Tản văn

Nồi đất vào phố

Thứ Hai, 17/05/2010, 12:05

Chúng tôi ngồi trong quán, thỉnh thoảng lại nghe thấy những giọng đủ cung bậc, đủ lứa tuổi của những người bán nồi đất đi qua. Mấy thanh niên ngồi gần chỗ chúng tôi càu nhàu: "Thời buổi này, còn ai dùng nồi đất mà rao với bán!".

- Nồi đất ơ…

Tiếng một đứa trẻ vang lên lạc lõng…

- Ai nồi đất đây!

Tiếng một thanh niên rao vóng cao gay gắt như chứa đầy nắng lửa.

- Ai mua nồi đất kh…ông!

Chúng tôi ngồi trong quán, thỉnh thoảng lại nghe thấy những giọng đủ cung bậc, đủ lứa tuổi của những người bán nồi đất đi qua. Mấy thanh niên ngồi gần chỗ chúng tôi càu nhàu: "Thời buổi này, còn ai dùng nồi đất mà rao với bán!".

Trước đây, nồi đất là vật dụng khá quen thuộc trong mỗi gia đình. Nồi đất, ấm đất được dùng để nấu cơm, kho cá, sắc thuốc… nhất là ở nông thôn lại càng đắc dụng. Bây giờ cái thứ đồ tưởng như đi vào quên lãng đó vụt hiện ra, đi cùng tiếng rao bụi bặm. Trên những chiếc xe đạp thồ, từng chồng, từng chồng nồi đất được xếp khéo léo như những chiếc mũ nồi đỏ, len lỏi phố phường.

Rong ruổi là thế, mỗi ngày họ chỉ bán được từ 10 đến 30 chiếc với giá tiền từ 2 đến 10 nghìn đồng một chiếc thì số tiền lãi chỉ tính được bằng tiền trăm. Lãi ít nhưng vẫn phải đi, bởi không đi lấy gì mà sống. Phần lớn những người đi bán nồi là nông dân, lúc nông nhàn rong ruổi quẩy nồi đi bán cũng là để kiếm thêm ít tiền cải thiện đời sống, mà lại được đi đó đi đây. Họ cứ chở nồi đi, mỗi lần hàng trăm chiếc, bán bao giờ hết hàng mới về, len lỏi khắp các làng quê và thành thị. Họ ăn cơm bụi, gặp đâu ngủ đấy. Mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 ngày, có khi cả tuần mới về, mỗi chuyến trừ ăn uống, nghỉ ngơi cũng lãi được 3-4 chục nghìn. Anh Chín, một nông dân quê ở An Giang, đi bán nồi đất gần hai năm nay cho biết: Nghề này kiếm sống cũng tàm tạm nhưng vất vả và nhiều rủi ro. Khi vận chuyển thường dễ vỡ. Trong những vụ va chạm trên đường, dù đúng hay là sai, thường thì người bán nồi cũng không được đền bù, vì là nơi đất khách quê người, hơn nữa nghề bán nồi đất bị coi là thứ nghề rẻ rúng.

Anh Chín kể: "Có lần đi bán dạo đến trưa, mệt quá tui mới ngồi nghỉ ở một gốc cây, cái xe nồi dựng bên cạnh. Vừa nhắm mắt bỗng "choang", nhìn ra thì nửa xe nồi đất đã vỡ vụn. Thì ra bọn trẻ con nó nghịch nó ném đá chơi… Chuyến đó coi như lỗ…". Anh Chín nói, giọng không nghẹn ngào nhưng mặt anh bần thần, nước da đen đúa như xạm hơn: "Ấy thế mà cũng nhờ đặc tính dễ vỡ của nồi đất mà chúng tôi bán được hàng. Cứ đi lòng vòng hoài rồi quay lại chỗ cũ vẫn có người mua…".

Thời trước, nồi đất dễ bán ở nông thôn nhưng bây giờ chính thành thị là nơi tiêu thụ nồi nhiều nhất. Không phải là cư dân thành phố bỏ nồi nhôm, nồi gang sang đun nồi đất, mà chính sự phát triển rầm rộ của các nhà hàng cơm niêu, cơm thố đã làm cho nghề làm nồi đất phát đạt. Khi mà người ta đã chán cơm Tây bơ sữa và quay lại với các món ăn truyền thống cơm tám, cá kho thì việc mở các nhà hàng cơm niêu, cơm thố là một sự thức thời, nhạy cảm với thị trường. Nồi đất thế là lại được tôn vinh. Tôi đã đến một số nhà hàng cơm niêu và thấy được sức tiêu thụ nồi đất lớn như thế nào. Hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc nồi đất bị đập bể mỗi ngày tại các tiệm cơm niêu khi bồi bàn bê thức ăn ra cho khách, lập tức "chát chát", các nồi đất đựng cơm tám, cá kho bị đập bể ngay tại bàn tiệc. Nhìn các mảnh nổi vụn văng tung tóe trên mặt đất, tôi thấy mừng cho người đi bán nồi nhưng lại chạnh buồn vì một sự lãng phí không cần thiết. Và cái tiếng đập nồi chát chúa kia làm tôi thấy khó chịu, như vừa rơi vỡ một cái gì đó thật thân thiết, thật cổ truyền.

Nồi đất được sản xuất với quy mô lớn nhất ở vùng Thất Sơn (An Giang), gần những khu vực có nguồn đất sét tốt. Đất sét được đưa về đây từ các vùng phụ cận như Sóc Xoài, Lình Quỳnh. Chọn đất là một khâu quan trọng trong quy trình làm nồi đất. Đất để nặn nồi phải là loại đất sét tươi, mịn, quánh mà không ướt thì mới tạo ra được những chiếc nồi đẹp, không nứt, không rạn khi nung.

Nghề làm nồi đất ở An Giang là nghề có từ lâu đời, được truyền qua nhiều thế hệ. Nồi đất làm rất đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao. Đất sét đem về nhào, nặn úp phơi khô, chất rơm rạ đốt, bao giờ đỏ đẹp là được. Ở Thất Sơn, trẻ em lên 10 tuổi đã lấm lem bùn đất, nhào nặn suốt cả ngày. Người dân ở đây yêu cái thô tháp, mộc mạc của đất, yêu cái nghề giản dị, đơn sơ của cha ông để lại. Sản phẩm nồi đất của An Giang được xuất theo hai bến là xóm Xà Tón (Tri Tôn) và bến Hòn Đất (gồm Hòn Me, Hòn Sóc). Từng đoàn thuyền chở nồi đất cứ chông chênh theo đường sông đi khắp miền Tây Nam Bộ đổ buôn cho bà con nông dân, len lỏi đến tận Sài Gòn. Cái màu đỏ au của đất nung trải qua nắng lửa, thấm mồ hôi của những bàn tay cứ sẫm màu dần theo thời gian, song tiếng rao nồi đất thì vẫn cứ vang lên lảnh lót

Phương Dung
.
.