện tầm phào, chém gió cho vui ấy mà! Nhưng ở nhiều cuộc họp, ở nhiều hội nghị… cũng thế. Khi cử tọa phát biểu, ở dưới nói chuyện tự nhiên và ồn ào như chợ vỡ. Người nói cứ nói, người nghe không nghe hoặc toàn nói chuyện riêng với nhau cho… sướng mồm.

Lại có chuyện: Người lên diễn đàn thuộc diện chính tắc hẳn hoi. Bài tham luận cũng có nhiều tâm huyết. Cũng không "vi phạm" gì về mọi quy định (kể cả thời gian). Lại cao tuổi nữa. Vậy mà người ta mới phát biểu dở chừng… đã vỗ tay đuổi người ta xuống một cách thô bạo. Nhân đây, tôi cũng xin "triển khai" thêm: Đã mấy kỳ đại hội nhà văn, không hiểu sao lại có hiện tượng lạ là: Vỗ tay không phải để hưởng ứng mà để phản ứng.

Có người bảo: Chung quy cũng bởi các nhà văn thường yêu mình quá, yêu cái tôi, yêu cái ngã của mình quá, đấy thôi!

Cũng có người lại bảo: Chung quy cũng bởi các nhà văn thường thích nói mà không thích nghe, đấy thôi!

Lại có người bảo: Nếu thế thì về nhà, đóng cửa lại, rồi một mình nói cho mình mình nghe, không làm rác tai người khác.

Trong thực tế, học nói, phải có thời gian; học im lặng, phải có thời gian nhiều hơn nữa. Còn tập học nghe, theo tôi, có thể tốn thời gian ít hơn học im lặng và nhiều hơn thời gian học nói. Nhưng trước khi để học được nghe, cần phải tập nghe đã.

"Tôi nghe anh nói không có nghĩa là tôi đồng ý với anh. Và tuy tôi không đồng ý với anh nhưng tôi vẫn nghe anh nói" - Câu nói như một lời nhắc nhở cửa miệng này đã được người phương Tây áp dụng và trở nên phổ biến từ lâu. Nghe đâu cách nay đến vài thế kỷ. Một thông điệp rút ra ở đây là: Phải tôn trọng người khác, phải nghe thì mới có thể  hiểu, phải lắng nghe thì may ra mới có thể thấu hiểu được.

Cổ nhân từng dạy: "Người nói phải có kẻ nghe". Một khi người nói mà không có kẻ nghe, thì làm sao có thể làm nên một cuộc tâm sự, một cuộc trò chuyện... huống chi là một diễn đàn.

Ấy cũng là văn hóa nghe vậy!

Đặng Huy Giang
.
.