Sách kể chuyện danh nhân nước Việt: đầy sạn!

Thứ Hai, 08/08/2016, 16:50
Sách "Những câu chuyện về danh nhân nước Việt" là tập hợp chuyện kể về các nhân vật lịch sử, những danh nhân văn hoá của nước ta từ thời dựng nước cho đến thời kỳ hiện đại, do tác giả Hạnh Nguyên biên soạn, NXB Lao Động ấn hành. Biên soạn sách lịch sử nhưng có lẽ tác giả thiếu kiến thức lịch sử nên cuốn sách đầy rẫy những sai sót từ trang mở đầu cho đến trang cuối cùng. 


Mở đầu trang sách là bài "Câu chuyện về Đỗ Cảnh Công" viết về nhân vật Đỗ Cảnh Thạc, một viên tướng của Ngô Quyền, tác giả vì dụng ý riêng nên đề cao nhân vật không có công trạng gì nổi bật đối với đất nước nên đã hư cấu ra những chi tiết không có thực để tâng bốc, đơn cử một đoạn: "Trong trận đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938), chính ông là người đã bày mưu cho Ngô Quyền. Quân ta đã bắt sống tướng giặc Hoàng Thao" (tr.9).

Đây là một sự bịa đặt, gán ghép khiên cưỡng vì sự "bày mưu" này không thấy được đề cập đến trong các bộ chính sử của các  triều đại phong kiến cũng như giới sử gia hiện nay. Hoằng Tháo (Thao) bị giết chết trong trận thuỷ chiến tại sông Bạch Đằng chứ không phải bị quân ta bắt sống.

Thật "lạ lùng" hơn khi tác giả gán ghép mối quan hệ, quen biết giữa các nhân vật đương thời mà thực tế họ chẳng có quen biết, dây mơ rễ má gì nhau, như câu chuyện "Anh chẳng có lỗi gì" (tr.137), kể về mối quan hệ thầy trò giữa thầy giáo Vũ Tông Phan và quan đại thần Vũ Duy Dương dưới thời nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX. Vũ Duy Dương được triều đình cử làm chánh chủ khảo (Chủ tịch Hội đồng giám khảo) đã cho đánh rớt một thí sinh, sau đó mới biết là con thầy Vũ Tông Phan.

Ông đến xin lỗi thầy giáo của mình nhưng được người thầy an ủi và khen ngợi ông làm đúng theo phép nước, công bằng trong thi cử… Sự thật lịch sử: Vũ Tông Phan (1804 -1862) đỗ tiến sĩ năm 1826, làm quan đến Đốc học Bắc Ninh rồi từ chức. Sau khi từ quan ông về mở trường dạy học tại thôn Tự Tháp, phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương (nay là quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), là một nhà giáo danh tiếng, học trò ông nhiều người đỗ đạt nổi tiếng như Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, Hoàng giáp Lê Đình Diên, Phó bảng Phạm Hy Lượng, Cử nhân Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Đặng…

Bìa sách Những câu chuyện về danh nhân nước Việt.

Còn Võ Duy Ninh (1804-1859) quê ở Quảng Ngãi, đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên (Thừa Thiên - Huế ngày nay) năm 1834, làm quan đến Tổng đốc Định - Biên (Gia Định và Biên Hoà) và hy sinh trong đợt quân Pháp đánh thành Gia Định (1859). Hai ông cùng tuổi, một ông ở Quảng Ngãi, một ông ở Thăng Long, xa hàng nghìn km thì làm sao là thầy trò của nhau được? Có lẽ tác giả ở thế kỷ XXI thấy hai ông ở thế kỷ XIX có cùng một họ (Vũ - Võ) nên đã "se duyên" cho họ thành thầy - trò chăng (?)

Ở một số đoạn tác giả phóng bút theo cảm nhận chủ quan, không phù hợp với sự thật lịch sử, như đoạn viết về Phan Bội Châu: "…Phan Bội Châu mang cái án "chung thân bất đắc ứng thí" (suốt đời không được đi thi) vì tội "hiệp hoài văn tự" (mang sách vào trường thi). Không còn hy vọng qua con đường khoa cử, mong cho thành danh "… chuốc lấy chút tên tuổi để sau này có bàn đạp mà rong ruổi" (Phan Bội Châu niên biểu) Phan Bội Châu ra Bắc rồi vào Huế dạy học với mục đích tiếp cận với giới quan lại và hàng ngũ sĩ phu có tư tưởng tiến bộ để tìm người đồng tâm, đồng chí" (tr.170).

Sự thật lịch sử: Sau khi bị cái án "cấm suốt đời không được đi thi" tại khoa thi Hương trường Nghệ năm Đinh Dậu (1897), Phan Bội Châu vào kinh đô Huế làm gia sư để kiếm sống và tìm cơ hội để gỡ cái án oan cho mình, vì ông cần phải thi cử đỗ đạt để có khoa danh, uy tín mà làm cách mạng. Ở Huế, ông chơi thân với người bạn đồng hương là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, đang làm việc tại Quốc sử quán.

Một lần, giáo quan trường Quốc tử giám ra đầu đề bài phú với sự tích "lạy đá" trong điển tích sách Tàu cho giám sinh (học sinh trường Quốc tử giám) làm. Đặng Nguyên Cẩn mang tựa đề bài phú về đưa cho Phan Bội Châu. Phan viết ngay bài phú  "Bái thạch vi huynh" (Lạy đá tôn làm anh).

Hôm sau Đặng Nguyên Cẩn đưa cho người bạn đồng liêu tại Quốc sử quán là Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền xem. Bài phú quá xuất sắc, Nguyễn Thượng Hiền đưa cho các trí thức khoa bảng tại kinh đô xem, ai cũng ngợi khen. Do quý tài năng và hiểu chuyện oan uổng của Phan nên các ông Nguyễn Thượng Hiền, Khiếu Năng Tĩnh… đã đệ đơn lên vua Thành Thái xin xoá án cho Phan. Vua Thành Thái chấp thuận. Phan Bội Châu trở về quê và thi đỗ Giải nguyên (cử nhân thủ khoa) tại trường Nghệ năm Canh Tý (1900).

Như vậy năm 1897, Phan Bội Châu còn bận bịu việc học hành, thi cử chứ chưa phải là giai đoạn dấn thân làm cách mạng, ông vào Huế với mục đích như vừa kể trên chứ không phải "mục đích tiếp cận với giới quan lại và hàng ngũ sĩ phu có tư tưởng tiến bộ để tìm người đồng tâm, đồng chí" như nhận định của tác giả. Điều này chỉ diễn ra từ năm 1903, khi Phan Bội Châu đã có chân cử nhân, xin vào học trường Quốc tử giám để  chuẩn bị thi Hội, sự thực là đang tìm bạn đồng tâm, đồng chí để thực hiện công cuộc cứu nước.

Ở giai thoại "Lên bà không khó", tác giả viết về tình cảnh thi trượt và sự ngông nghênh của thí sinh Nguyễn Khắc Hiếu (tức nhà thơ Tản Đà sau này): "Khoa này (Nhâm Tý)… nhìn bảng không có tên, cậu ấm Hiếu cùng với một số đông những anh em trượt thi vào quán trước cổng trường uống rượu giải buồn… Một người trong đám biết tiếng Nguyễn Khắc Hiếu có tài làm thơ đứng lên nói:

- Bác ấm rất tài thơ, thử tức cảnh cho anh em nghe một bài cho đỡ buồn.

Nguyễn Khắc Hiếu không đợi để nói lần thứ hai, liền ngâm:

Văn hay chẳng đỗ thời đừng
Gió mưa khỏi chết nửa mừng nửa thương
Cái nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường
Bảng vàng mũ bạc anh nhường mặc ai
Muốn lên bà khó lắm em ôi".

Mọi người nghe xong đều phá lên cười. Rõ ràng bài thơ đã cất đi một phần cái gánh nặng chung của những người hỏng thi đang gánh, nhưng ít lâu sau đó, khi cậu ấm Hiếu đi ngang qua phố Hàng Bồ, thì vừa vặn gặp "Ý trung nhân" vừa khóc…vừa bước chân lên xe kéo nhà chồng, một người mới đoạt được cái "ấn Tri huyện" nhờ khoa thi ấy"( tr.181).

Có thể nhận thấy do tác giả thiếu kiến thức lịch sử và văn học, sao chép lại một cách máy móc những giai thoại kiểu "tam sao thất bản" nên có nhiều chi tiết sai lệch.

Theo sách "Giấc mộng con" của Tản Đà xuất bản năm 1917 thì ở trường thi Nam Định năm Nhâm Tý (1912), sau khi ra bảng kỳ đệ nhất, thấy không có tên mình, ấm Hiếu đã "hốt hoảng" và bỏ về Hà Nội, vài hôm sau đi về quê Sơn Tây, làm gì có chuyện uống rượu, làm thơ cười cợt ở cổng trường thi. Và bài trên là bài hát xẩm với tựa đề "Xẩm học trò" chứ không phải là thơ, viết năm 1915 - năm có khoa thi Hương ở Nam Định. Lúc này Nguyễn Khắc Hiếu đang ở tại miền núi Hoà Bình với người anh họ, đang chuẩn bị xuất bản tác phẩm "Khối Tình Con" - ông đã viết bài xẩm với hoàn cảnh thực tế cay đắng mà mình đã trải qua, có pha chút trào lộng chua chát, nguyên văn:

Học thì trò
Chúng anh đây cũng kiếp học trò
Bởi vì dốt nát nên nằm co chỗ cái xó rừng
Văn không hay chẳng đỗ thì đừng
Gió mưa mà khỏi chết anh nửa mừng lại nửa thương
Cái nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường
Bảng vàng mũ bạc thôi anh nhường mặc ai
Muốn lên bà khó lắm em ơi!

Các câu xẩm đều mang tính hiện thực liên quan đến đời tư tác giả. Câu 3: "nằm co chỗ xó rừng" - ám chỉ lúc này tác giả đang sống ở miền núi Hoà Bình; câu 4: theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương (con trai Tản Đà) thì "văn không hay chẳng đỗ thì đừng" mới đúng nguyên tác và hợp logic với câu trên là "bởi vì dốt nát" chứ "văn hay chẳng đỗ thì đừng" thì không hợp lý; câu 5: "gió mưa mà khỏi chết anh nửa mừng lại nửa thương" nhắc lại chuyện một thí sinh chết rét ở trường thi Nam Định trước đây; câu cuối nhắc lại cuộc tình không thành của nhà thơ với cô con gái nhà tư sản Đỗ Thận ở phố Hàng Bồ: Ấm Hiếu hỏng thi Hương hai khoa liền (1909, 1912) và rớt kỳ thi vào trường Hậu Bổ năm 1912 do kém môn Pháp văn, nên gia đình nhà gái từ hôn, gả con cho người khác.

Người cưới cô gái đó tên là Đồng, con quan tri huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ), đang học trường Hậu Bổ tại Hà Nội, ra trường được bổ nhiệm tham tá làm việc tại phủ Thống sứ Bắc Kỳ, chứ anh ta không có "đoạt ấn tri huyện" nhờ khoa thi Hương ở Nam Định năm 1912 như tác giả đã viết.

Cuốn sách dày 373 trang, nhưng có hàng trăm sai sót về kiến thức lịch sử, văn học, lỗi chính tả, ngữ pháp…

Phú Trường
.
.