Bộ "Từ điển Bách khoa đất nước, con người Việt Nam":

Những sai sót cần được chỉnh sửa

Thứ Tư, 16/04/2014, 08:00
Một điều có thể khẳng định ngay là "Từ điển bách khoa đất nước, con người Việt Nam" (Encyclopedia of Vietnam: Country and People) do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa phát hành năm 2012, tái bản lần thứ nhất, có cập nhật, bổ sung, đã có nhiều ưu điểm như đã biết kế thừa và nâng cao những ưu điểm đã có ở bộ Từ điển ra đời trước; việc tăng mục từ, số lượng từ và cập nhật được nhiều từ mới...

Làm từ điển là công việc nhọc nhằn, nếu không muốn nói là cực khó. Trước đây, các bộ "Từ điển văn học", "Từ điển Văn hóa" hay "Từ điển Bách khoa" đã khiến bạn đọc và các nhà chuyên môn phải lên tiếng trên diễn đàn báo chí vì còn quá nhiều lỗi. Nguyên nhân có thể ở nhiều khâu trong quá trình biên tập, nhưng phải thẳng thắn mà nói, chủ yếu là lỗi của những người biên soạn. Không ai biết được hết nhưng phải tham khảo, đối chiếu tỉ mỉ và thận trọng... Từ điển là sách công cụ gần như được coi là "gối đầu giường" mà còn sai thì hậu quả tác động đến xã hội không phải là chuyện có thể nhắm mắt bỏ qua.

Một điều có thể khẳng định ngay là "Từ điển bách khoa đất nước, con người Việt Nam" (Encyclopedia of Vietnam: Country and People) do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa phát hành năm 2012, tái bản lần thứ nhất, có cập nhật, bổ sung, đã có nhiều ưu điểm như đã biết kế thừa và nâng cao những ưu điểm đã có ở bộ Từ điển ra đời trước; việc tăng mục từ, số lượng từ và cập nhật được nhiều từ mới. Bộ Từ điển này thực sự bổ ích cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy và cho độc giả khi cần tra cứu tư liệu. Tuy nhiên, thật tiếc là công trình đồ sộ, công phu này vẫn còn khá nhiều sai sót.

Cá nhân tôi, khi đọc bộ sách này lần đầu tiên năm 2010 (khi đó, bộ sách này mang tên "Từ điển thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam"), đã có thư riêng gửi TS. Trịnh Tất Đạt là người đồng chủ biên, đề nghị những sai sót cần phải chỉnh sửa để bộ sách được hoàn thiện. Sau khi đọc và đối chiếu với bộ sách được tái bản, tôi thấy vẫn còn những sai sót chưa được sửa chữa.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin nói thêm về một số sai sót để có thể rút kinh nghiệm cho những lần tái bản của bộ Từ điển lần sau, ngõ hầu cung cấp cho bạn đọc một bộ sách với những nội dung tri thức chính xác nhất. Trong khả năng nhỏ nhoi của mình, tôi chỉ xin khu biệt vào những danh nhân được Từ điển nhắc đến. Có thể còn những nội dung ở các lĩnh vực chuyên môn khác, sẽ có những chuyên gia đóng góp, bổ sung thêm.

1.  Về sự thống nhất trong quy cách trình bày: một đôi chỗ còn tùy tiện.

Ví dụ thứ nhất, tại chú thích ảnh và mục từ "Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam 1954" (trang 720) và chú thích ảnh cùng mục từ "Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam" (trang 721) đã không có sự thống nhất trong quy tắc chính tả giữa chữ "I" hay "Y". Nội dung viết một kiểu và chú thích viết một kiểu. Quy tắc chính tả hiện nay ở một số nhà xuất bản vẫn chưa được thống nhất, nhưng với một ấn phẩm khoa học dù ở bất kỳ nhà xuất bản nào cũng phải thống nhất ngay từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng.

Ảnh minh họa không khớp với nội dung bài viết.

Ví dụ thứ hai, trang 1049, mục từ "Líu", viết về loại nhạc cụ này nhưng ảnh minh họa là Nghệ nhân hát Xẩm - cụ Hà Thị Cầu đang kéo Nhị. Thêm nữa, chú thích lại viết một cách tùy tiện, khó hiểu: "Nghệ biểu diễn nhân Líu". Xin sửa lại thành: "Nghệ nhân biểu diễn Líu" và đề nghị thay ảnh minh họa bằng chính đàn Líu với các nghệ nhân sân khấu tuồng hoặc sân khấu cải lương Nam Bộ cho đúng.

2. Tính cập nhật chưa cao.

Ví dụ, mục từ Lương Xuân Nhị, trang 1095, các nhà biên soạn viết: "Lương Xuân Nhị (sinh năm 1914)". Tác giả chưa cập nhật: Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã từ trần từ năm 2006. Hay mục từ Phan Tư Nghĩa, trang 1364 viết: "Phan Tư Nghĩa (1910-?)". Theo gia đình, cụ Phan Tư Nghĩa mất ngày 28/1/2009.

3. Về một số nội dung cần sửa chữa trong tiểu sử danh nhân.

Trang 17, mục từ An Nam tạp chí viết: "Tản Đà (bút danh của Nguyễn Khắc Hiếu 1888-1939)". Tản Đà sinh ngày 19/5/1889. Điều này đã được gia đình và các nhà nghiên cứu công nhận, ghi rõ. Xin tham khảo các sách về Tản Đà của Nhà xuất bản Giáo dục và sách giáo khoa phổ thông dành cho học sinh và các sách về Tản Đà do Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương là con trai Tản Đà biên soạn như: "Tản Đà một đời văn" (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 1995) hay "Tản Đà thơ và đời" (Nhà xuất bản Văn học, 1995).

Trang 138, mục từ Bùi Huy Bích, viết: "Bùi Huy Bích (1744 - 1802/1818)". Như vậy tác giả cũng chưa xác định rõ được chính xác năm mất của Bùi Huy Bích. Thời gian mất để cách xa nhau đến 16 năm là không ổn. Về Bùi Huy Bích, xin xem tiểu sử trong sách "Danh nhân văn hóa Bùi Huy Bích (1744-1818)" do Bùi Hữu Nghị chủ biên, Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản năm 1998.

Trang 597, mục từ Đỗ Nhuận, viết: "Đỗ Nhuận (1439 / 1446 - ?) quê ở Kim Hoa nay thuộc Mê Linh, Hà Nội". Theo các sách "Danh nhân Vĩnh Phúc" (Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phúc xuất bản năm 1998) hoặc "Địa chí Vĩnh Phúc" (Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phúc xuất bản năm 2000) thì danh sĩ Đỗ Nhuận, Tao Đàn phó đô nguyên súy sinh năm 1446, đỗ Tiến sĩ năm 1466 khi mới 20 tuổi.

Trang 747, mục từ Hoàng Đạo Thúy, viết: "Hoàng Đạo Thúy (1900-1994). Ông quê ở xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội". Viết như vậy là tác giả chưa cập nhật sự thay đổi về mặt địa lý hành chính. Quê Hoàng Đạo Thúy nay thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân.

Mục từ Lưu Trọng Lư, trang 1098 viết: "Lưu Trọng Lư (1912 - 1980)". Như vậy là các nhà biên soạn đã để nhà thơ tác giả "Tiếng thu" sinh sau 1 năm và mất trước 11 năm. Xin được sửa lại như sau: Lưu Trọng Lư (1911 - 1991).

Mục từ Lý Chính Thắng, trang 1.100 viết: "Lý Chính Thắng (Nguyễn Đức Huỳnh)". Xin sửa lại chữ Đức thành Đắc: Nguyễn Đắc Huỳnh. Lý Chính Thắng sinh tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nên tên đệm của ông cũng cần phiên âm theo đúng tiếng địa phương đã quen thuộc.

Mục từ Nguyễn Bình, trang 231 viết: "Nguyễn Bình (tên thật Nguyễn Phương Thảo: 1909 - 1951)". Về năm sinh của Trung tướng Nguyễn Bình có nhiều người viết khác nhau, có người còn viết ông sinh năm 1906. Căn cứ theo sách "Nguyễn Bình - Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam" (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2004) và sách "Trung tướng Nguyễn Bình" (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2001) của tác giả Thế Trường (cháu của Trung tướng Nguyễn Bình) đều viết ông sinh năm 1908. Cho nên, theo tôi, nên sửa theo năm sinh 1908 theo tư liệu chính thức của Bộ Quốc phòng.

Mục từ Nguyễn Mạnh Tường, trang 1255 viết: "Nguyễn Mạnh Tường (1909/1910-1997)". GS.TS Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16/9/1909. Năm 2009, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Mục từ Nguyễn Quốc Trị, trang 1263 viết: "Nguyễn Quốc Trị (1921 - 1983)". Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Trị, Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 4 mất ngày 16 tháng 8 năm 1967 vì bom nổ tại làng Phượng Kỷ, quê hương ông, trong một lần về thăm quê. Vì vậy, xin sửa lại cho đúng.

Mục từ Nguyễn Văn Tố, trang 1282 viết: "Nguyễn Văn Tố: Tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ trước năm 1945". Xin sửa lại: Nguyễn Văn Tố: Tham gia sáng lập và là Hội trưởng đầu tiên Hội Truyền bá Quốc ngữ; như vậy mới đúng với vị thế và đóng góp của cụ Nguyễn Văn Tố đối với Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Mục từ Trần Văn Giáp, trang 1730 viết: "Trần Văn Giáp (1902 - 1973)". Theo sách "Nhà sử học Trần Văn Giáp" (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1996), năm sinh của ông là 1898.

Mục từ Vũ Ngọc Phan, trang 1879 viết: "Vũ Ngọc Phan (1904 - 1987)" và "được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000". Trong sách "Nhà văn Vũ Ngọc Phan" kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông (Nhà xuất bản Văn học, 2007), ở phần tiểu sử nhà văn Vũ Ngọc Phan, các nhà làm sách cho biết ông sinh ngày 8 tháng 9 năm 1902 tại Hà Nội. Ngoài ra, nhà văn Vũ Ngọc Phan được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt đầu tiên năm 1996 (chứ không phải năm 2000).

Mục từ Trần Duy Hưng, các nhà làm sách cho biết: "Trần Duy Hưng (tên thật: Phạm Thư, 1912-1988" và "Ủy viên Bộ Nội vụ trong Hội đồng Quốc phòng tối cao". Theo gia đình, Phạm Thư là bí danh của bác sĩ Trần Duy Hưng. Ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ và làm Ủy viên trong Hội đồng Quốc phòng tối cao.

Trên đây chỉ là một số ví dụ. "Từ điển bách khoa đất nước, con người Việt Nam" (Encyclopedia of Vietnam: Country and People) đứng tên GS.NGND. Nguyễn Văn Chiển và TS. Trịnh Tất Đạt đồng chủ biên; Ban biên soạn gồm có: Đậu Văn Nam (Trưởng ban), Giang Thiệu Thanh, Nam Hải, Nguyễn Đức Bình; Cố vấn khoa học: TS. Vũ Tuấn Anh và PGS.TSKH Trần Trọng Hòa. Nhưng GS.NGND. Nguyễn Văn Chiển đã qua đời từ năm 2009, vì vậy, gánh nặng đều dồn lên vai TS. Trịnh Tất Đạt và Ban biên soạn. Cho nên, qua bài viết này, mong rằng các tác giả sẽ dành thời gian rà soát lại một lần nữa để sửa chữa những thiếu sót đã gặp phải. Hy vọng, trong những lần tái bản tới đây, bộ sách sẽ ngày càng hoàn thiện.

Hà Nội, 1/4/2014

Kiều Mai Sơn
.
.