Phía sau cám dỗ nghệ thuật

Thứ Năm, 08/08/2019, 08:23
Theo tâm lý bình thường, công chúng luôn nghĩ, có con trai là ca sĩ nổi tiếng thì người mẹ chắc cũng được hưởng ấm no. Thực tế không đơn giản như vậy. Nổi tiếng cũng có năm bảy đường và không phải ca sĩ nào cũng dư dả. 


Tai nạn giao thông nào cũng khiến người ta thương tâm. Thế nhưng, thông tin bà Nguyễn Thị Huệ tử vong vào sáng 28-7-2019 do bị tàu hỏa tông lúc mải lượm vỏ lon vương vãi càng khiến người ta xót xa.

Bà Nguyễn Thị Huệ ra đi trong nghèo khó, ở độ tuổi 61, không có ai ruột thịt bên cạnh. Đứa con trai duy nhất của bà Nguyễn Thị Huệ là ca sĩ Châu Việt Cường đang chịu án tù 13 năm. Hai mẹ con, hai số phận buồn đau, mà gợi lên rất nhiều suy tư mặn đắng!

Theo tâm lý bình thường, công chúng luôn nghĩ, có con trai là ca sĩ nổi tiếng thì người mẹ chắc cũng được hưởng ấm no. Thực tế không đơn giản như vậy. Nổi tiếng cũng có năm bảy đường và không phải ca sĩ nào cũng dư dả. Ở một huyện đồng bằng như Hà Trung - Thanh Hóa, không có ruộng để cày thì chỉ có cách đi làm thuê.

Châu Việt Cường học hành dang dở, mà những công việc nặng nhọc như phụ hồ hoặc khuân vác cũng không phù hợp với một cậu trai mới lớn. Năm 1999, khi có một gánh hát về Hà Trung biểu diễn, Châu Việt Cường đã lân la làm quen và được nhận làm thành viên của đoàn.

15 tuổi, Châu Việt Cường rời mảnh đất yên lành và thân thuộc bên bờ sông Hoạt để lao theo giấc mộng nghệ sĩ. Gánh hát thì lênh đênh nay đây mai đó, thu nhập thì chỉ đủ cơm cháo cầm hơi, hình ảnh người mẹ khốn khó chỉ còn là một chấm nhỏ mờ xa trong ký ức của đứa con trai phiêu bạt.

Câu chuyện của ca sĩ Châu Việt Cường cùng định mệnh của người mẹ xấu số có lẽ cũng là một bi kịch để công chúng hiểu thêm về nghiệp cầm ca. Bây giờ có hàng chục cuộc thi ca hát trên truyền hình để các bạn trẻ đăng ký ứng tuyển, nhưng để vươn lên thành một tên tuổi không hề đơn giản. Phía sau cánh màn nhung luôn đầy thử thách. Phía sau vầng hào quang cũng luôn đầy mất mát. Hậu trường nghệ thuật chất chứa bao muộn phiền và đau đớn.

Đừng nhìn vào dăm ca sĩ có biệt thự, xe hơi như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh… mà dại dột tin vào những cám dỗ của sân khấu biểu diễn. Những tiếng vỗ tay sau mỗi bài hát ngỡ chừng đủ ma lực để lôi kéo ca sĩ vào sự thăng hoa, nhưng cũng đặt ca sĩ vào những hoàn cảnh trớ trêu trăm bề. Hát cho thỏa sở thích đã khó, mà hát cho thành nhân vật giải trí càng khó hơn.

Có những người bám lấy micro như một món nợ phải trả cho kiếp tằm nhả tơ, mà thù lao cứ chật vật cơm áo. Từ ca sĩ hội chợ đến ca sĩ phòng trà là một khoảng cách. Từ ca sĩ phòng trà đến ca sĩ ngôi sao là một khoảng cách nữa. Trên mỗi khoảng cách ấy đều có sự đánh đổi oái oăm.

Trên mỗi khoảng cách ấy đều có những chiêu trò diêm dúa. Nếu không đủ bản lĩnh để đương đầu sóng gió thị phi thì đừng nuôi mộng ca sĩ, mà hãy chọn một nghề bình thường hưởng thụ tháng năm an nhiên tự tại trên nhân gian.

Tâm Huyền
.
.