Sản phẩm văn hóa cũng chính là hàng hóa

Thứ Ba, 30/05/2017, 08:04
Trong Hội nghị "Thủ tướng với doanh nghiệp 2017" có tên "Đồng hành cùng doanh nghiệp" diễn ra tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một phát ngôn vô cùng ấn tượng: "Bây giờ chúng ta chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam", một câu nói ngỡ chừng đơn giản nhưng ẩn chứa trong nó lại là nhiều vấn đề sâu rộng.


Giả sử, nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng "Bây giờ chúng ta phải chuyển sang tâm thế", điều đó sẽ như một mệnh lệnh. Nhưng Thủ tướng chọn một vị thế khác, hoàn toàn phù hợp trong cuộc hội đàm mang tính đồng hành. Đó là tâm thế của một ý kiến tư vấn của người đứng đầu Chính phủ với các thành phần kinh tế. Điều đó có nghĩa rằng, lời tư vấn kia vẫn để một khoảng mở để chính các doanh nghiệp phải vận động và vận dụng theo đúng hoàn cảnh tồn tại của mình.

Nhưng vượt qua vấn đề câu chữ ấy lại là câu chuyện lớn hơn, cần phải tập trung suy ngẫm nhiều hơn. Ấy là một gợi mở về thay đổi tư duy. Bao nhiêu thập niên qua, kể từ ngày chúng ta mở cửa và áp dụng cơ chế thị trường, chúng ta quá quen với một khẩu hiệu "Người Việt dùng hàng Việt". Nó như một kêu gọi của doanh nghiệp với người tiêu dùng, một kêu gọi dựa trên chủ nghĩa ái quốc, một kêu gọi đánh vào sự thông cảm, đồng cảm nhiều hơn.

Các siêu thị luôn căng khẩu hiệu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ái quốc là điều cần phải có, song trong vận hành kinh tế, quy luật của thị trường mới là thứ lên tiếng quyết định. Và khi Thủ tướng gợi ý rằng "đổi sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam", ông đã mở ra một hướng tư duy của người làm kinh tế thực sự. Ấy là tư duy lấy thị trường làm trọng tâm, đề cao nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng, lấy đó làm đích phấn đấu để các doanh nghiệp quốc nội phải tìm cách đáp ứng, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, dịch vụ gia tăng đi kèm để người Việt cảm thấy đó là sản phẩm thỏa mãn họ và thay cho thói quen mua sản phẩm tương tự của nước ngoài, họ sẽ tự nguyện lựa chọn sản phẩm Việt Nam.

Câu chuyện kinh tế kể trên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở ra, có thể áp dụng vào thị trường văn hoá được không? Hoàn toàn có thể, nếu ta nhìn vào những diễn biến thị trường của gần chục năm qua.

Một ví dụ điển hình mà chúng ta không thể bỏ qua là trường hợp phim "Em chưa 18" phá kỷ lục doanh thu (hơn 150 tỷ), đánh bại cả "Kong: Skulls island" lẫn "Em là bà nội của anh", một phim mua kịch bản mẫu của Hàn Quốc. "Em chưa 18" là một kịch bản của đạo diễn trẻ người Việt, với những diễn viên Việt Nam thậm chí còn chưa nhiều tên tuổi, nhưng đã đột phá ngoạn mục.

Trong khi đó, chúng ta nhìn lại và giật mình thấy rằng rất nhiều sản phẩm điện ảnh ăn khách trên thị trường điện ảnh Việt hôm nay là phim nhập khẩu, phim "mượn hồn" nước ngoài. Thậm chí, tình hình còn trầm trọng hơn ở mảng phim truyền hình. Hai bộ phim truyền hình đang đình đám hôm nay là "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử" đều là kịch bản gốc mua từ nước ngoài, một từ Trung Quốc và một từ Israel. Còn phim truyền hình Việt, thuần Việt thì sao? Hoàn toàn lép vế so với phim nhập khẩu tràn lan bao năm nay.

Chúng ta có thể trách ngành văn hoá chưa có chính sách bảo hộ tốt như Hàn Quốc đã từng làm với thị trường của họ, nhưng chúng ta không thể không trách chính những "doanh nghiệp" văn hoá Việt Nam chưa thực sự nghiêm túc và tự tin trong việc chinh phục người tiêu dùng nước nhà. Chính sự thiếu nghiêm túc và thiếu dũng cảm ấy đã khiến họ tìm đến đích đến an toàn: nhập khẩu hoặc phái sinh từ "phần hồn" ngoại nhập.

Bây giờ, khi Thủ tướng Chính phủ đã mở ra một cách suy nghĩ, tiếp cận mới cần phải có, phải chăng đã đến lúc chúng ta phải nghĩ khác, làm khác. Đó là hãy đặt ngành văn hoá vào tổng thể của một ngành công nghiệp, đừng vội coi các sản phẩm sản xuất ra là tác phẩm, mà hãy đối xử với nó như một sản phẩm văn hoá, một dạng hàng hoá đặc biệt.

Và khi nó được xem là hàng hoá đặc biệt, việc nghiên cứu thị trường của nó cần gì, đòi hỏi gì, mong mỏi gì để từ từ đáp ứng, từ từ chinh phục người tiêu dùng cũng cần phải được thực hiện một cách có trình tự, có chiến lược, có kế sách, bí quyết riêng một cách thực sự khoa học. Có như thế, trên thị trường văn hóa, chúng ta mới không đánh mất vị trí của chính mình và tự đẩy mình vào thế kẻ làm thuê cho những đối thủ cạnh tranh nước ngoài. 

Hà Quang Minh
.
.