Sai một ly, đi một dặm

Thứ Hai, 01/10/2012, 08:00
Xung quanh chuyện trích dẫn sai thơ trong tranh luận học thuật.

Gần đây, trên một số trang web của bạn bè, đồng nghiệp, thi thoảng tôi lại được đọc một số bài góp ý, tranh luận học thuật của nhà thơ Đỗ Hoàng, biên tập viên Tạp chí Nhà văn. Tôi với Đỗ Hoàng vốn là chỗ thân quen. Bỏ qua những khác biệt về cá tính, tôi quý anh ở chỗ say thơ, tâm huyết với những chuyện liên quan đến vấn đề thơ cũ thơ mới. Thôi thì, trong học thuật, có thể mỗi người một góc nhìn, một quan điểm, có ý kiến Đỗ Hoàng đưa ra tôi tán thành, lại có chỗ tôi chưa tán thành - âu cũng là chuyện bình thường. Duy có việc này thì tôi không "bằng lòng" với anh: Ấy là trong việc trích dẫn thơ, anh tỏ ra khá dễ dãi. Những chỗ anh trích sai nhiều quá. Điều này tôi đã từng góp ý với Đỗ Hoàng, theo kiểu "trong nhà đóng cửa bảo nhau", nhưng hôm nay, tôi thấy cần phải lên tiếng trên báo, vì những lỗi ấy của anh xem ra vẫn tái diễn, và có cơ nhiều hơn là khác. Tôi cũng xem đây là dịp để đính chính thay cho một số tác giả - "nạn nhân" của việc trích dẫn sai thơ của anh.

Trong bài "Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định, đánh giá sai Thơ Mới, thơ chống Pháp…" được tải trên một số trang mạng, Đỗ Hoàng trích dẫn sai thơ của nhiều tác giả. Câu thơ của Thế Lữ "Trời cao xanh ngắt - Ô kìa/ Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai" được Đỗ Hoàng dẫn ra là: "Trời thu xanh ngắt. Ơ kìa/ Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai", chỉ 14 chữ mà sai tới 2 chữ. Đừng nghĩ đây là lỗi vặt. "Trời thu" khác với "Trời cao", vả chăng trong trường hợp này, không thể là "Trời thu" được. Ở đầu bài thơ (có tên gọi "Tiếng sáo thiên thai"), Thế Lữ chẳng đã viết: "Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi", vậy thì là mùa xuân chứ sao lại mùa thu?

Hai câu của Nguyễn Bính, nguyên văn là "Anh đi đấy, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…" lại được Đỗ Hoàng dẫn ra là: "Ai đi đây, ai về đâu" thì ngang phè, chẳng còn ý vị gì nữa.

Cũng vẫn liên quan đến thơ Thế Lữ, mấy câu mở đầu bài "Nhớ rừng" của ông được Đỗ Hoàng dẫn chẳng đâu vào đâu. Không phải là "Gặm một nối im lìm trong cũi sắt/ Ta nằm đây cho ngày tháng dần qua" mà phải là "Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua". Câu "Hay cặp báo buồng bên vô  tư lự" cũng không phải…Thế Lữ. In đúng nó phải là "Với cặp báo chuồng bên vô tư lự". Không ai gọi nơi nhốt hổ báo là… buồng cả. Vậy chứ chữ "chuồng" dùng vào việc gì? 

Bốn câu của Chế Lan Viên cũng bị trích sai trầm trọng. "Ai đâu trở lại mùa xuân trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/ Kể cả loài hoa muôn cánh rã/ Về đây đem chắn nẻo xuân sang". Không phải vậy. Nguyên văn của nó thế này: "Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/ Với của hoa tươi, muôn cánh rã/ Về đây đem chắn nẻo xuân sang". Mùa thu mà nhớ nhầm ra thành mùa xuân thì còn ý nghĩa gì nữa - trong trường hợp này?

Mấy câu trong bài "Phương xa" của Vũ Hoàng Chương cũng bị Đỗ Hoàng trích sai. Không phải "Suốt một đời người u uất nỗi chơ vơ" mà là "Một đôi người u uất nỗi chơ vơ", từ "đôi người" mà nhầm ra là "đời người", từ "một đôi" mà nhầm ra "Suốt một" thì nguy quá, còn đâu tinh thần của tác giả nữa.

Cũng vẫn thơ Vũ Hoàng Chương, Đỗ Hoàng trich dẫn mấy câu ở bài "Say đi em": "Say đi em/ Say cho lơi lả ánh đèn/ Cho cung bậc ngả nghiêng/ Cho điên rồ xác thịt/ Rượu, rượu nữa/ quên quen hết". Có thể phần trích của Đỗ Hoàng nghe "say" hơn của Vũ Hoàng Chương, nhưng thơ thật của Vũ Hoàng Chương phải là thế này: "Say đi em! Say đi em/ Say cho lơi lả ánh đèn/ Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt/ Rượu, rượu nữa và quên quên hết".

Đấy là thơ của các nhà Thơ mới. Ở phần thơ chống Mỹ, Đỗ Hoàng cũng trích dẫn sai be bét. Hai câu thơ của Phạm Tiến Duật: "Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa/ Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi" lại được Đỗ Hoàng trích ra là: "Không cần nghỉ lái trăm cây số nữa/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha". Sao lại đưa cái "cười ha ha" từ một khổ thơ khác vào đây?

Cũng vậy, câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm: "Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn/ Ta hát lên là chúng nó chẳng còn" lại được trích dẫn thành: "Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn/ Trên đỉnh Trường Sơn ta hát". Không biết cái câu "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát" ở đâu lại nhảy vào đây. Đúng là thơ - nhạc giao duyên.

Còn nhiều trường hợp khác mà Đỗ Hoàng trích dẫn sai, nhưng vì khuôn khổ có hạn của một bài báo, tôi không tiện dẫn ra ở đây. Nói chung, Đỗ Hoàng dẫn thơ chủ yếu căn cứ vào trí nhớ mà thiếu cẩn trọng tra cứu lại sách vở. Việc dẫn theo trí nhớ có thể dùng ở những chỗ giao đãi thù tạc, còn trong tranh luận học thuật, nhất là trên báo chí, kể cả trên các trang mạng thì không ổn, rất không ổn. Hầu hết những câu thơ trên Đỗ Hoàng đều trích dẫn để khen, để so sánh với thơ người khác mà anh có ý định chê. Câu đáng khen mà trích sai cũng hóa dở. Vậy còn trường hợp trích dẫn để phê mà lại trích sai? Nếu sai trong trường hợp này thì khá… rắc rối. Người bị trích sai có thể phản ứng lại như bỡn.

Thiết nghĩ, mọi ý kiến tranh luận có thể đúng đắn, sâu sắc đến đâu chăng nữa mà phần dẫn chứng lại sai thì coi như mọi lý lẽ đêu vô tác dụng. Các cụ vẫn nói, xảy một ly, đi một dặm mà

Tường Duy
.
.