Tạ lỗi cùng mưa bụi (Thơi Anh Ngọc)

Thứ Ba, 04/06/2013, 08:04

Thời gian đâu có đợi chờ ai. Vòng quay thời gian cứ trôi đi. Những hình ảnh gắn với đặc trưng của từng mùa như đào, mai, sen, cúc; gắn với những từ chỉ sự thay đổi như phai, nhạt, tàn đã dẫn đến một lời cảm thán về sự một đi không trở lại của thời gian: "Chẳng còn xuân hạ, hết thu đông". Cảm xúc của nhà thơ ở đây là nỗi buồn nuối tiếc trước sự bất lực vì đã không theo kịp vòng quay tạo hóa khi cứ để: "Tháng ngày như lá rơi về đất", cứ để: "Mưa nắng vần xoay trọn một vòng" mà chẳng có được một sự sáng tạo tương xứng nào.

Chưa kịp làm thơ về mưa bụi
Tiếng ve thoắt đã gọi sang hè
Loay hoay bút mực chưa xong nợ
Đã thấy thu về trong gió se 

Vừa mới gặp em dừng trước cửa
Xiêm y lất phất mái hiên ngoài
Khói sương mấy độ mờ nhan sắc
Em khóc hay là mưa ướt vai. 

Đào phai, mai nhạt, tàn sen cúc
Chẳng còn xuân hạ, hết thu đông
Tháng ngày như lá rơi về đất
Mưa nắng vần xoay trọn một vòng 

Chao ôi mưa bụi, ơi mưa bụi
Chữ nghĩa vô duyên lỡ hẹn rồi
Ước gì trở lại xuân năm cũ
Để được "làm mưa tan giữa trời" (1)
 

Bài thơ "Tạ lỗi cùng mưa bụi" của nhà thơ Anh Ngọc được viết vào tháng 5/1992.

Bài thơ là tâm trạng của một nhà thơ trước vòng quay của tạo hóa, cảm thấy mình có lỗi với thời gian và không gian đã gắn với cuộc đời mình mà mình chưa bộc lộ được trong thơ. "Mưa bụi" có gì mà khiến nhà thơ phải tạ lỗi? Vâng! Mưa bụi là hình tượng tượng trưng cho một thời điểm, một không gian gắn bó với những rung cảm của tác giả. Mưa bụi gắn với mùa xuân, mà mùa xuân lại thường gắn với tình yêu, gắn với cảm xúc thăng hoa khi đất trời ban tặng cho con người sự sống sinh sôi, vẻ đẹp mơn mởn của cỏ cây hoa lá...

Tâm trạng "tạ lỗi" của nhà thơ chính là tâm trạng thấy mình có lỗi khi chưa kịp có những câu thơ về mưa bụi, vì thời gian trôi đi nhanh quá:

Chưa kịp làm thơ về mưa bụi
Tiếng ve thoắt đã gọi sang hè
Loay hoay bút mực chưa xong nợ
Đã thấy thu về trong gió se.

Ý thức về thời gian, ý thức về những điều mình chưa làm được là ý thức của một con người có trách nhiệm. Điều đó còn cho ta thấy một tâm hồn thơ luôn khát vọng về sự sáng tạo. Sự trách cứ bản thân "chưa xong nợ" cho ta thấy cái nợ văn chương đã gắn vào cuộc đời nhà thơ Anh Ngọc như bao nhà văn nhà thơ tài hoa khác luôn cảm thấy mắc nợ với cuộc đời...

Tâm trạng mắc nợ ở đây được đẩy lên cao hơn trước người thiếu nữ mà nhà thơ đã gặp trước đây:

Vừa mới gặp em dừng trước cửa
Xiêm y lất phất mái hiên ngoài
Khói sương mấy độ mờ nhan sắc
Em khóc hay là mưa ướt vai.

Hình ảnh người thiếu nữ trong khổ thơ là hiện thân của cái đẹp. Nhà thơ như cảm thấy mắc lỗi khi để thời gian trôi đi cùng với sự phai nhạt nhan sắc của người thiếu nữ mà mình thì chưa nói được điều gì. Cái mờ ảo trong câu thơ từ lần mới gặp: "Xiêm y lất phất mái hiên ngoài" đến lần gặp sau đã là: "Em khóc hay là mưa ướt vai", tâm trạng ngỡ ngàng trong cái độ mờ của hình ảnh người thiếu nữ chính là câu hỏi và cũng là nỗi băn khoăn, là sự suy tư trước mỗi nhịp đi của thời gian.

Thời gian đâu có đợi chờ ai. Vòng quay thời gian cứ trôi đi. Những hình ảnh gắn với đặc trưng của từng mùa như đào, mai, sen, cúc; gắn với những từ chỉ sự thay đổi như phai, nhạt, tàn đã dẫn đến một lời cảm thán về sự một đi không trở lại của thời gian: "Chẳng còn xuân hạ, hết thu đông". Cảm xúc của nhà thơ ở đây là nỗi buồn nuối tiếc trước sự bất lực vì đã không theo kịp vòng quay tạo hóa khi cứ để: "Tháng ngày như lá rơi về đất", cứ để: "Mưa nắng vần xoay trọn một vòng" mà chẳng có được một sự sáng tạo tương xứng nào.

Hình tượng mưa bụi lại trở về trong khổ kết bài thơ cùng với tâm trạng trách cứ cho chữ nghĩa của mình. Khát khao cuộc sống được những tác phẩm hay luôn là nỗi ám ảnh của các nhà văn nhà thơ. Là những nhà văn, nhà thơ chân chính, họ luôn không hài lòng trước những gì mình đã có, vì vậy họ cảm thấy "Chữ nghĩa vô duyên lỡ hẹn rồi". Họ muốn hóa thân vào cái đẹp của tự nhiên, của cuộc đời như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng muốn: Để được "làm mưa tan giữa trời".

"Tạ lỗi cùng mưa bụi" không chỉ là lời tạ lỗi của nhà thơ Anh Ngọc mà còn là lời tạ lỗi của những ai yêu cái Đẹp và luôn muốn ngợi ca cái Đẹp, nhưng chưa làm được gì nhiều cho cái Đẹp để được song hành cùng cái Chân cái Thiện.  

----

(1) Lời bài hát "Biết đâu nguồn cội" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Trần Bá Giao (chọn và bình)
.
.