Nuôi tương lai từ sự nghiệp trồng người

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:03
Dân tộc Việt nam là dân tộc có truyền thống hiếu học, từ xưa đến nay, ngày khai trường không chỉ là ngày vui náo nức của hàng triệu học sinh, thầy cô giáo, mà nó đã trở thành một ngày hội của mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước.


Trong mọi quốc gia dân tộc đều có nhiều vốn quý cần giữ gìn và phát huy, nhưng có lẽ không có vốn nào quý bằng "Sức khỏe và Trí tuệ". Chính vì vậy, ngay từ những ngày mới lập nước, trong thời kỳ gian khổ nhất của cách mạng, Đảng, Bác Hồ và nhà nước ta vẫn đặt lên vị trí hàng đầu là chăm lo sức khỏe, nâng cao thể lực của người dân và chấn hưng, phát triển giáo dục. 

Đảng và Bác Hồ luôn thấm nhuần và đề cao lời dạy của tiền nhân "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" và coi đây là nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu. Bác Hồ từng nói: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người".

Suốt một chặng đường dài thử thách đầy gian khổ và vinh quang của cách mạng, những người giáo viên nhân dân, từ thành thị đến đến biên giới hải đảo xa xôi đều gánh trên vai mình sự mệnh cao cả: Thay Đảng "rèn người". Nhiều cô giáo tháng ngày miệt mài chăm sóc, dạy dỗ các em, bất chấp mọi thiếu thốn về vật chất, đến với các em bằng cả tấm lòng của "người mẹ thứ hai". 

Nhiều thầy giáo đã nêu gương sáng mẫu mực về kỹ năng sư phạm, thông minh, sáng tạo trong truyền thụ kiến thức, tích cực giáo dục và nuôi dưỡng các em bằng tính nhân văn, tính đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam.

Năm học 2015 - 2016, ngành Giáo dục đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng… đã có những đổi mới toàn diện, kịp thời có những giải pháp tích cực, khoa học để sớm khắc phục, sửa đổi những tồn tại, thiếu sót, thậm chí là sai trái của ngành Giáo dục đã bộc lộ trong thời gian qua, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa "nhà trường - gia đình - xã hội".

Từ hệ thống giáo dục mầm non, đến hệ thống ba cấp học phổ thông, đều xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất khang trang, chăm lo tốt cảnh quan môi trường, xây dựng nơi ăn nghỉ bán trú, thư viện thân thiện, đảm bảo tốt về an ninh, đẩy lùi những tiêu cực xã hội len lỏi tới học đường.

Đặc biệt, việc chăm lo bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu về các môn học. Hướng cho các em lòng ham mê lý thú, để dành được những đỉnh cao vinh quang qua kỳ thi học sinh giỏi dự thi Olympic khu vực, quốc tế. Nhiều em đã dành được thủ khoa trong kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua. 

Ngày 5-9-2016, có lẽ là ngày vui nhất của hàng triệu học sinh trên cả nước, và đã là ngày hội lớn của đất nước, ngày Hội đưa trẻ đến trường. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có một bức thư tâm huyết gửi tới các thầy cô giáo và các em học sinh.

Trong bức thư này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhắc nhở: "Năm học 2016-2017, ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm với công dân…". 

Nhằm giúp cho các em có niềm tin ở chính mình, đất nước có niềm tin về những công dân tương lai này sẽ đem hết sức lực, tài năng, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, thiết nghĩ, bắt đầu nhịp trống trường khai giảng và lời hứa quyết tâm dưới ngọn cờ Tổ quốc, mỗi một thầy cô giáo phải bắt tay ngay vào hành động, tâm huyết hơn nữa với sự nghiệp trồng người, xóa bỏ ngay tư tưởng bảo thủ, trì trệ, coi mình đã là thầy, đã là nhất, là số một để xây dựng các trường học văn minh, kỷ cương, xây dựng một xã hội học tập, "thầy phải ra thầy", đồng nghĩa với việc thầy cũng phải luôn tìm tòi, học hỏi có như thế mới mong "trò phải ra trò".

Thầy có ra thầy thì mới mong dạy dỗ các em tốt hơn về "đức, trí, thể, mỹ". Tin tưởng rằng khi "mỗi thầy giáo là tấm gương mẫu mực" thì nơi ấy sẽ hình thành nên nhiều "học sinh chăm ngoan".

Phan Thế Cải
.
.