Quà tặng cho người thân quý nhất

Thứ Hai, 16/03/2015, 08:00
Tạo hóa ban cho con người một trong nhiều cách bày tỏ tình yêu thương hết sức bản năng, đó là cái hôn. Về mặt sinh học, cái hôn là tác động tổng hợp của tình cảm, tâm lý, sinh lý, sự kích thích của hệ thần kinh, sự tương tác của các giác quan cơ thể... Con người trân trọng cái hôn, tôn vinh là "nụ"- nụ hôn, chúm chím, trinh khiết. Nụ hôn là cầu nối cho tình yêu lứa đôi.

Trên thế giới, từ lâu, cái hôn đã vào thi ca nhạc họa. Nhạc sĩ M.I Glinka (thế kỷ XIX), được suy tôn là "mặt trời của âm nhạc Nga", đã có nhạc phẩm nổi tiếng "Một đêm hè ở Madrid", âm thanh đã làm rung động bao người: những tiếng thì thào, những cái hôn, những vòng tay ôm trong đêm hè phương nam nồng nhiệt, lôi cuốn...

Đầu thế kỷ XX, danh họa Picasso (Tây Ban Nha) vẽ bức tranh "Cuộc hẹn", mô tả anh con trai ôm hôn người con gái thon thả, phía sau họ là cái giường trải khăn trắng kê sát tường. Người con gái quay lưng lại, che một phần mặt bạn tình. Gắn kết họ là nụ hôn...

Thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây, trong phong trào Thơ mới, nước ta đã xuất hiện các tác phẩm viết về cái hôn. Nhà thơ Đông Hồ có bài thơ "Bốn cái hôn", của mẹ, cha, cô giáo lúc còn nhỏ và người yêu khi trưởng thành. Cái hôn thứ tư này diễn ra khi đôi bạn trẻ đi dạo trên bãi cát, giữa một vùng biển mênh mông, trời đầy trăng sao...: "Một hơi thở mát qua dịu dàng/ Như cơn gió biển thoảng bay ngang/ Rồi luồng điện ấm chạm trên má/ Ân ái môi anh kề nhẹ nhàng".

Nhà văn Vũ Trọng Phụng trong một bài đã đặc tả cái hôn: "Tân từ từ ôm chặt lấy em, hôn vào miệng em, không phải cái hôn tầm thường", cái hôn say sưa và sâu sắc, "tựa hồ uống được tâm hồn của nhau". Nhà thơ tình số một Xuân Diệu có bài thơ "Biển" nói nhiều tới cái hôn:

Anh xin làm sóng biển
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi...

Đối với nhà thơ Hồ Thế Hà, cái hôn chỉ có "một":  "Em ơi rượu chỉ một bầu/ Thơ thì một túi, nỗi sầu một bao/ Tình yêu một biển sóng trào/ Nụ hôn đợi một nụ trao nồng nàn...".

Cái hôn, một biểu hiện rất "người", trường tồn từ xưa tới nay. Nhưng nó cũng mang dấu ấn của từng thời. Đất nước có chiến tranh thì tình yêu đôi lứa cũng hòa quyện với trách nhiệm người công dân. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: "Anh ôm em, ôm cả khẩu súng trường trên vai em", là vì vậy.

Ở chiến trường khốc liệt, bao nhiêu người con gái phải chôn vùi tuổi xuân trong  giằng xé nội tâm. Cô đơn, trống trải, nghĩ đến quyền lợi chính đáng của người phụ nữ, được yêu và được làm mẹ, có lúc họ nổi loạn.

Trong truyện ngắn "Truyền thuyết về Quán Tiên", nhà văn Xuân Thiều viết về chị Mùi như thế: "Hôm ấy, đơn vị nữ của Mùi được đón một anh lính trẻ măng bị thương, hai tai điếc đặc về làm nhiệm vụ bảo vệ. Mùi ngắm người đàn ông, rồi bất thần tung hê tất cả mọi thứ che đậy bề ngoài, xô đến ôm chầm lấy anh, thì thào: "Hôn chị đi!". Xót xa, rung động, xé lòng...!".

Nhân bàn về cái hôn, chợt nhớ một bài viết của Giáo sư Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, kể lại một kỷ niệm vào thập niên 70 thế kỷ trước, khi ông đang làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Cô nhân viên phòng thí nghiệm giúp việc ông hằng ngày tên là Lêna. Cô mời ông đến dự đám cưới của cô, người chồng là phi công lái máy bay chiến đấu. Ông vui vẻ nhận lời. Sau tiệc rượu, ông đem gói quà của mình đến trước Lêna và người bạn đời của cô.

Ông kể: "Lêna cảm động, mỉm cười, đôi mắt xanh có làn mi cong cứ chớp chớp. Cô nhận quà tặng, rồi bỗng ôm choàng lấy tôi, thắm thiết hôn vào môi tôi. Tôi sững sờ. Thế này là thế nào! Tôi là người phương Đông sang nước bạn chưa bao lâu. Thế nào mà lại hôn vào môi. Lêna có nói gì với tôi bao giờ đâu. Tại sao lại công khai thế này, vào giữa ngày cưới! Không phải vì rượu mà mắt tôi hoa lên, người lạnh toát, mặc dù lúc ấy thời tiết mới cuối thu, và tôi cẩn thận mặc áo ấm hẳn hoi. Kìa, chú rể! Chú rể đứng cách tôi một quãng, lừ lừ tiến lên.

Giây phút nguy kịch. Tôi chỉ còn thấy chú rể to lớn, còn phía trước mặt thì mịt mù, lù lù bóng của một phi công chiến đấu. Tôi nín thở. Bỗng... chú rể ôm chặt lấy tôi, và... cũng hôn lên môi tôi. Thế là thế nào! Tôi cố vận dụng trí thông minh lờ mờ còn sót lại để mà hiểu. Thì ra, cái hôn vào môi đâu chỉ là đặc sản của tình yêu nam nữ. Cái hôn ấy tặng cho người thân quý nhất".

Nguyễn Hữu Phách
.
.