Nỗi khắc khoải cố hương

Thứ Sáu, 30/12/2011, 08:00
Cảm xúc khi đọc cuốn "Tiếng vĩ cầm" của nhà văn Lê Hoài Nam, NXB Hội Nhà văn, 2011.

Nếu chỉ kể những tác phẩm chính, gồm các tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và kịch bản phim truyện thì tác phẩm "Tiếng vĩ cầm" là đứa con tinh thần thứ 13 của Lê Hoài Nam. Đây là một tác phẩm dày dặn, với 436 trang in, gồm hơn năm chục bài tản văn, nhàn đàm, tiểu luận và bút ký chân dung. Ở phần tạp bút, Lê Hoài Nam luận bàn về nhiều lĩnh vực: xã hội học (Tư bản hoang dại), triết học (Triết học nhàn đàm), mĩ học (Mĩ nhân nhàn đàm), âm nhạc, hội họa (Âm nhạc và thời cuộc, Âm nhạc và hội họa trong thánh đường)…

Cách viết của Lê Hoài Nam khá cuốn hút. Phần bút ký chân dung chiếm nhiều số trang hơn. Đó là chân dung các danh nhân văn hóa, những nhà văn, nhà thơ mà anh quen biết hoặc tâm đắc. Viết ra những tác phẩm dạng này tưởng dễ mà khó, vì nó yêu cầu độ chính xác cao, phần luận bàn, cảm nghĩ hư cấu thế nào cũng không được thoát ra sự việc, nhân vật có thực.

Tôi biết Lê Hoài Nam vốn tính cẩn trọng, có lần viết về một địa danh ở Nam Định, đã ngồi vào bàn rồi chỉ còn thiếu một chi tiết nhỏ anh phải "cuốc" xe máy 60-70km xuống tận mép biển Cổn Lu xem xét thu thập lại tư liệu rồi mới về ngồi viết tiếp. Còn hoài nghi một chữ anh cũng phải tìm các loại tài liệu, từ điển tra đi tra lại. Với những nhân vật đã quá cố (như Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Trần Bích San, Á nam Trần Tuấn Khải…) anh càng cẩn trọng. Những nhân vật đương thời, nếu có thời gian cùng sống với họ (như các nhà văn Chu Văn, Đoàn Văn Cừ, Tào Mạt, Trần Đăng Khoa…) thì Lê Hoài Nam viết khá dễ dàng, sự kiện, văn phong cứ theo ngọn bút mà trôi ra. Nhưng những nhân vật không có dịp ở cùng một địa bàn (như Nguyễn Khải, Xuân Trình, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mĩ Dạ…), thường anh phải qua lại với họ, gặp gỡ, trao đổi nhiều lần, khi nào thật hiểu về họ anh mới quyết định cầm bút.

Nói cách khác, những nhân vật mà Lê Hoài Nam chọn để viết chân dung hầu hết là thân thiết hoặc quen thuộc với anh. Anh không viết về người khác theo kiểu "nghe đồn", "nghe người ta nói"… Chính vì thế mà các chân dung được anh mô tả chân thực, sống động. Các chi tiết ngoài đời của họ dù chẳng đáng kể gì nhưng khi vào trang văn của Lê Hoài Nam nó trở nên lấp lánh, cuốn hút người đọc.

Chân dung các nhân vật trong "Tiếng vĩ cầm" có khi viết kĩ càng, tỉ mỉ, có khi chỉ là những nét phác họa, nhưng các nhân vật hiện ra đều có thần thái, "người nào ra người ấy".

Trong "Tiếng vĩ cầm", Lê Hoài Nam viết về văn học nước ngoài không nhiều, nhưng những điều anh viết đều ít nhiều mang tính phát hiện, như "Một bức thư của A. Tsêkhốp, nhận diện người trí thức", "Có một nền văn học lớn trong một đất nước nhỏ", "Nhân vật quyên sinh trong một số tác phẩm văn chương và điện ảnh Nhật Bản"…

Lê Hoài Nam từng là một người lính. Quãng đời trong quân ngũ không ít gian lao và cũng đầy hy vọng đã để lại trong anh biết bao kỷ niệm. Đọc tác phẩm của anh, dù ở thể loại nào ta cũng thường bắt gặp hình ảnh về người lính. Cái địa chỉ "Bộ Tư lệnh hải quân" đóng ở Hải Phòng cách đây ba mươi năm, nơi có "Căn phòng có "ma" mà anh và nhà thơ Trần Đăng Khoa từng sống đã trở thành địa chỉ văn chương đầu đời đầy ấn tượng của anh. Sau này, những dòng văn hễ "chạm" đến người lính như Trần Dần, Nguyễn Khải, Tào Mạt, Phạm Tiến Duật, Vũ Đình Văn… ngòi bút của anh đều có những rung cảm sâu sắc.

Cuộc sống của Lê Hoài Nam khá thăng trầm. Có những giờ khắc anh từng nao lòng phân tâm trước những hành xử thô bạo, thiếu công tâm. Nhưng rồi anh quyết định "cho qua" và đứng lên. Đứng lên một cách thẳng thắn và mạnh mẽ. Sống ở Thủ đô nhưng ngòi bút Lê Hoài Nam vẫn khắc khoải hướng về cố hương. Những trang viết của anh như dòng sông thao thiết chảy từ nguồn cội. Cái tầm văn hóa, tầm nhà văn của anh là như thế. Anh không quên đền đáp một ai đã từng dù chỉ một chút che chở, yêu thương, giúp đỡ mình ở chốn quê: từ Chu Văn, Đoàn Văn Cừ đến Tào Mạt, Phạm Trọng Thanh…

Từ ngày xa Nam Định, xem ra sức viết, sức làm việc của anh càng sung mãn! Để rồi hôm nay anh lại kéo chúng tôi lên ngồi bên Hồ Tiên Sa thơ mộng, thưởng thức "Tiếng vĩ cầm" muôn điệu của anh. Và lắng nghe ngay từ trang đầu cuốn sách lời thổ lộ của người thầy giáo dạy anh buổi đầu đời: "Thầy rất hân hạnh được là người dạy em những năm phổ thông. Thời gian càng lùi xa, thầy càng thấy những năm tháng dạy học ở quê em là ý nghĩa nhất trong cuộc đời dạy học của thầy". Cái ý nghĩa nhất của thầy giáo Trương Văn Khiên, trong cơn hấp hối, thầy gửi vào những lời nói ấy, như là hương của loài hoa dành từ đồng quê hoang dại, bởi thầy cảm nhận được cả khối lòng thành từ cái "lớp học vàng" mình từng dạy năm xưa. Và trong lớp người ấy có Lê Hoài Nam. Âu cũng là cái tình sâu nặng của Lê Hoài Nam với con người và mảnh đất quê hương anh vậy!

Phạm Ngọc Khảnh
.
.