Những phi lý chưa được giải đáp

Thứ Bảy, 30/09/2017, 08:16
Suốt một tuần vừa qua, chuyện ở Hãng phim truyện Việt Nam đã đặc biệt thu hút sự chú ý, cảm thông của rất nhiều người hâm mộ điện ảnh, những người quan tâm đến phát triển văn hoá, văn nghệ nước nhà...


Điểm mấu chốt dẫn đến sự quan tâm ấy chính là những mâu thuẫn đỉnh điểm giữa một bên là một nhà buôn, cũng là là chủ nhân mới của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), và một bên là những nghệ sỹ xưa nay vẫn được khán giả yêu mến, là hình mẫu của những nghệ sỹ nghiêm túc, yêu nghề, đứng đắn mà điển hình là đạo diễn, diễn viên Quốc Tuấn, đạo diễn Thanh Vân…

Thực sự, bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ nhận ra một cách dễ dàng cái đáng ngờ trong câu chuyện cổ phần hoá VFS lần này. Cổ đông mới, nắm giữ 65% cổ phần của VFS, là Vivaso (Tổng công ty Vận tải thủy), một công ty mà Nhà nước đã thoái vốn vào năm 2014. Tại Visavo, cổ đông chính và lớn nhất là Công ty Vạn Cường (nắm giữ 77,1%) của ông Nguyễn Thủy Nguyên và ngành nghề kinh doanh chủ đạo của Vạn Cường chính là bất động sản.

Từ những chi tiết ấy, chúng ta liên hệ trở lại với câu chuyện định giá tài sản của VFS để phục vụ cổ phần hoá. VFS hiện đang nắm trong tay trụ sở ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội, một cơ sở ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, cơ ngơi ở số 6 Thái Văn Lung – TP Hồ Chí Minh và một trường quay rất lớn ở Uy Nỗ, Đông Anh.

Trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam hiện tại.

Tổng trị giá của tất cả những tài sản đất đai ấy hiện nay lên tới hàng chục triệu USD. Vậy mà khi định giá để cổ phần hoá, giá trị của VFS chỉ được định ở mức 50 tỷ đồng, tức khoảng 2 triệu USD và Visavo chỉ phải chi 33 tỷ để trở thành cổ đông ở VFS. Vậy là phi lý thứ nhất đã được lộ sáng. Đó là quy trình thẩm định giá của VFS đã diễn ra như thế nào, được duyệt bởi ai và tại sao giá trị bất động sản mà VFS nắm quyền quản lý lại có thể được định giá thấp đến mức như vậy? 

Rõ ràng, mức giá ấy quá sức lạc hậu so với mặt bằng giá cả hiện thời và đó là còn chưa kể đến chuyện giá trị thương hiệu của VFS (bao gồm bề dày thành tích, các mối quan hệ trong nước và quốc tế…) dường như đã không được tính vào thành một tài sản vô hình thực tế.

Nhưng hãy tạm quên câu chuyện định giá tài sản đầy phi lý kể trên và nhường nó cho các chuyên gia kinh tế cũng như các cơ quan thanh tra, kiểm soát về tài chính của Nhà nước để chúng ta cùng đến với một phi lý khác, một phi lý lạc thời đang tồn tại ở chính VFS và chắc chắn sẽ tồn tại ở nhiều đơn vị nghệ thuật Nhà nước khác.

Tất cả chúng ta sẽ cảm thấy rất bất nhẫn khi nghe các nghệ sỹ gạo cội tố rằng phía ông Nguyễn Thủy Nguyên đã nói với các nghệ sĩ đại ý rằng, về nhà đi, ở lại văn phòng làm việc chỉ tốn tiền điện hoặc hơn nữa là nhận được thông tin về mức lương chưa đầy 5 triệu của những đạo diễn, biên kịch, diễn viên đã có nhiều đóng góp cho điện ảnh nước nhà. Không chỉ có thế, việc nghệ sỹ Quốc Tuấn phát biểu rằng ban lãnh đạo mới của VFS đưa ra kế hoạch cam kết 1 năm làm 2 phim (1 phim nhựa và 1 phim truyền hình) trong khi VFS có tới 8 đạo diễn chắc hẳn sẽ khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều.

Thương các nghệ sỹ, đồng cảm với các nghệ sỹ là chuyện tất nhiên, song chúng ta phải nhận thấy rằng, việc 1 đạo diễn, biên kịch đi làm theo biên chế, trở thành nhân viên cơ hữu của một hãng phim trong đúng vai trò biên kịch, đạo diễn… đã quá lạc hậu mất rồi. 

Thời bao cấp, chính các đạo diễn từng phải làm phim theo cơ chế xoay tua, thậm chí có người phải đợi đến hai, ba năm mới tới lượt mình được làm phim. Nhưng đó là cách vận hành của một xưởng phim ở thời kinh tế kế hoạch lạc hậu. Chúng ta gần như đã copy mô hình của các xưởng phim Liên Xô và khi đất nước mở cửa, chống lại tình trạng quan liêu, bao cấp từ 32 năm trước, mô hình ấy coi như đã lạc hậu hoàn toàn.

Và đến hôm nay, khi Nghị quyết Trung ương 5 nhấn mạnh hơn vào việc tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, cái mô hình ấy càng cần phải khai tử hơn bao giờ hết. Không một hãng phim hạch toán độc lập nào trên thế giới này còn sử dụng kiểu tuyển dụng biên kịch, đạo diễn vào làm việc như nhân viên cơ hữu của mình nữa.

Mối quan hệ giữa hãng phim với đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên là quan hệ hợp tác theo dự án và nhờ đó, hãng phim có thể mở rộng mạng lưới hợp tác của mình với rất nhiều tài năng khác nhau. Các hãng phim tư nhân thành công ở Việt Nam hiện nay như Galaxy, BHD, HK Film đều không tuyển dụng bất kỳ đạo diễn, diễn viên cơ hữu nào làm việc cho mình. Họ không phải trả cho những nhân tố ấy lương tháng nhưng bù lại, khi đã hợp tác, họ trả rất nhiều tiền.

Cách đây không lâu, chúng ta đã chứng kiến thành công ngoạn mục trên thị trường của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, một phim mà Cục Điện ảnh đã đặt hàng các hãng phim tư nhân thực hiện. Không ít nhân tố tham gia phim ấy đang là người của cãc hãng phim Nhà nước. 

Trong khi đó, trước đó đã có rất nhiều phim Nhà nước đầu tư tiền tỷ nhưng không bán nổi vé nào và bị xếp vàng dạng phim “cúng cụ”. Và nó chính là chìa khoá cho câu trả lời ta kiếm tìm bấy lâu nay. Đó là hãy trả điện ảnh về với thị trường, theo đúng quy luật thị trường, Nhà nước chỉ quản lý về mặt kiểm duyệt nội dung và thậm chí Nhà nước có thể tham gia bằng cách đặt hàng một số dự án cụ thể, với những tiêu chuẩn đặt ra chi tiết tùy thuộc theo đồng vốn mà Nhà nước đầu tư.

Đã đến lúc, những nghệ sỹ không thể là công chức ăn lương cùn mòn được nữa. Đã đến lúc, phải kêu gọi tư nhân tham gia vào điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung như những nhà đầu tư chủ lực của thị trường. Nhưng tất nhiên, cũng đã đến lúc cần phải nghiêm túc lựa chọn nhà đầu tư, không thể để sẽ có những Visavo khác, đến với điện ảnh thực chất cũng chỉ vì miếng đất.

Hà Quang Minh
.
.