Phong trào và chi hội

Thứ Hai, 11/04/2016, 08:00
Cách đây gần 20 năm, khi tham gia làm tập kỷ yếu “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội Nhà văn, tháng 4/1997), tiện thể tôi có làm mấy bản thống kê, thì thấy: Số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từng là, đương là cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang chiếm khoảng gần 40%; số hội viên từng là, đương là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lí, chỉ đạo thuộc ngành Giáo dục - Đào tạo chiếm gần 30%. Có nhiều hội viên vừa ở nhóm 40%, lại cũng ở nhóm 30% trên.


Vào đầu năm 2015, trong những ngày chuẩn bị Đại hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kì 2015-2020, tôi thống kê lại thì thấy, số hội viên ở ngành Quốc phòng - An ninh có tỉ lệ ít hơn trước một chút (hơn 30%); ở ngành Giáo dục - Đào tạo cũng thế (khoảng 25%). Lần thống kê - so sánh gần đây cũng cho thấy hai điểm mới là:

- Hội viên có gốc gác Nghệ An là đông nhất (khoảng 100 người), tiếp theo là các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh. Nhưng ngay cạnh đó, cũng có một số tỉnh chỉ có dăm bảy vị.

- Nhiều tỉnh đã có Chi hội Nhà văn Việt Nam ở tỉnh mình; bốn tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang có Chi hội Nhà văn Sông Chảy. Mỗi Bộ Quốc phòng và Công an cũng có chi hội nhà văn riêng.

Sự biến động về số lượng trên vừa là tự nhiên, đồng thời, cũng là do có sự định hướng nhất định của công tác quản lí, chỉ đạo phong trào. Rồi cũng từ đó, việc thành lập các chi hội nhà văn Việt Nam ở các địa phương và các ngành được diễn ra, lại cũng là do nhu cầu của hội viên và phong trào.

Sự phát triển phong trào tập hợp và liên kết những người viết văn, làm thơ, những mong từ đây, tạo ra mối giao lưu, trao đổi kinh nghiệm gần gũi, mà từng tháng từng năm thành tựu sáng tác, nghiên cứu của mỗi người có sự khởi sắc với các thành phẩm mới... đó là mục tiêu và hi vọng chung.

Theo hướng phát triển - tổ chức này, gần đây, trong Hội Nhà văn Việt Nam có Chi hội Nhà văn Công nhân, và mới ngay đây, vào ngày 30-3-2016, lại có thêm Chi hội Nhà văn ngành Giáo dục - Đào tạo vừa được ra mắt.

Lâu nay lực lượng sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn chương trong ngành Giáo dục - Đào tạo (bao gồm Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và các hội văn nghệ địa phương) vẫn là một số đông, chiếm tỉ lệ cao trong toàn bộ giới sáng tác và nghiên cứu văn chương của cả nước. Lực lượng này có mấy đặc điểm rất đáng chú ý:

1. Có học vấn cao, nhìn chung, đã được đào tạo qua các bậc học. Nhiều năm qua họ đã có những đóng góp hàng đầu ở các công việc nghiên cứu, biên khảo và phê bình giới thiệu tác phẩm tác giả.

2. Họ có mối liên hệ gần gũi với thanh thiếu niên học đường, nên đã góp phần to lớn vào việc quảng bá văn chương, trước là cho học sinh sinh viên, sau là cho toàn xã hội.

Theo tôi, hai đặc điểm này, cũng chính là hai vốn quý mà Chi hội Nhà văn ngành Giáo dục - Đào tạo rất cần tiếp tục khơi dậy, phát huy.

Có nhu cầu thì lập ra tổ chức. Nhưng tổ chức của phong trào thì khác với tổ chức của bộ máy công quyền, câu chuyện này không phải ai cũng biết và xử lí được.

Kết quả tốt trong hoạt động của các chi hội đã có, và hệ quả chưa làm chúng ta hài lòng cũng đã được đưa ra bàn. Hệ quả không hay ấy là đã có lúc, có chi hội mất đoàn kết vì có chuyện tranh giành nhau khi bình xét này nọ; hoặc có yêu cầu được Ban chấp hành "nuôi" về kinh phí hoạt động, chờ một sự "hướng dẫn", "chỉ đạo"... mà quên đi nghĩa vụ thiêng liêng là sáng tác, nghiên cứu của bản thân. Cái câu hỏi: "Tôi được gì đây?" đã nổi cộm lên nhiều hơn câu hỏi "Thời gian qua khi tham gia vào chi hội, ta đã viết thêm được gì nhỉ?".

Thêm một cấp trung gian là chi hội theo kiểu này, liệu có nên chăng? Rất quý là lâu nay, hai Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã không "làm phiền" Hội Nhà văn Việt Nam như thế, tính chủ động của hai chi hội này thật rõ, chất lượng sáng tác của các hội viên ở đây có ấn tượng rất tốt đẹp.

Xưa, cụ Đặng Trần Côn (trong “Chinh phụ ngâm”) có câu "Bước đi một bước dây dây lại dừng...". Khi viết/ nói ý này ra, các cụ ta ngày trước muốn diễn tả sự bâng khuâng bịn rịn của buổi chia ly. Bây giờ nhớ lại, hình như nó đương nhắc ta về một sự điều chỉnh về tổ chức lực lượng, nếu thấy cần thiết thì phải?

Nguyên An
.
.