Nỗi buồn trong một nỗi buồn

Chủ Nhật, 02/10/2016, 08:10
Ca sĩ Minh Thuận ra đi vì căn bệnh ung thư để lại trong lòng người yêu nghệ thuật nhiều mất mát. Chẳng ai ngờ một ca sĩ, diễn viên đa tài, hiền lành như anh lại ra đi sớm như thế ở cái tuổi 47. Người đến chia buồn rất đông, nhưng chưa đông bằng kẻ đến vì hiếu kỳ. Không biết từ bao giờ đã thành một phong trào không hay ho gì: đám tang của người nổi tiếng là dịp để những fan cuồng kéo đến “săn” thần tượng!


Đi đám tang mà họ ăn mặc sành điệu, đỏ tím vàng hồng và hở hang như đang đi đại nhạc hội. Họ cười nói rổn rảng, trèo tường để chỉ trỏ nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia rồi bình phẩm tướng mạo, dung nhan… Nghệ sĩ gặp fan thì làm sao đây? Cười cũng dở mà mặt lạnh tanh thì bảo là chảnh chọe, khó gần.

Đến viếng đám tang Minh Thuận, Hoài Linh bị người hâm mộ chèo kéo để chụp ảnh đến nỗi rượt anh chạy lòng vòng. Trấn Thành, Hồ Ngọc Hà cũng không may mắn gì hơn khi bị nguyên một đội quân bao vây, đòi quay clip, săn hình ảnh tự sướng.

Bị “săn” dữ quá, nhiều “sao” phải “đột kích”, đến tang gia giữa đêm khuya mới thoát nạn. Đến khi các nghệ sĩ biểu diễn một đêm nhạc mini tiễn đưa đồng nghiệp thì đám tang như vỡ chợ, nó biến thành cuộc xô xát, chen lấn vì nhiều người tranh nhau xô hàng rào để xem hát. Tiếng la ó, kêu gào, cười cợt, đùa giỡn vô tư diễn ra ở một đám tang đau thương. Trong đám đông hỗn loạn đó, ca sĩ Nhật Hào còn bị trộm nẫng mất điện thoại. Ở cõi cực lạc, hẳn Minh Thuận không khỏi đau lòng.

Người dân hiếu kỳ xếp hàng dài chờ đón thần tượng ở đám tang ca sĩ Minh Thuận. (Ảnh: Internet).

Trước đó, các đám tang của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, người mẫu Duy Nhân đều xảy ra tình cảnh ì xèo mỗi khi người nổi tiếng xuất hiện. Nghệ sĩ đi viếng đám tang mà mỗi lần họ xuống xe thì các fan không hiểu phục kích ở đâu kéo ra đồng thanh hét lớn tên thần tượng. Tiếng hét át cả tiếng tụng kinh, gõ mõ cầu siêu cho người quá cố. Thần tượng nghe chỉ muốn độn thổ.

Vậy nên, giới nghệ sĩ đi đám tang thường bịt khẩu trang, trùm mũ kín mít, gắng “bơi” trong biển người để vào chia buồn với gia quyến. Báo lá cải chụp hình không được, lại cho là “sao” chảnh, làm khó phóng viên, coi thường người hâm mộ. Thiệt, làm người nổi tiếng khổ hết sức. Đến khi nằm xuống cũng không yên.

Trên Facebook thì họ lại thể hiện sự hâm mộ phát rồ, phát dại của mình bằng vô vàn cách ăn theo. Một trong những cách “ái mộ” khủng khiếp là lập trang cho người đã khuất, kêu gào mọi người liên tục nhấn like, nếu được cỡ 1.000 like hoặc 10.000 like chẳng hạn thì người chết sẽ sống lại! Con kền kền là đây.

Trên trang cá nhân, nghệ sĩ nào chia buồn, lời lẽ xót thương thống thiết thì lại bị các “thánh soi” quy kết rằng đạo đức giả, là nhân cơ hội để đánh bóng tên tuổi. Nói sao cũng bị suy diễn, đến mức thành vạ miệng nên nhiều nghệ sĩ cứ im lặng là vàng. Phương Thanh rất thân với Minh Thuận nhưng chị cũng chỉ ghi vài dòng trên Facebook để tránh rắc rối.

Có người lớn tiếng bênh vực hành động xấu của đám đông kia bằng lời lẽ như thế này: “Thử hỏi nếu không có khán giả như họ, liệu nghệ sĩ có nổi tiếng được không mà chỉ trích?”. Thật nực cười. Quả là công chúng cần cho nghệ sĩ thật đấy và  nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật mà không có công chúng thưởng thức thì coi như thất bại. Nhưng không phải vì thế mà nghệ sĩ chấp nhận mọi loại công chúng  đồng hành trên con đường nghệ thuật của mình.

Có người chỉ cần một bộ phận công chúng rất nhỏ nhưng họ hiểu và yêu mến nghệ sĩ thật sự thì người nghệ sĩ đã vô cùng mãn nguyện. Nghệ thuật đích thực không cần đếm số đông. Nghệ sĩ đích thực càng không cần kiểu công chúng vô ý thức đến mức không biết câu: “Không ai chê đám cưới, không ai cười đám ma”.

Thuở nhỏ đi học, ai mà không được cô dạy rằng: đi qua một đám ma thì nên ngả mũ, im lặng cúi đầu tiễn người đã khuất vì nghĩa tử là nghĩa tận. Mà ở đám đông vô cảm và nhặng xị ấy lại có lắm thanh niên trí thức, tay lăm lăm điện thoại, máy tính bảng xịn hẳn hoi.

Lâu nay, người ta chỉ quen nhìn về phía nghệ sĩ để yêu cầu họ phải có tài năng thế này, trình độ thế kia, đạo đức thế nọ để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của khán giả. Thế nhưng, tại sao ta không đòi hỏi ngược lại ở những người ngồi hàng ghế khán giả. Phải có những tiêu chí nhất định, chẳng hạn như trình độ thưởng thức, cảm thụ, cách ứng xử thì mới có thể trở thành công chúng thật sự của loại hình nghệ thuật ấy.

Công chúng của cải lương hẳn nhiên phải khác công chúng của sân khấu ca nhạc, người yêu ballet phải khác người thích chèo… Tất cả điều trên họ cần phải học và rèn luyện chứ không phải bỗng dưng tự nhiên mà có. Nói sâu xa, suy cho cũng quay về cái gốc của giáo dục. Nếu một người được giáo dục tới nơi tới chốn, biết thưởng thức và yêu mến nghệ thuật thì họ không thể có những hành xử vô văn hóa với nghệ sĩ như ở đám tang vừa rồi.

NSND Kim Cương kể hồi còn là đầu tàu của Đoàn kịch nói Kim Cương, bà cùng anh em nghệ sĩ “huấn luyện” cho công chúng biết thưởng thức nghệ thuật, ứng xử với nghệ sĩ. Phải làm sao để họ coi sân khấu như thánh đường mà mình là những con chiên ngoan đạo, còn nghệ sĩ là những vị thiên sứ. Bà uốn nắn khán giả từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Mỗi lần đoàn sắp diễn, bà nhắc nhở mọi người trật tự, không gây ồn ào nơi công cộng. Dù điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng đoàn vẫn để rạp luôn sạch sẽ, cử người túc trực để nhắc những ai mất trật tự, ăn đồ vặt trong giờ diễn. Anh em nghệ sĩ hết sức gìn giữ hình ảnh của mình cũng như cái đạo làm nghề. Lâu dần khán giả quen với sự nền nếp, nghiêm túc của đoàn Kim Cương. Khán giả đối với nghệ sĩ một lòng trọng vọng, yêu quý.

Nếu khán giả không được định hướng, giáo dục về thẩm mỹ và cảm thụ nghệ thuật trong nhà trường thì rõ ràng chính nghệ sĩ phải làm điều đó. Cách Hoài Linh nhắc nhở đám đông “đây là đám tang mà”, cách Hồ Ngọc Hà kiên quyết nói “không” khi một fan cuồng xin chụp hình trong đám tang Minh Thuận là hành xử văn minh để khán giả nhận ra trò lố và bộ mặt vô cảm của một số người.

Phan Thi Uyên
.
.